THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:25

Ngậm đắng nuốt cay chiêu lừa thuê nhà

 

Chiêu lừa ngoạn mục

Người thuê nhà thường gặp nhất “cò”. “Cò” không chỉ có một vài con mà có khi là cả một tập đoàn, có văn phòng, có trung tâm đàng hoàng.

Nắm được tâm lý của người đi thuê, “cò” dụ dỗ đặt cọc với cái câu cửa miệng “nếu không đặt cọc, một lúc nữa có người đến hỏi, tôi không giữ cho đâu”… và thế là người thuê đã ném một khoản tiền qua cửa xổ. Khi chuyển đồ đạc đến mới hay, nhà đã có chủ. Người thuê đến văn phòng gặp “cò” thì chỉ nhận được thái độ lăm lăm, hung hãn như muốn ăn tươi nuốt sống của đám lâu la hằm hè trước ngõ.

Và theo như lời tố của nạn nhân thì không ít người "thiệt kép" khi bỏ tiền thuê nhà tại số 167, phố Cầu Giấy (Hà Nội), chủ nhân của ngôi nhà là ông Nguyễn Đình Hiệp và bà Hoàng Thị Lan Anh. Mới đây, một nạn nhân vướng vào mớ bòng bong này là một cô gái trẻ ở quê mới lên. Theo lời kể thì cô gái bị mê hoặc bởi những mỹ từ trong lời quảng cáo, sau cái gật đầu, cô đã tin tưởng và đặt bút ký hợp đồng và đã giao cho chủ nhà 140 triệu đồng.

lừa thuê nhàHợp đồng đã ký, tiền đã nhận song chủ nhân ngôi nhà không chịu sửa chữa bàn giao mặt bằng khiến người thuê bị thiệt hại

Hợp đồng thì đã ký, tiền thì đã nhận, song chủ nhà lại không giao mặt bằng. Đấy là chưa nói đến việc tòa nhà này do đã sử dụng nhiều năm, xuống cấp nghiêm trọng, có rất nhiều hạng mục phải chờ đợi sửa chữa kết cấu mới sử dụng được.

“Tôi đã nhiều lần yêu cầu ông Nguyễn Đình Hiệp thu dọn và sửa chữa những hư hỏng của tòa nhà để giao mặt bằng cho tôi. Tuy nhiên ông Hiệp vẫn không thực hiện bàn giao mặt bằng đúng hẹn, khiến cho chúng tôi không có mặt bằng để triển khai hoạt động kinh doanh”, người thuê nhà bức xúc.

Trong một diễn biến khác, căn nhà rao cho thuê cao 3 tầng, rộng hơn trăm mét vuông ở phố Trung Kính (Hà Nội) trở thành công cụ để những kẻ bất hảo trục lợi. Khi có người hỏi thuê nhà, đối tượng nhanh chóng chìa ra bản hợp đồng soạn sẵn, bao gồm các điều khoản và một cái bẫy. Ký xong, người thuê hàng trăm triệu đồng vào đầu tư.

Nửa năm sau, chủ nhà xuất hiện và phát hiện người đang thuê nhà của mình không phải là người mình đã ký hợp đồng. Lần dở lại hồ sơ, tìm cách liên lạc đều không được khi đối tượng ôm tiền cao chạy xa bay.

Vậy là tiền đặt cọc của người thuê nhà với đối tượng bất hảo đã mất. Nếu muốn làm ăn tiếp thì phải chi thêm một khoản đặt cọc cho chủ nhà, nếu không thì ôm theo nỗi hận sớm ngày dọn đồ ra khỏi nhà thuê.

Phải ngậm trái đắng

Trở lại vụ thuê nhà ở 167, phố Cầu Giấy. Người thuê nhà đang phải ngậm đắng khi mặt bằng không được giao mà tiền thì cũng không lấy lại được. Chủ nhà trốn trách bằng cách đổ thừa cho vợ, dù rằng người vợ không hề tham gia ký kết hợp đồng hay tham gia giao nhận tiền.

Vì thái độ không hợp tác, không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng buộc người thuê nhà kiên quyết đòi tiền. “Tôi sẽ khởi kiện ông Nguyễn Đình Hiệp ra tòa án để yêu cầu đòi lại tiền thuê nhà mà ông Hiệp đang chiếm giữ của tôi, ông Hiệp không thực hiện bàn giao mặt bằng cho thuê mà vẫn cứ muốn ôm tiền thì thật là không có chữ tín trong làm ăn kinh doanh. Hơn nữa khi sự việc xảy ra, ông Hiệp lại đá quả bóng trách nhiệm cho vợ mình, điều này cho thấy ông Hiệp không phải là một người “dám làm dám chịu” trong ký kết làm ăn. Qua sự việc này thì những ai khi có ý định thuê nhà tại 167 Cầu Giấy cần phải hết sức cẩn trọng khi ký kết hợp đồng thuê nhà, tránh phải ngậm đắng nuốt cay như tôi”, nạn nhân từng ký kết thuê nhà cảnh báo

Lợi dụng hợp đồng thuê nhà lỏng lẻo, chủ nhân các ngôi nhà bỏ mặc quyền lợi của người thuê 

Cảnh báo về nguy cơ mắc bẫy thuê nhà, Luật sư Nguyễn Công Hiếu (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã phân tích cụ thể trường hợp nạn nhân thuê nhà 167, phố Cầy Giấy.

Khi thuê nhà, cần chú ý xem đó có phải là tài sản chung hợp nhất thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng hay không. Nếu có thì vợ chồng người cho thuê có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

Cụ thể như trường hợp số 167, phố Cầu Giấy. Hợp đồng thuê nhà được giao kết giữa ông Nguyễn Đình Hiệp và người thuê nhà và không có chữ ký của vợ ông Hiệp. Do đó, về nguyên tắc thì hợp đồng cho thuê nhà ở này sẽ vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì căn cứ theo Điều 137 Bộ luật Dân sự:

Thứ nhất, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

Thứ hai, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Trong trường hợp này, hợp đồng đã ký kết giữa ông Hiệp và người thuê nhà do vô hiệu sẽ không làm phát sinh thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Hay nói cách khác, ông Hiệp phải có nghĩa vụ trả lại tiền cho người thuê nhà, còn người thuê nhà phải hoàn trả lại mặt bằng thuê nhà cho ông Hiệp, và trên thực tế mặt bằng vẫn do ông Hiệp quản lý nên người thuê nhà sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao này.

"Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người thuê nhà có thể khởi kiện ông Hiệp, chủ nhân ngôi nhà số 167 phố Cầu Giấy ra tòa án nhân dân nơi ông Hiệp đang cư trú để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Tòa án sẽ căn cứ các quy định của pháp luật dân sự để giải quyết yêu cầu của nguyên đơn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thuê nhà theo quy định, Luật sư Hiếu cho biết thêm.

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh