CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:45

Bất tử màu tím hoa mua

 

 

Tượng đài chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc

 

Hành hương về “địa chỉ đỏ” Ngã ba Đồng Lộc giữa tiết trời tháng Bảy nghi ngút khói hương, ta như đang bị “thôi miên” bởi những đồi hoa mua tím bạt ngàn!.. Có lẽ không có nơi nào trên mặt đất này hoa mua lại trường sinh bất tử và cháy bỏng màu tím sắc yêu thương hơn như ở xứ này!

Những cánh hoa mua thủy chung ấy đã sát cánh cùng quân dân ta viết lên trang sử chói lọi về chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc của 50 năm trước, và giờ đây đang trở thành nhân chứng lịch sử đưa ta về với quá khứ bi hùng của dân tộc, cùng với đó là cái mốc thời gian đau thương trước sự hy sinh anh dũng của 10 liệt nữ thanh niên xung phong (TNXP) vào chiều ngày 24, tháng 7, năm 1968 khi tuổi đời của các chị hãy còn xanh!

Nói đến Ngã ba Đồng Lộc những năm tháng đạn bom ác liệt ấy, có lẽ người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể tin nổi vì sao một địa danh nhỏ bé như thế mà vẫn sừng sững trên bản đồ chiến tranh kinh hoàng đến thế! Chỉ tính riêng từ tháng 4 đến tháng 10, năm 1968, giai đoạn là ác liệt nhất, có ngày máy bay Mỹ oanh tạc tới đây 103 lượt, ném xuống 800 quả bom các loại... ước tính mỗi mét vuông đất Đồng Lộc phải hứng chịu 3 quả bom tấn, chưa kể các loại bom, đạn sát thương khác…

Suốt ngày, đêm Ngã ba Đồng Lộc không lúc nào ngớt tiếng đạn bom, đất đá bị đào đi xới lại, hố bom chồng chất hố bom, lửa khói ngút trời! Nào nhà cửa cho đến ruộng vườn, cây cối…. của bất cứ một hộ dân nào ở đây mà không bị thiêu cháy trơ trụi. Những người dân vô tội ấy đành phải nhắm mắt vất bỏ lại tất cả, gồng gánh kéo nhau chạy đi sơ tán. Xóm làng trống trơ hoang tàn đến nỗi con chim sẻ cũng chẳng biết chui về đâu làm tổ; khoai, lúa chín rộ dưới đồng chẳng người thu hoạch!...  

Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc 

 

Mới đó mà đã nửa thế kỷ trôi qua, cụ Lê Công Tự- một người dân địa phương nay đã 86 tuổi, nguyên là thôn đội trưởng thôn Trường Thành, xã Đồng Lộc thời kỳ ấy vẫn tỏ ra hết sức bàng hoàng kể lại cảnh đau thương tang tóc bao trùm lên cả làng quê ông, khi mà chỉ trong một đêm có tới hơn 20 người dân bị chết bom. Cùng với đó là cảnh tượng 3 mẹ con bà Lê Thị Cháu bị cháy queo quắp lại đen như ba cục than, trong lúc mẹ con bà đang trải nống nằm giữa nhà,; và cảnh tượng 3 mẹ con nhà bà Thâm bị vùi lấp dưới hầm!…

Ngày ấy cũng như bao gia đình khác ở Đồng Lộc, nhà cửa bị cháy trơ trụi vì đạn bom, cụ Lê Công Tự phải đưa cả nhà đi sơ tán. Vậy mà vừa tới địa điểm mới cách làng chừng 3km dựng tạm được một túp lều lá cho vợ con lánh nạn, không ngờ bom đạn như cứ đuổi theo sau lưng ném xuống làm cho cháy hết không còn lấy một sợi lạt. Giữa đống tàn tro sót lại, vợ chồng cụ chỉ biết ôm nhau gạt nước mắt, rồi chặt lấy những cành mua dại, kết lại thành từng bó tấp lên nắp hầm trú ẩn để ngụy trang, đưa cả nhà xuống dưới đó ăn ở, sinh hoạt.

Bước qua chiến tranh, cả gia đình cụ Lê Công Tự như ở dưới đất chui lên! Giờ đã gần đất xa trời, cụ không muốn nhắc đến những đau thương mất mát xảy ra trên quê hương và chính gia đình mình trong những tháng, năm bi thương ấy nữa!

Thế nhưng, những đồi hoa mua tím vẫn còn đó, như thể cứ níu giữa lấy tuổi tác của cụ. Và trong lời gió thảng thốt từ những đồi mua tím kia lại vọng về lời ai oán rằng, tại sao bom đạn chiến tranh không giết cụ đi, mà nỡ nào lại cướp mất đứa con trai vô tội của cụ là Lê Công Luyện lúc đó mới vừa tròn 11 tuổi cùng 7 nữ học sinh lớp 3  của Trường phổ thông cấp I Đồng Lộc, trong lúc con cụ và các em đang ngồi nghe thầy Lệ giảng bài giữa tiết học bù dưới lũy trường vào lúc 8 giờ sáng, ngày 29, tháng 4, năm 1967 mà chưa hề có một chút gì lót dạ!

Vào thời điểm ấy, cụ Lê Công Tự đang đi cày ruộng tại xứ đồng Trầm Bảng để chuẩn bị cho vụ lúa Bát ngoạt tới. Nhận được hung tin, cụ chạy như điên, như dại về làng. Nhưng không kịp nữa rồi! Con cụ đã tắt thở ngay trên đường khi người ta đang gánh chạy đi cấp cứu.

Vậy là cụ chỉ biết ngậm ngùi giằng lấy đứa con của mình ôm vào lòng mà lặng lẽ đi về phía ngọn đồi Rú Mòi, gửi lại thân xác đứa con trai thương xót giữa triền dốc mua tím lặng đó với lời cầu nguyện cuối cùng rằng, hãy để cho con cụ được vĩnh hằng giấc ngủ yên, bom đạn đừng bao giờ cày xới nơi đó lên nữa mà thôi!

Hoa mua tím rực trời Đồng Lộc 

 

Ông Nguyễn Thanh Bính, bút danh Yến Thanh- tác giả bài thơ “Cúc ơi” nay đã 74 tuổi, nguyên cán bộ kỹ thuật, thuộc tổng đội N55-P18 TNXP Hà Tĩnh, từng tham gia làm nhiệm vụ thông đường cho xe qua tại cung đường Ngã ba Đồng Lộc từ năm 1965 đến năm 1971, hiện sinh sống ở TP. Vinh- Nghệ An. Trong dịp tháng Bảy này hầu như ngày nào ông cũng có mặt tại ngã ba Đồng Lộc, bởi không những ông là nhân chứng lịch sử, được nhiều tổ chức, đơn vị… mời tham gia các chương trình kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, mà bên cạnh đó hình như linh cảm được ngày trở về nơi ngàn lau chín suối đang đến gần, nên ông mong tới đây với hy vọng gặp lại được những đồng đội xưa để tri ngộ. Đồng thời, bòn mót thêm chút thời gian tuổi tác dành chuộc lại lời khói hương cho cô Cúc, người mà ông luôn cảm thấy day dứt! Bởi, sau cái chiều định mệnh ngày 24 tháng 7, năm 1968 ấy phải mất đến hai đêm, ba ngày sau  đơn vị mới tìm được xác cô.

Trước  đó, vào khoảng 8 giờ sáng, ngày 26, tháng 7, năm 1968, ông cùng với Bí thư chi bộ Tổng đội TNXP N55 Nguyễn Hải Đường đến hiện trường. Đứng bên hố bom, ông cầm mảnh giấy viết vội bài thơ “Cúc ơi” đưa lên trời khấn vái, cầu mong sớm tìm được xác cô Cúc! Sau đó, ông châm lửa hóa bài thơ ấy thay cho hóa vàng mã rồi trở về đơn vị.

Như linh ứng qua lời khấn nguyện của ông, tới 10 giờ trưa hôm đó anh em công binh đại đội C52, tổng đội TNXP Hà Tĩnh đã tìm được xác của cô Cúc, trong tư thế cô đang ngồi ôm chiếc xẻng và đội chiếc mũ cối trên đầu. Từ trong nỗi đau thương vỡ òa đó, ngay đêm hôm đó ông đã hoàn chỉnh bài thơ “Cúc ơi”. Đây cũng được coi là một trong những bài thơ cảm động nhất viết về Ngã ba Đồng Lộc!

Nhớ lại những năm tháng chiến tranh ở Ngã ba Đồng Lộc, không giấu giếm, tác giả bài thơ “Cúc ơi” tâm sự: Có lần ông gặp một nữ TNXP rất xinh đẹp đang bị mắc phải hội chứng bệnh ếch- tơ- ri (hysteria), la hét như mê sảng, chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Trước hoàn cảnh đáng thương đó, ông ra đồi hái một bông mua đẹp nhất mang về tặng cô, rồi ông ôm hôn cô thắm thiết như người tình! Không ngờ sau một thời gian ngắn người nữ TNXP đó khỏi bệnh. Khi tỉnh lại, biết được câu chuyện cô tỏ ra ngượng ngùng!

Nhưng rồi bom gào, đạn xé, cứ thế cả hai người lại cuốn theo chiến trường khốc liệt. Và rồi, cho đến ngày chiến tranh kết thúc tới tận bây giờ không hiểu sao ông và người nữ TNXP xinh đẹp ngày ấy vẫn chưa có cơ duyên gặp lại nhau! Phải chăng, đó cũng là một trong những lý do mà trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc lần này, hầu như ngày nào ông cũng tha thẩn ở nơi đây?!..

Ông Nguyễn Thanh Bính ( trái), anh hùng Uông Xuân Lý (phải) 

 

Bao nhiêu câu chuyện tang thương trên vùng đất Đồng Lộc một thời vẫn như còn mới đó. Có lẽ vậy mà đứng trước phần mộ của 10 đồng đội cũ, bà Nguyễn Thị Bé  nay đã 71 tuổi, thương binh hạng 4/4, là cựu TNXP đại đội C52, thuộc tổng đội TNXP N55-P18 Hà Tĩnh không cầm nổi nước mắt giãi bày tâm sự về cuộc sống đời tư của bà suốt nửa thế kỷ qua cùng với bạn bè bà dưới đó!

Mặc dù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng giờ bà như đang hóa thân trở về với hình ảnh của cô gái trẻ TNXP đi mở đường ngày ấy, kiêu hãnh đối diện với cuộc chiến tranh tàn khốc, mà lòng hồn nhiên cất cao tiếng hát át tiếng bom gào, đạn hú!

Và trong nguồn mạch ký ức dường như còn nguyên vẹn ấy, bà Bé kể lại rằng, có lần đơn vị bà nhận được thông tin trinh sát báo về, khu vực gần đồi Trọ Voi có 7 quả bom chưa phát nổ, bà được lệnh cấp trên giao đến hiện trường kiểm tra, đánh dấu cắm tiêu các quả bom này để rà phá kịp thời cho xe qua.

Theo nguyên lý, khi mang theo dụng cụ nam châm để rà phá bom mìn, người công binh phải cầm thiết bị dơ cao quá đầu và đứng càng xa quả bom càng tốt vì phòng tránh vật liệu nổ bị kích hoạt. Không ngờ, ngoài 7 quả bom trên, trong lúc làm nhiệm vụ bà vô tình  dẫm lên một quả bom khác giữa lúc tay bà đang cầm thỏi nam châm.

Trong khoảnh khắc, bà chỉ kịp nghĩ cái chết lóe ập đến như một giấc chiêm bao!  Thế nhưng, với bản năng nghề nghiệp bà vẫn tuần tự rút tiêu ra cắm bên quả bom xác định vị trí. Hoàn tất công việc, bà nhanh chóng rời hiện trường về báo cáo với đơn vị. Nhờ đó, quả bom lập tức được hủy nổ an toàn, đảm bảo thông tuyến cho xe qua.

Một lần khác, vào khoảng cuối năm 1968 khi bắt đầu có lệnh ngừng bắn. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ phá nhanh một quả bom sót lại ngay Ngã ba Đồng lộc, như thường lệ bà ôm theo quả bộc phá đặt cạnh bom, sau đó châm lửa vào dây cháy chậm và di chuyển về vị trí an toàn, chờ cho quả bộc phá phát nổ, tự nó sẽ kích hoạt để bom phát nổ theo.

Vừa chạy được chưa đầy 40 mét, linh tính mách bảo bà mối nguy hiểm đang xảy ra, bà vội lao xuống một cái hố nằm ngửa lên, úp tay vào mặt. Vừa lúc đó, bỗng một tiếng nổ vang trời, mặt đất rung chuyển, bụi đá bay ầm ầm! 

Bà Nguyễn Thị Bé thắp hương trước phần mộ 10 đồng đội TNXP 

 

Ông Nguyễn Thế Linh nguyên đại đội trưởng, đại đội TNXP C52 từng bị thương 8 lần trong suốt thời gian làm nhiệm vụ trên cung đường Ngã ba Đồng Lộc, nay đã 78 tuổi, đang sinh sống tại thôn Mai Long, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc cùng người vợ già cũng là đồng đội cũ kể rằng, vợ ông cũng như như những nữ TNXP khác. Thương các chị em, có lần hầu như trong đơn vị ông ai cũng bị ghẻ lở và hắc lào nhưng không có thuốc gì chữa trị khỏi. Vì quá khó chịu có người liều nhổ cả cây mua non xát vào chỗ ngứa. Không ngờ thật hiệu nghiệm, vết ngứa nhanh khỏi. Thế là bài thuốc dã chiến đó lập tức được lan truyền khắp đơn vị. Nhờ đó mà ai cũng khỏi bệnh.

Hay có lần một chiếc xe ô tô chở thuốc men qua bị bom ném làm thuốc bay tung tóe. Chị em nhặt được một thùng thuốc Bô- li- vi- ta- min thấy ngọt đưa cho nhau ăn. Không ngờ hôm sau ngủ dậy cô nào đi tiểu cũng thấy nước tiểu có màu vàng. Có cô không giấu giếm lên trình bày sự việc với ông, ông vội lên trạm xá hỏi quân y, được quân y cho biết không ảnh hưởng gì. Ông mừng chạy một mạch về báo cho chị em. Tối hôm đó cả đơn vị ôm nhau cười rúc rích!...    

Gần đây, trong một lần nằm mơ ông thấy 10 cô gái TNXP về báo mộng rằng, “chúng em đã chịu thiệt thòi ra đi sớm. Tiếc là trong lúc cuộc chiến tranh còn khốc liệt phía trước không thể sát cánh, kề vai cùng đồng đội đi tiếp, nhưng chúng em thấy được sự quan tâm thế là đủ rồi. Chúng em không muốn nhận danh hiệu anh hùng riêng, mà chỉ mong muốn cả đại đội C52 của ta được công nhận đơn vị anh hùng”.

Trong giấc mơ ông vẫn thấy các cô nghịch như “tấy”. O Hường vẫn vui vẻ trẻ trung hồn nhiên ca hát; o Tần vẫn mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng hay mủi lòng!... 

Thường ngày, cựu TNXP già Nguyễn Thế Linh vẫn đi bộ từ nhà mình ra phía đồi Rú Mòi đến đồi Rú Dẻ, rẽ sang đồi Mũi Mác, ngược đồi Trọ Voi thăm mộ 10 cô, rồi vòng về eo Truông Kén…cho tới lúc mặt trời lặn tắt hẳn dưới chân tượng đài Đồng Lộc mới trở về.  Những địa điểm ông đi qua đều gắn liền với kỷ niệm không bao giờ quyên.

Trong đó phải kể đến một lần vào ban đêm năm 1968, trong lúc đi kiểm tra đường  đoạn qua khu vực đồi Trọ Voi bị địch thả pháo sáng phát hiện thấy ông, ông vội nhảy xuống rãnh thoát nước bên đường hai tay vơ lấy những cành mua dại hai bên rãnh kéo vào người ngụy trang. Vừa lúc ấy, máy bay ném bom xuống tới tấp ngay quanh chỗ ông nằm.

Có lẽ chúng tin với cả cơ số bom như thế, với tọa độ mà chúng đã phát hiện chính xác không sai một min li mét như thế, chắc chắn thân xác ông cũng banh ra từng mảnh rồi. Nhưng chúng đã nhầm, bởi chính những cánh mua dại kia đã đánh lừa con mắt của “thần sấm”. Ông vẫn sống dù bị sức ép nặng phải đi điều trị tại bệnh xá mặt trận, nhưng sau một thời gian ông lại trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ.

Khách hành hương về dâng hương trước phần mộ 10 cô TNXP 

 

Một lần khác ông đang trực chiến tại hầm chỉ huy nằm trên sườn đồi Rú Mòi, bỗng từ đâu xuất hiện một đàn máy bay Mỹ dàn hàng ngang lao tới thi nhau trút bom xuống. Một quả bom rơi ngay miệng hầm làm sập hầm, đất đá đè lên người ông nhưng ông vẫn không chết.

Giải thích điều tưởng chừng như không thể này, ông tỏ ra là người quá thông thạo trong chiến trường Đồng Lộc cho biết: Trên dốc nghiêng, nếu như quả bom ném phía dưới dốc vị trí của ông thì ông đã chết vì mảnh bom bay theo hướng cắt lên. Nhưng vì quả bom ném phía trên dốc, dù rất gần cũng không bị sát thương, bởi mảnh bom không bay theo hướng cắt xuống!

Ai hay, đã 50 năm với cung đường quen thuộc ấy, với những đồi mua ngút ngát ấy, cuộc hành trình của người cựu TNXP già đã đi hết cả mấy vòng trái đất? Vậy mà ông vẫn cảm thấy đôi chân của mình nhẹ bẫng như đang lướt qua từ hố bom này đến hố bom khác! In hình những dấu chân không hề mệt mỏi của ông chính là những đồi hoa mua tím thủy chung như người tri kỷ.  Đó cũng là một trong những lý do vì sao dù trước bao đổi thay trước cuộc sống, ông vẫn thề nguyện với vợ con và trước vong linh những đồng đội, mãi mãi suốt đời gắn bó với mảnh đất quê yêu dấu này.

Về với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc bây giờ chúng ta không thể không cảm nhận được những chiến công vang dội và sự hy sinh mất mát của quân dân ta trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó cũng là biểu tượng về ý chí quật cường và thể hiện tinh thần tự chủ sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chiến tranh của quân dân ta. Trên hết tất cả chính là sự khát khao hòa bình, độc lập dân tộc.

Trong cuộc chiến sinh tử ở Ngã ba Đồng Lộc thời điểm đó, Binh trạm 9 do thiếu tá Nguyễn Đình Dân chỉ huy được giao nhiệm vụ điều vận. Có lần Binh trạm lệnh cho dùng bộc phá, hủy cả 1 chiếc xe ô tô đang trên đường chạy ra Bắc, do đường quá hẹp để thông tuyến cho 20 chiếc xe ô tô khác chở đạn dược vào chiến trường. Hay có lần Binh trạm phát lệnh cho lực lượng TNXP bốc hết cả 3 xe ô tô chở gạo đi trước dùng lấp bùn lầy, để cho cả đoàn xe chở gạo phía sau vượt lên…

Đồi La Thị Tám

 

Ngã ba Đồng Lộc từ một địa chỉ hoang tàn trong chiến tranh, bây giờ là cả một quần thể khu di tích lịch sử được xây dựng khang trang với những công trình hiện đại như: Tháp chuông, Tượng đài chiến thắng, Đền thờ, vườn hoa và Đài tưởng niệm Nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc  ghi danh 4.000 liệt sỹ TNXP hy sinh trên toàn quốc, và Khu mộ 10 liệt nữ TNXP… Từ “tọa độ chết” trong chiến tranh nay Ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ Việt Nam.

Hiện nay Đồng Lộc là một trong những địa phương điển hình về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Tại kỳ họp bất thường vào ngày 06/4/ 2018 HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thông qua nghị quyết đề nghị xã Đồng Lộc trở thành thị trấn. Và đặc biệt, nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc diễn ra tối 21/7 vừa qua,  Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trao Nghị quyết số 536 ngày 11/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị trấn Đồng Lộc cho xã Đồng Lộc.

Đây cũng là niềm tự hào và là động lực lớn để các thế hệ trẻ Đồng Lộc tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương, khai thác tiềm năng và lợi thế của mình ngày một giàu đẹp, xứng đáng là một địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc.

Cuộc chiến tranh giành giật từng tấc đất, tấc đường giữa “tọa độ chết” Ngã ba Đồng Lộc đã lùi xa. Những triền hoa mua bất tử, tượng trưng cho ý chí và tình yêu cuộc sống của mạch đất thiêng này thì bao giờ cũng thế, cứ tím rực giữa đất trời!

Bút ký của NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh