THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:33

Hồi sinh “tọa độ chết” Ngã ba Đồng Lộc

 

* Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc là sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để cán bộ, đảng viên, nhân dân tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động trong chuỗi sự kiện này như thế nào thưa ông?

 - Ngày này cách đây 50 năm, vào thời điểm tàn khốc nhất của cuộc chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại đã đi vào lịch sử; trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; nơi đấu trí, đấu lực giữa một bên là lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta với một bên là cỗ máy chiến tranh hiện đại nhất, hùng mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và các đại biểu dự lễ khánh thành Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc.

 

Trong bom đạn ác liệt, đã có trên 16 nghìn người thuộc các lực lượng vẫn kiên cường bám trụ trận địa, mưu trí, dũng cảm chiến đấu trên đất lửa Đồng Lộc. Tại mảnh đất thiêng này, hằng trăm bộ đội, thanh niên xung phong, công an, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến và nhân dân Can Lộc… đã anh dũng hy sinh, tiêu biểu là 10 nữ thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã anh dũng hy sinh ngày 24/7/1968 khi đang làm nhiệm vụ khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, làm nên chiến thắng Đồng Lộc.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã dấy lên các phong trào thi đua và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Tổ chức họp báo tuyên truyền; chỉ đạo các cơ quan báo, đài trong tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Đồng Lộc. Vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách; đầu tư xây dựng các công trình trong quần thể Khu di tích. Phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng Đồng Lộc - giá trị lịch sử và hiện tại”. Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đồng Lộc - Bài ca bất tử”; tổ chức gặp mặt cựu thanh niên xung phong tiêu biểu; tổ chức các hoạt động sáng tác các tác phẩm âm nhạc, văn học nghệ thuật, sân khấu kịch, triển lãm hội họa…

* Cùng với sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh, vùng đất Đồng Lộc đã được đầu tư phát triển như thế nào từ sau chiến tranh, thưa ông?

- Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh xuất phát điểm thấp, nhưng với khát vọng thoát nghèo, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã xác định các khâu đột phá, khơi dậy và thắp lửa từ mạch nguồn truyền thống, đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh. Giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 18%. Năm 2016, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề sự cố môi trường biển, thiên tai, lũ lụt nhưng được sự giúp đỡ của Trung ương, Hà Tĩnh đã kịp thời đưa ra các quyết sách đúng đắn, đến nay kinh tế đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng cao. 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 32,94%; thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra. Văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và các đại biểu thắp hương tại Ngã ba Đồng Lộc.

 

Cùng với sự phát triển của tỉnh, Ngã ba Đồng Lộc được đầu tư xây dựng khang trang, trở thành nơi tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc. Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1995, Đảng và Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục công trình tại Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc. Năm 2013, Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ người Việt Nam và là điểm đến du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đối với xã Đồng Lộc, từ mảnh đất được mệnh danh “chảo lửa, túi bom”, “tọa độ chết” trong chiến tranh năm xưa, đến nay được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, xã Đồng Lộc đã có nhiều phát triển mới. Ngày 12/7/2018, xã Đồng Lộc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận là thị trấn, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng. Dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã quan tâm hỗ trợ xây dựng nhiều hạng mục, công trình tại xã Đồng Lộc và Khu di tích thanh niên xung Ngã ba Đồng Lộc với tổng số tiền 390,634 tỷ đồng, như: Trường tiểu học Đồng Lộc, Đường tránh Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, nâng cấp Đường 15B đoạn từ Ngã ba Đồng Lộc đi Quốc lộ 1A và nhiều công trình khác. Đây chính là sự thể hiện tri ân sâu sắc nhất, có ý nghĩa thiết thực nhất của các thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh, mất mát của đồng bào, đồng chí đã ngã xuống tại mảnh đất thiêng này.

* Được biết, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, điểm nhấn là hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong, gia đình chính sách, xin ông nói rõ hơn về các hoạt động này của tỉnh Hà Tĩnh đối với người có công nói chung và thanh niên xung phong nói riêng?

Thắp hương mộ 10 cô gái sy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.


- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”; với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,  thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh và toàn xã hội luôn giành sự quan tâm và thực hiện tốt các chính sách đối với những người công với nước, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong.

Chỉ đạo rà soát, xử lý hồ sơ tồn đọng và các trường hợp vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với người có công. Tiếp tục huy động nguồn lực, thực hiện tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa như: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tích cực tham gia ủng hộ xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người có công cải thiện cuộc sống.

Quan tâm giải quyết hỗ trợ về nhà ở cho những gia đình chính sách còn gặp khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, không để hộ người có công khó khăn về nhà ở. Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, cùng với nguồn lực của địa phương, tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 311 gia đình chính sách (kế hoạch đề ra là 119 nhà), với tổng số tiền hỗ trợ là 13,74 tỷ đồng. 

*Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc là dịp để ôn lại quá khứ oai hùng cũng như nhớ ơn những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Đồng thời, đây cũng là dịp giáo dục thanh niên thời đại Hồ Chí Minh về lòng yêu nước. Vậy, nhân dịp này, tỉnh Hà Tĩnh có những hoạt động gì để giáo dục lòng yêu nước đối với giới trẻ, thưa ông?

 - Từ khi được công nhận là Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia, Ngã ba Đồng Lộc đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Bình quân mỗi năm thu hút trên 30 vạn lượt du khách, riêng 6 tháng đầu năm 2018 thu hút trên 17 vạn lượt khách tham quan, trong đó có rất nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh. Có thể nói Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đã có sức thu hút kỳ lạ đối với du khách thập phương, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, Ban Chỉ đạo tổ chức kỷ niệm của tỉnh đã giao cho Tỉnh Đoàn phối hợp với các cơ quan tổ chức nhiều hoạt động rất có ý nghĩa. Đặc biệt là tổ chức các hoạt động cao điểm trong tháng 6 và tháng 7/2018 bằng các hình thức như: Chiếu phim, thi trắc nghiệm, các diễn đàn, văn nghệ; đảm nhận thực hiện các công trình, phần việc thanh niên hướng tới kỷ niệm; tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu 50 năm chiến thắng Đồng Lộc” thu hút 407.041 lượt đoàn viên, học sinh, sinh viên toàn tỉnh tham gia.

Phối hợp với Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức Chương trình Hội quân và hành trình “Những dấu ấn vinh quang”  từ 20 đến 22/7/2018 tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh để trao tặng nhà tình nghĩa, học bổng, sổ tiết kiệm, sân chơi thiếu nhi, thư viện sách “Thanh thiếu nhi làm theo lời Bác”, đường điện thanh niên, thuốc chữa bệnh, máy trợ thính… với tổng kinh phí gần 2,2 tỷ đồng; phối hợp với các tổ chức, cá nhân trao tặng 500 suất quà tổng trị giá 350 triệu đồng cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn

  * Xin trân trọng cảm ơn ông!

VÂN KHÁNH (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh