Cơ hội việc làm, thu nhập cao với nhiều ngành học
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:35 - 25/05/2022
Nhiều ngành học “đắt” cơ hội việc làm
Theo ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo thống kê từ năm 2019 đến 2021, mỗi năm có khoảng 240.000 sinh viên tốt nghiệp. Đây là cơ cấu rất quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia.
Theo thống kê của năm 2020, 10 lĩnh vực, ngành đào tạo có sinh viên tốt nghiệp từ 10.000 người trở lên là: Kinh doanh và quản lý 60.000; Sức khỏe 22.000; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 21.000; Công nghệ kỹ thuật 19.000; Nhân văn 16.500; Khối kỹ thuật 14.400; Khoa học xã hội và hành vi 13.900; Kiến trúc và xây dựng 12.000; Máy tính và công nghệ thông tin 11.900; Pháp luật 11.800.
Còn theo thống kê từ 2018 đến 2020, có 10 nhóm ngành luôn đứng đầu về số lượng đào tạo và lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm, đó là: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nhân văn; Khoa học xã hội hành vi; Kinh doanh và quản lý; Pháp luật; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Kiến trúc và xây dựng; Sức khỏe.
Số liệu 3 năm 2018, 2019, 2020 cho thấy, sự biến động đầu vào cũng như biến động sinh viên tốt nghiệp, tiếp cận 10 lĩnh vực đứng đầu trong 3 năm có sự thay đổi đáng kể.
“Ví dụ ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên giảm dần, năm 2018 có 27.028 giáo viên sư phạm, năm 2019 có 28.038 giáo viên, năm 2020 có 21.034 giáo viên. Hay khối Sức khỏe từ 2018-2020 tăng từ 11.000 lên 23.000 người. Lý do có kể kể đến là một số cơ sở đào tạo mở thêm khối ngành sức khỏe nên số lượng đào tạo hằng năm cao hơn", ông Linh dẫn chứng.
Thông tin về xu hướng việc làm dựa trên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, ông Bùi Văn Linh chia sẻ số liệu thống kê năm 2020, chia thành 4 nhóm: Nhóm 1 là các nhóm ngành có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức cao, quy định trên 85%; nhóm 2 ở mức khá là tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 1 năm đạt từ 75-85%; nhóm 3 mức trung bình đạt từ 70 đến dưới 75%; nhóm 4 ở mức thấp đạt dưới 70%.
Cụ thể, số liệu năm 2020 cho thấy, nhóm 1 bao gồm ngành Dịch vụ vận tải đạt 89,2% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, ngành Nghệ thuật đạt 85,4%, ngành Thú y đạt 85,2%. Tuy nhiên, nhóm ngành này có số lượng sinh viên tốt nghiệp không cao.
Nhóm 2 có một số nhóm ngành là: Kiến trúc và xây dựng đạt 79,6%, Sản xuất và chế biến đạt 79,5%, Toán thống kê đạt 77,7%, Sức khỏe đạt 66,7%, Nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 75,8%, Khoa học sự sống 75,6%.
"Trong nhóm này, rất vui khi ngành Khoa học sự sống có tỉ lệ việc làm khá cao. Đây là điều đáng mừng vì chúng ta đang rất khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực về các ngành khoa học cơ bản", ông Linh nói.
Nhóm 3 có một số nhóm ngành là: Khoa học giáo dục đào tạo giáo viên đạt 74,5%, Nhân văn đạt 74,7%, Kỹ thuật đạt 74,1%, Công nghệ kỹ thuật đạt 73,4%, Máy tính và công nghệ thông tin đạt 73,6%.
Nhóm 4 là nhóm có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức thấp là: Dịch vụ xã hội đạt 56,3%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 59,9%; Pháp luật đạt 64,9%; Kinh doanh quản lý đạt 68,8%, Khoa học xã hội và hành vi đạt 69,2%.
Thú y - Ngành học đầy triển vọng
Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, vaccine cho hay: "Chúng tôi tuyển một kế toán, trả lương 6-8 triệu là tuyển được người xuất sắc, trong khi đó tuyển một người học chăn nuôi Thú y, trả lương 20 triệu, vẫn bị… bấp bênh".
Thực tế cho thấy, lương khởi điểm của một bác sĩ hoặc kỹ sư Thú y mới ra trường là 6-8 triệu đồng/tháng và tăng theo kinh nghiệm cũng như kỹ năng. Vì nguồn đào tạo khan hiếm cùng với nhu cầu nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp ngành Thú y hiện nay sẵn sàng thảo luận mức lương trên 20 triệu đồng/tháng cho vị trí kỹ sư Thú y.
Ngành Thú y là ngành học đào tạo bác sĩ thú y chuyên chăm sóc và chữa bệnh cho thú nuôi. Ngành này đào tạo kỹ năng chuyên môn về thú y, chẩn đoán, phòng trị bệnh, các thao tác trong thí nghiệm về vật nuôi. Giúp người học biết sử dụng các loại thuốc, hóa chất, dược phẩm, vaccine để phòng bệnh cho chúng.
Học ngành Thú y, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng như: Biết sử dụng một số dược phẩm, hóa chất, vaccine phòng trị bệnh cho động vật; xây dựng chương trình thú y cho trại chăn nuôi; nắm bắt luật thú y, thị trường thuốc, chăn nuôi… Đồng thời học ngành Thú y sẽ hiểu chuyên sâu về bệnh học, về ngoại khoa, giải phẫu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh, kiểm tra các sản phẩm nguồn gốc từ động vật, kiểm tra các cơ sở giết mổ chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản…
Ở nước ta hiện có nhiều trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành Thú y. Nếu học sinh có mong muốn trở thành bác sĩ Thú y, có thể tham khảo các trường: ĐH Lâm nghiệp; ĐH Nông nghiệp - ĐH Thái Nguyên; ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh; ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; ĐH Hùng Vương... và một số trường đại học, cao đẳng khác.
Cùng với đó, ngành Thú y có khá nhiều trường đào tạo nên số lượng các khối học sinh có thể lựa chọn để xét tuyển vào ngành học này rất đa dạng. Các em có thể tham khảo xét tuyển những tổ hợp môn sau: A00: Toán – Vật lý – Hóa học; A01: Toán – Vật lý – Tiếng Anh; B00: Toán – Hóa – Sinh học; C02: Ngữ văn – Toán – Hóa học; D01: Ngữ văn – Toán – Tiếng Anh; D07: Toán – Hóa học – Tiếng Anh; D08: Toán – Sinh học- Tiếng Anh; D90: Toán – Khoa học tự nhiên – Tiếng Anh.