THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:37

Trốn đóng bảo hiểm có thể sẽ bị xử lý hình sự

Đại biểu, Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), cho rằng việc bổ sung Điều 220 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong dự thảo Luật  nhằm bảo đảm nghiêm minh, thực thi chính sách, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng,  quy định trong dự thảo luật sẽ tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất nhỏ, tình hình kinh tế khó khăn vừa qua số doanh nghiệp giải thể, thua lỗ, không có lợi nhuận, lợi nhuận ít chiếm số đông. Bên cạnh đó các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn trong thủ tục hành chính, các khoản thu, nộp chính thức và không chính thức cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh nên. “Cần đánh giá tác động điều luật này, nếu không sẽ diễn ra tình trạng doanh nghiệp không dám thành lập, không dám mở rộng sản xuất. Nhất là các hoạt động thu hút nhiều lao động giản đơn, tạm thời, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ không tạo thêm việc làm cho xã hội khi các hành vi trốn đóng bảo hiểm bị hình sự hóa ở mức độ cao”, ông Thành đề nghị

Đáng lưu ý nội dung về mức độ hành vi trốn đóng được hiểu là không và đóng không đồng đầy đủ số tiền, số lượng phải đóng theo quy định từ 6 tháng trở lên. Ông Thành đề nghị, cần có sự phân biệt về hai loại mức độ, hành vi không đóng và hành vi đóng không đầy đủ để có những quy định xử phạt khác nhau một cách phù hợp."Hiện trong dự thảo đang quy định đồng nhất hai hành vi này", ông Thành dẫn chứng.

Cũng theo ông Thành, tại Khoản 1, vi phạm 6 tháng sau khi xử phạt hành chính chỉ nên quy định xử phạt bằng hai lần mức đóng. Vi phạm một năm chỉ nên xử phạt bằng ba lần mức đóng và phạt cải tạo không giam giữ đến 6 tháng thay vì trong dự thảo là 2 năm. Thay đổi quy mô số lao động trốn đóng từ 50 người trở lên thay vì mốc 20 người. Với doanh nghiệp số lượng trốn đóng từ 20 đến 50 người, dưới 50 người chỉ nên quy định mức xử phạt tiền và áp dụng biện pháp rút giấy phép và cấm kinh doanh, không áp dụng hình phạt cải tạo và hình phạt tù. “Đề nghị cũng điều chỉnh điều này tương thích với Điều 201 về tội trốn thuế”, ông Thành đề nghị.

Về về nghị bổ sung quy định chủ thể của tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở Điều 215 và tội gian lận bảo hiểm y tế Điều 216, đối với pháp nhân, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), cho rằng pháp nhân là đơn vị sử dụng lao động, là cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong thực tế đã xảy ra các hành vi phạm tội đã được quy định trong các điều này của dự án luật.

Về quy định số tiền bị chiếm đoạt trong cấu thành cơ bản tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đại biểu Vở cho rằng,  Điều 215, quy định từ 5 triệu đến dưới 100 triệu mới bị xử lý hình sự với hình phạt tù không tương xứng với dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở Điều 174.  Như vậy không hợp lý và không có tính khả thi cao. "Thực chất các hành vi gian dối, lập hồ sơ giả, làm sai lệnh nội dung của hồ sơ nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm là có dấu hiệu của tội lừa đảo. Cần quy định lại mức tiền chiếm đoạt và mức hình phạt nhằm bảo đảm tính khả thi đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở Điều 215”, ông Vở nêu quan điểm.

Tiếp tục góp ý cho dự thảo luật về nội dung này, ông Vở cho rằng cần phải điều chỉnh lại các quy định ở Điều 215 như sau: Khoản 1, Điều 215, mức tiền chiếm đoạt nên quy định từ 2 triệu đến dưới 50 triệu. Bổ sung thêm mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm cho phù hợp với các tội có yếu tố chiếm đoạt; Khoản 2, Điều 215, nâng mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đồng thời bổ sung tình tiết tăng nặng là dùng thủ đoạn xảo quyệt gây hậu quả nghiêm trọng; Khoản 3, Điều 215, nâng mức khung hình phạt tối đa có thể lên đến 15 năm trong trường hợp mức tiền bảo hiểm chiếm đoạt từ 500 triệu trở lên hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

HÀ HUY LINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh