Ngã ba Đồng Lộc nao nao trời tháng Bảy
- Dược liệu
- 13:25 - 26/07/2019
- Cựu thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc và những nghĩa cử cao đẹp của tình làng nghĩa xóm
- Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc: Tiếp đón trên 50 lượt đoàn khách trong ngày lễ 30/4
- Hà Tĩnh: Long trọng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc
- Hồi sinh “tọa độ chết” Ngã ba Đồng Lộc
- Hà Tĩnh: Trao quà tình nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc
- Bất tử màu tím hoa mua
Tượng đài chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc trong thời kì chiến tranh chống Mỹ và bây giờ mặc dù có quá nhiều đổi thay. Nhưng mỗi khi tháng Bảy đến bao giờ cũng như một nhịp cầu nối bắc qua mọi khoảnh khắc thời gian, trở về với giai đoạn lịch sử kiêu hùng của dân tộc, cùng với sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) khi tuổi đời của các chị mới mười tám, đôi mươi.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc chẳng khác nào "yết hầu" trên cơ thể chúng ta. Nếu máu ở đây đổ xuống bao nhiêu thì ta càng đau đớn bấy nhiêu. Và tháng 7/1968 với vết thương Ngã ba Đồng Lộc trên cơ thể dân tộc chúng ta vẫn mãi chưa lành.
Với Ngã ba Đồng Lộc ngày ấy trở thành 1 vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống đường Trường Sơn Đông, nối hậu phương ra tiền tuyến. Nếu tọa độ này bị xóa sổ trên bản đồ đường Trường Sơn sẽ chia cắt hoàn toàn các tuyến tỉnh lộ 2 (15B ngày nay) nối từ QL1A, đoạn từ Ngã ba Giang lên đường Trường Sơn 15A tại Ngã ba Đồng Lộc. Từ đó sẽ cô lập tuyệt đối tuyến đường Trường Sơn 21A bắt đầu từ km0, đoạn giao nhau với đường Trường Sơn 15A tại ngã ba Khe Giao nằm ở vùng giáp ranh giữa huyện Thạch Hà và huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Và vô hình chung khi tuyến đường Trường Sơn 21A bị chia cắt, có nghĩa là tuyến đường Trường Sơn 22A bắt đầu từ km0, đoạn giao nhau với đường Trường Sơn 21A tại Ngã ba Thình Thình nằm ở vùng giáp ranh giữa huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng không còn phát huy được tác dụng.
Chương trình Đồng Lộc - Những đóa hoa bất tử, kỉ niệm 51 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc
Vì tính chất đặc thù của vị trí giao thông chiến lược hết sức quan trọng, nên trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, giặc Mỹ đã tập trung bắn phá Ngã ba Đồng Lộc, hòng biến nơi này trở về với thời đồ đá, cắt đứt mạch máu giao thông liên lạc giữa hậu phương miền Bắc và chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, với tinh thần bất khuất và sự sáng tạo của quân và dân ta, Ngã ba Đồng Lộc vẫn hiên ngang giữa trời bom đạn, mà đỉnh cao là "Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc" năm 1968, đảm bảo thông suốt tiền tuyến, hậu phương, góp phần đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc.
Anh hùng lực lượng vũ trang Uông Xuân Lý (80 tuổi), người đã đi vào huyền thoại của cuộc chiến tranh chống Mỹ bằng hành động cảm tử lái chiếc xe cần gạt máy ủi để gạt bom nổ chậm ra khỏi ngã ba đường cho đoàn xe ta băng băng ra trận, hiện sinh sống tại TP. Hà Tĩnh vẫn nhớ như in: Ngày 27/3/1968, ông đạp xe qua Ngã ba Đồng Lộc trên đường về phép thăm nhà từ Hương Sơn xuống thị xã Hà Tĩnh để vào Đèo Ngang, thấy cảnh vật ở đây vẫn dường như còn yên tĩnh. Nhưng đến ngày 31/3/1968, sau khi ông được điều động ra Ngã ba Đồng Lộc tham gia làm giao thông, cũng là lúc giặc Mỹ bắt đầu tập trung các phương tiện máy bay ném bom hiện đại nhất thời đó cùng các loại ca nông, đại bác từ Hạm đội 7 tập kích khu vực vô cùng tàn khốc. Chỉ tính từ ngày 31/3 đến 7/10, năm 1968, giặc Mỹ đã ném xuống đây 43.600 quả bom các loại, trong đó có 6.000 quả bom nổ chậm, chưa kể các loại đạn pháo bắn từ biển đông lên.
Vào thời điểm ấy, dọc tuyến đường Đồng Lộc hầu như toàn thể vườn tược, nhà cửa của người dân địa phương đều bị bom đạn thiêu cháy trơ trụi. Những đồi sim mua và cỏ dại mênh mông cũng bị bóc dỡ lớp này đến lớp khác, trắng cả một vùng như sa mạc.
Cụ Lê Công Tự (86 tuổi), một người Đồng Lộc giờ đã già yếu nhưng mỗi khi nhắc đến những đau thương mất mát xảy ra trên quê hương và chính gia đình mình trong những tháng năm bi thương ấy, cụ lại không cầm nổi nước mắt, vọng về lời ai oán rằng: Tại sao bom đạn chiến tranh không giết chết cụ mà nỡ cướp mất đứa con trai vô tội của cụ là Lê Công Luyện, lúc đó mới vừa tròn 11 tuổi cùng 7 nữ học sinh lớp 3 của Trường phổ thông cấp I Đồng Lộc, trong lúc con cụ và các em đang ngồi nghe thầy Lệ giảng bài giữa tiết học bù dưới lũy trường, đó là 8 giờ sáng, ngày 29/4/1967 mà chưa hề có một chút gì lót dạ!
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Ông Nguyễn Thanh Bính (75 tuổi), nguyên cán bộ kỹ thuật, thuộc tổng đội N55-P18 TNXP Hà Tĩnh, từng tham gia làm nhiệm vụ thông đường cho xe qua tại cung đường Ngã ba Đồng Lộc từ năm 1965 đến 1971, hiện sinh sống ở TP. Vinh (Nghệ An). Trong dịp tháng Bảy này, hầu như ngày nào ông cũng có mặt tại Ngã ba Đồng Lộc.
Bởi theo ông, chỉ có ở đây thường không hẹn mà gặp lại được những đồng đội xưa để chia sẻ nỗi niềm của cuộc sống của quá khứ cũng như hiện tại. Đồng thời cũng là dịp để khói hương cho các đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi này trước khi chiến tranh kết thúc. Ông tâm sự: Có lần ông gặp một nữ TNXP rất xinh đẹp nhưng đang bị mắc phải hội chứng bệnh hysteria, la hét như mê sảng, chạy hết chỗ này đến chỗ khác.
Thương cô, ông ra đồi hái một bông mua dại mang tặng cô, rồi ông ôm hôn cô thắm thiết như người tình. Không ngờ sau một thời gian ngắn, người nữ TNXP đó khỏi bệnh. Nhưng rồi cuốn theo chiến trường khốc liệt cho đến ngày hòa tình tới tận bây giờ, ông vẫn chưa bao giờ được gặp lại người nữ TNXP ấy. Đó cũng là một trong những lý do mà cứ đến dịp tháng 7 hàng năm, ông lại tha thẩn về lại nơi này.
Bao nhiêu câu chuyện tang thương trên vùng đất Đồng Lộc một thời vẫn như còn nguyên vẹn. Ông Nguyễn Thế Linh (79 tuổi), nguyên đại đội trưởng, đại đội TNXP C52 từng bị thương 8 lần trong suốt thời gian làm nhiệm vụ trên cung đường Ngã ba Đồng Lộc, hiện sinh sống tại thôn Mai Long, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc kể lại rằng: Thương các chị em TNXP trong đơn vị thời đó thiếu thốn đủ bề, bát mì, củ sắn thay cơm, bánh xà phòng, khăn mặt hay cả tờ giấy viết thư cũng khan hiếm. Nhưng những người TNXP tuổi đời còn rất trẻ vẫn hồn nhiên, trong sáng, ngày, đêm rộn tiếng hát ca.
Chương trình Đồng Lộc - Những đóa hoa bất tử kỉ niệm 41 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc
Có lần một chiếc xe ô tô chở thuốc men qua Ngã ba Đồng Lộc bị bom Mỹ ném trúng làm thuốc bay tung tóe. Chị em nhặt được một thùng thuốc Bô-li-vi-ta-min thấy ngọt đưa cho nhau ăn. Không ngờ hôm sau, ngủ dậy cô nào đi tiểu cũng thấy nước tiểu màu vàng. Có cô không giấu giếm lên trình bày sự việc với ông, ông vội lên trạm xá hỏi quân y, được quân y cho biết không ảnh hưởng gì. Ông mừng chạy một mạch về báo cho chị em. Tối hôm đó cả đơn vị ôm nhau cười rúc rích!...
Về với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc bây giờ, chúng ta không thể không cảm nhận được những chiến công vang dội và sự hy sinh mất mát của quân, dân ta trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó cũng là biểu tượng về ý chí quật cường và thể hiện tinh thần tự chủ sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chiến tranh của quân dân ta. Trên hết tất cả chính là sự khát khao hòa bình, độc lập dân tộc.
Trong cuộc chiến sinh tử ở Ngã ba Đồng Lộc thời điểm đó Binh trạm 9 do thiếu tá Nguyễn Đình Dân chỉ huy, được giao nhiệm vụ điều vận. Có lần Binh trạm lệnh cho dùng bộc phá, hủy cả 1 chiếc xe ô tô đang trên đường chạy ra Bắc, do đường quá hẹp để thông tuyến cho 20 chiếc xe ô tô khác chở đạn dược vào chiến trường. Hay có lần Binh trạm phát lệnh cho lực lượng TNXP bốc hết cả 3 xe ô tô chở gạo, lấy gạo lấp bùn lầy, để cho cả đoàn xe chở gạo phía sau vượt lên…
Chương trình Đồng Lộc - Những đóa hoa bất tử kỉ niệm 41 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc
Để đổi lấy sự tồn tại bất diệt của Ngã ba Đồng Lộc trong suốt cuộc chiến tranh, không thể lấy gì có thể so sánh nổi với những tổn thương mất mát của quân, dân ta. Nổi bật là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Vậy nhưng từ một địa chỉ hoang tàn trong chiến tranh, bây giờ là cả một quần thể khu di tích lịch sử được xây dựng khang trang với những công trình hiện đại như: Tháp chuông, Tượng đài chiến thắng, Đền thờ, vườn hoa và Đài tưởng niệm Nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc ghi danh 4.000 liệt sĩ TNXP hy sinh trên toàn quốc và Khu mộ 10 liệt nữ TNXP… Từ “tọa độ chết” trong chiến tranh, nay Ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ Việt Nam.
Cuộc chiến tranh giành giật từng tấc đất, tấc đường giữa “tọa độ chết” Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành huyền thoại mà cứ ngỡ như vẫn còn mới đó. Đồi núi đã phủ kín một màu xanh; làng mạc đói nghèo loang lổ những hố bom, đạn ngày ấy đã nhường chỗ cho những dãy nhà khang trang, đường sá đi lại rộng thênh thang được sải nhựa thẳng tắp...
Đồng Lộc bây giờ đang trở thành một thị trấn du lịch non trẻ tràn đầy sức sống nhưng tháng Bảy ở đây bao giờ cũng nao nao buồn và đọng lắng lời khói hương!