CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:32

Thống nhất mức chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020

Trình QH phương án tăng lương tại kỳ họp QH tháng 3/2016

Trong những năm qua Việt Nam đã từng bước thực hiện nâng chuẩn nghèo. Cụ thể, giai đoạn 2006-2010, chuẩn nghèo của Việt Nam đối với vùng nông thôn là thu nhập dưới 200.000 đồng/người/tháng, thành thị là 260.000 đồng/người/tháng. Đến giai đoạn 2011-2015, chuẩn nghèo của Việt Nam đã lên mức 400.000 đồng/người/tháng ở vùng nông thôn, còn thành thị là 500.000 đồng/người/tháng.

Nhằm vừa bảo đảm giá trị của đồng tiền vừa bảo đảm mức sống, đồng thời có một phần cải thiện cho người nghèo, báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ về xác định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 – 2020, đề nghị nâng mức chuẩn nghèo thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, ước tính tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%.

Thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2015, đa số các thành Chính phủ nhất trí với phương án xác định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 – 2020, do Bộ LĐ-TB&XH trình.

Về tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương và nhất trí cho rằng thực hiện theo phương án đã báo cáo Trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.

Chính phủ nhất trí với phương án của Bộ LĐ-TB&XH về việc nghỉ lễ, Tết năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, đợt nghỉ Tết Âm lịch 2016 từ ngày 6/2/2016 đến hết ngày 14/2/2016 (tức từ ngày 28 tháng chạp năm Ất Mùi đến hết ngày 7 tháng giêng năm Bính Thân). Tổng cộng nghỉ 9 ngày và không thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần.

Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực và kết quả đạt được là đáng phấn khởi. “2 tháng cuối năm, chúng ta cần nỗ lực cao nhất, việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, còn hạn chế, yếu kém thì phải ra sức khắc phục, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và 5 năm 2011-2015”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2015, tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt, sâu sát, trong chỉ đạo điều hành, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

“Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch được duyệt. Thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi; phát triển mạnh hình thức chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; chuẩn bị tốt nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu, trong những tháng cuối năm cần thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, hỗ trợ hộ cận nghèo. 

NGỌC ƯỚC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh