THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 05:32

Nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất trắc

Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội.     Ảnh: Nguyễn Nam

 

Tăng trưởng thiếu tính ổn định

Báo cáo tình hình phát triển KT-XH năm 2015 của Chính phủ cho thấy: Năm 2015 tốc độ tăng trưởng GDP tăng 6,5%, có 13/14 chỉ tiêu, kế hoạch về kinh tế - xã hội đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chỉ số cạnh tranh tăng cao, môi trường đầu tư được cải thiện, CPI giảm mạnh từ 18,13% năm 2011, xuống 2% vào năm 2015, thấp nhất trong những năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, dư nợ tín dụng tăng 10,18%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, hợp lý, duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ ngoại hối... “Những thành tích trên là những điểm sáng chúng ta rất tự hào và phấn khởi”, các đại biểu nhận định.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu chất lượng tăng trưởng kinh tế của ta còn thấp, tiềm ẩn không ít bất chắc, tăng trưởng thiếu tính ổn định. Nguyên nhân được chỉ ra là do chúng ta duy trì khá lâu mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công, lao động rẻ nhưng trình độ kỹ thuật thấp. Khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô, nền kinh tế chủ yếu là gia công hàng xuất khẩu khiến kinh tế nước ta luôn đối diện với mất cân đối vĩ mô..

Bên cạnh đó, các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư còn chậm triển khai. Tiến độ và chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm...  Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), kiến nghị: “Để giải quyết tình trạng này, đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tập trung phát triển công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm tỷ trọng khai thác, đẩy mạnh đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nhất là các ngành công nghiệp chế biến công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời chấn chỉnh sắp xếp cải cách mạnh các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước”.

Mặc dù, giá cáo kết quả đạt được của KT-XH năm 2015 và sự  nỗ lực điều hành của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) thẳng thắn cho rằng, cơ cấu nền kinh tế chưa hợp lý, động lực tăng trưởng chủ yếu từ khu vực kinh tế FDI, nội lực kinh tế còn yếu, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp, doanh nghiệp tư nhân còn yếu. Đại biểu Trần Ngọc Vinh, nhấn mạnh: “Cần phân tích rõ nguyên nhân tại sao sự phát triển lệch pha giữa các doanh nghiệp thuộc 2 khu vực này ngày càng lớn, do quản trị doanh nghiệp hay do chính sách. Chính phủ cần phân tích sâu sắc hơn nữa những yếu tố chưa bền vững trên của nền kinh tế, để làm cơ sở đề ra phương hướng, giải pháp hữu hiệu cho năm 2016”...

Công nhân lắp máy.      Ảnh: Mạnh Dũng

 

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Đánh giá về lĩnh vực lao động và xã hội, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) nhìn nhận: “Điều phấn khởi là trong năm 2015, cả 3 chỉ tiêu về lao động, việc làm đều vượt kế hoạch đề ra”. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Yến cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì lĩnh vực lao động việc làm vẫn tiềm ẩn và có những khó khăn tồn tại đó là chất lượng nguồn năng lực, năng suất lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Số lao động thất nghiệp còn cao, nhất là lao động có trình độ đại học, cao đẳng không có việc làm đang có xu hướng gia tăng. Cơ cấu lao động còn chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Theo đại biểu Lê Thị Yến, để khắc phục hạn chế trên, thời gian tới Chính phủ cần chú trọng đến việc đào tạo lao động lành nghề, có tay nghề cao, có trình độ kỹ thuật tiên tiến. Để làm tốt việc này, trong thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, huy động các nguồn lực để đầu tư tập trung xây dựng các cơ sở dạy nghề có chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Đồng thời đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn, có đầy đủ cả kỹ năng thực hành và lý thuyết để đào tạo nghề đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đại biểu Lê Thị Yến cũng đề nghị, Chính phủ sớm xây dựng ban hành Luật tiền lương tối thiểu, đảm bảo tiền lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Thực tế cho thấy tiền lương thấp hiện nay là nguyên nhân tạo ra những hệ lụy ảnh hưởng đến hiệu quả, năng lực cạnh tranh... của người lao động.

Đồng quan điểm với việc phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào nghề cho người lao động trong thời gian tới như đại biểu Yến kiến nghị, đại biểu  Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), cho rằng: “Năng suất lao động thấp không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người lao động”. Đồng thời, chỉ ra 3 nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp, đó là: Do thiết bị, công nghệ lạc hậu; công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị xã hội kém hiệu quả; tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp (nguyên nhân này không phải lỗi hoàn toàn từ phía người lao động).

Từ ba nguyên nhân trên, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng kiến nghị: Dứt khoát không nhập khẩu những thiết bị, công nghệ lạc hậu hoặc sắp lạc hậu. Chú trọng đổi mới công nghệ trong nước, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, quản trị xã hội. Có cơ chế công khai, minh bạch trong tuyển dụng nhân lực để đảm bảo tuyển đúng người, đúng việc...

Mục tiêu Chính phủ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, năm 2016 là 53%. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

NGỌC ƯỚC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh