THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:05

Ngang nhiên tháo dỡ di tích nhà thờ họ ở Nghệ An: Phó Chủ tịch huyện và Chủ tịch xã bị tố cáo

Ngày 16/4, đại diện con cháu dòng họ Trần Khắc (còn gọi là Trần Văn) ở xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết công dân đã viết đơn tố cáo ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành và ông Hồ Phi Hòe, Chủ tịch UBND xã Công Thành vì trách nhiệm liên quan đến việc di tích nhà thờ dòng họ bị phá dỡ trái phép.

Nguyên nhân tố cáo, vào ngày 12/3/2020, ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ký văn bản số 367 trả lời đơn của công dân nêu: Việc di dời nhà thờ đã được Hội đồng gia tộc bàn bạc, thống nhất. Nhà thờ chưa được xếp hạng di tích nên chưa được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ, việc di dời là để phát huy giá trị di tích; trước đây nhà thờ đã được di dời 1 lần, các cấu kiện, hiện vật trong quá trình di dời được bảo quản cẩn thận.

Công dân cho rằng,  theo văn bản của UBND huyện Yên Thành do ông Hoàng Danh Truyền ký, việc di dời di tích không có vấn đề gì sai, chính quyền địa phương và những người liên quan không có ai phải chịu trách nhiệm.

Do đó, người dân tố cáo ông Hoàng Danh Truyền vì đã vi phạm quy định của UBND tỉnh Nghệ An và các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, vô hình trung tiếp tay cho hành vi phá hoại di tích.

Còn ông Hồ Phi Hòe, Chủ tịch UBND xã Công Thành, bị tố cáo vì hành vi buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn tới di tích bị phá hoại.

Ngang nhiên tháo dỡ di tích nhà thờ họ ở Nghệ An: Phó Chủ tịch huyện và Chủ tịch xã bị tố cáo
 - Ảnh 1.

Thượng điện nhà thờ họ Trần Khắc bị tháo dỡ

Được biết, Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An cũng đã thành lập đoàn xác minh, xử lý vụ việc.

Như Dân sinh đã thông tin, theo đơn của ông Trần Khắc Trúc (TP Vinh, Nghệ An) gửi các cơ quan báo chí, nhà thờ họ Trần Khắc (xã Công Thành, Yên Thành) là công trình di tích có ý nghĩa văn hóa, tâm linh của dòng họ và địa phương, thờ nhiều người có học hàm, học vị cao, có công với đất nước.

Di tích nói trên đã được đưa vào danh mục phân cấp quản lý các di tích, danh thẳng trên địa bản Nghệ An tại Quyết định 1017/QĐ.UBND.VX ngày 1/4/2011 và giao cho UBND xã Công Thành trực tiếp quản lý. Di tích có tên trong danh mục kiểm di tích, danh thắng tại Quyết định 201/QĐ-UBND ngày 17/01/2018.

Cho rằng khuôn viên nhà thờ chật chội, một số người trong dòng họ đã quyết định di dời nhà thờ sang vị trí khác, tuy nhiên chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều con cháu dòng họ, chính quyền địa phương cũng không cho phép.

Thế nhưng, vào 19/2/2020, nhiều người trong dòng họ Trần Khắc đã tổ chức đập tường, tháo dỡ toàn bộ gian thượng điện di tích.

Ông Trần Khắc Trúc và nhiều người trong dòng họ làm đơn kêu cứu gửi lên huyện, tỉnh nhưng toàn bộ gian thượng điện đã bị tháo dỡ, các đồ tế khí đã bị đưa đi nơi khác.

UBND xã Công Thành đã yêu cầu đình chỉ việc tháo dỡ di tích, tuy nhiên việc xây dựng tại địa điểm mới vẫn được tiến hành.

Trong văn bản số 54 ngày 6/3/2020, Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An khẳng định: "Việc tự ý tháo dỡ, di dời và tụ bổ tôn tạo di tích nhà thờ Trần Văn có tên trong Quyết định phê duyệt danh mục kiểm kê khi chưa xin ý kiến của chính quyền và cơ quan chuyên môn là vị pham Luật Di săn Văn hóa và Quyết định 27/2014/QĐ-UBND ngày 03/4/2014 của UBND tỉnh Nghệ An, về việc Ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Lịch sử - Văn hóa và Danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.   

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tich, Ban quản lý Di tích Nghệ An kính để nghi Sở Văn hóa và Thể thao yêu cầu UBND huyện kiểm tra và có hướng xử lý đối với sai phạm".

Liên quan đến vụ việc, ngày 12/3/2020, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 1313 gửi UBND huyện Yên Thành, yêu cầu kiểm tra, giải quyết, trả lời công dân theo quy định.

Theo Ban quản lý di tích tỉnh Nghệ An: Di tích Nhà thờ họ Trần Văn (tên gọi khác: Nhà thờ họ Trần Khắc), xã Công Thành, huyện Yên Thành, được xây dựng vào thế kỷ XVI tại làng Ngọc Hạ. Năm 1968, do chiến tranh, di tích được chuyển về tại xóm Bùi Bùi hiện nay. Nhà thờ là nơi thờ các vị tiên tố trong dòng họ. Cụ thủy tổ tên là Trần Văn Trai, hậu duệ nhiều người có công dẹp giặc, an dân như ông Trần Khắc Dần (theo Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt đi đánh giặc, được ban sắc phong). Trong thời kỳ 1928- 1931, nhà thờ là nơi hội họp, sinh hoạt của các tổ chức cách mạng và chi bộ đảng.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh