THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:57

Nền văn hóa của người Chơro, Mạ tác động nhất định đến không gian văn hóa vùng Đông Nam bộ

Trong lịch sử phát triển, dân tộc Chơro là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở vùng đồi núi thấp phía Nam, chủ yếu sinh sống tập trung ở khu vực miền Đông Nam bộ. Theo số liệu điều tra, người Chơro ở Đồng Nai hiện chiếm 56,5% tổng số người Chơro trong cả nước, cao nhất so với các tỉnh, thành trong khu vực (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương). Còn người Mạ chủ yếu sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng - trước đây gọi là vùng Đồng Nai Thượng (chiếm tỷ lệ gần 80%), số còn lại ở Đắk Nông (14,4%) và Đồng Nai, sinh sống tập trung ở 2 huyện Định Quán và Tân Phú. Cả 2 dân tộc đều thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer.

Theo sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam, tên tự gọi của dân tộc là Chrau - Jro, trong đó Chrau có nghĩa là nhóm người, hay tập đoàn người. Tộc danh Chrau Jro còn gắn liền với tên gọi một giống lúa nước cổ truyền mà đồng bào rất thích gieo trồng. Tương tự, cộng đồng người Mạ tự nhận là Cau Mạ (Cau đọc thành Chau, có nghĩa là người, còn Mạ có thể là một phương thức sinh hoạt kinh tế của người làm rẫy).

 

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Người Mạ và Chơro có tín ngưỡng thờ đa thần theo quan niệm “vạn vật hữu linh”. Những hiện tượng thiên nhiên, sự vật trong môi trường sống đều có linh hồn, thần linh thuộc về thế giới siêu hình, có khả năng chi phối đến đời sống con người. Vì thế, người Mạ có hệ thống thần linh mà cao nhất là Yang N’du - vị thần tạo ra thế giới; bên dưới là các vị thần: Yang Koi (thần lúa), Yang Bri (thần rừng), Yang Dah (thần nước), Yang Bơnơm (thần núi…). Hàng năm người Mạ có các lễ cúng quan trọng là cúng thần núi và thần lúa. Theo quan niệm của người Mạ, con số 7 có tính chất là sự vẹn toàn, thể hiện sự tốt lành. Người Chơro thì có lễ hội cúng thần lúa (Ốp Yang Vá, sau này gọi là Sa Yang Va).

Người Chơro Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) biểu diễn cồng chiêng ở nhà dài.

Người Chơro Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) biểu diễn cồng chiêng ở nhà dài.

Cả dân tộc Mạ lẫn Chơro đều không có chữ viết nên lịch sử được truyền miệng trong cộng đồng, qua nhiều thế hệ. Một số “chuyện đời xưa” của người Mạ đề cập đến thần K’Boong tạo nên mặt đất với trái bầu và 3 cái gùi chứa đựng những yếu tố để dựng nên thế gian và sự sống của loài người. Truyện kể Mạ cũng nhắc đến những tổ tiên ban đầu là Paang Kha và Paang Khem “chui ra” từ các bụi cây; 3 người phụ  nữ sinh ra các giống loài con người, trong đó Ka Grum sinh ra Kon Chau (nhóm người Thượng, trong đó có người Mạ), Ka Grúp sinh ra Kon Grum  (người Chăm) và Ka Grau sinh ra Kon Yoan (người Kinh).

 

Tại Nhà văn hóa dân tộc Chơro (xã Túc Trưng) lưu giữ nhiều bộ nhạc cụ, các vật dụng trong lao động sản xuất, ma chay và cưới hỏi. Phó trưởng ban quản lý Nhà văn hóa dân tộc Điểu Hoàng cho biết, hiện tại nơi đây lưu giữ hơn 200 vật dụng, trong đó nổi bật là các bộ cồng chiêng, ché rượu cần, váy áo, khố, gùi, bộ cối - chày được làm với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau để giã gạo...  Đặc biệt, mô hình đội cồng chiêng được thành lập với hơn 12 thành viên tham gia.

Đến nay, đồng bào Chơro đã đưa tiếng cồng chiêng trở lại trong hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần giữ gìn nét văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân ở xã Túc Trưng tham gia công tác sưu tầm, sáng tác âm nhạc bằng tiếng Chơro như nhạc sĩ Điểu Được; nghệ nhân Điểu Liệt chế tác đàn Chinh K’la truyền thống; hay vợ chồng già Điểu Thanh và Điểu Thị Gánh (ấp Suối Dzui) hiện vẫn đang tích cực lưu giữ nghề đan gùi truyền thống.

Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, cách thức tổ chức cư trú truyền thống của người Mạ theo từng buôn (bon), còn người Chơro là làng (plây). Già làng (kwang bon, hoặc voq plây, tức chủ làng) có vị trí rất quan trọng, thường là người lớn tuổi, có uy tín, hiểu biết và được cộng đồng kính trọng. Trước đây người Chơro theo chế độ mẫu hệ, thể hiện qua việc đặt tên con theo họ mẹ, quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái.

Lễ hội Sa Yang Va (Lễ mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc Chơ Ro ở Long Khánh. (Ảnh tư liệu)

Lễ hội Sa Yang Va (Lễ mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc Chơ Ro ở Long Khánh. (Ảnh tư liệu)

“Ngoài các mô hình, những thành viên trong các đội, nhóm sinh hoạt tại nhà văn hóa còn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong những buổi sinh hoạt, biểu diễn, Ban quản lý nhà văn hóa thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con, giúp mọi người hiểu biết và chấp hành pháp luật. Phối hợp với chính quyền địa phương để có định hướng gắn bảo tồn văn hóa dân tộc với phát triển du lịch” - ông Điểu Hoàng chia sẻ.

Phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán cho biết, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được các địa phương quan tâm, riêng ở quy mô cấp huyện tổ chức 2 năm/lần. Hiện, huyện đã khôi phục và tổ chức thường xuyên các lễ hội như: Yang coi và Yang Bơnơm của đồng bào Châu Mạ ở KP.Hiệp Nghĩa; Sayangva của đồng bào Chơro xã Túc Trưng; lễ Tả Tài phán của người Hoa ở xã Phú Vinh và Phú Lợi; lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày - Nùng ấp 8, xã Thanh Sơn nhằm lưu giữ văn hóa truyền thồng của các dân tộc.

Theo tài liệu về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai, Đồng Nai hiện có 36 dân tộc sinh sống tập trung có dân số đông như: Chơro, Mạ, S’tiêng, Cơ Ho, Hoa, Chăm, Khmer... Trong đó có các dân tộc sinh sống lâu đời như Chơro, Mạ, S’tiêng, Cơ Ho còn được gọi là dân tộc bản địa. Các dân tộc bản địa định cư ở các địa bàn có địa hình đồi núi, rừng sâu trong tỉnh như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu. Từ năm 1954-1975, một số dân tộc từ miền Bắc và nơi khác ở Nam bộ đến như: Khmer, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao, H’Mông… họ định cư ở các vùng nông thôn là chủ yếu.

PL (ảnh: internet)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh