THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:35

Nắng xuân bừng lên giữa miền "rốn lũ"

Có lẽ Ngàn Mọ là con sông kỳ lạ nhất thế giới được bắt nguồn từ dãy Trường Sơn kì vĩ có hình dáng như một con trăn đất khổng lồ uốn lượn qua các làng Kẻ Chòi, Kẻ Sắn, Kẻ Gai... thuộc huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Những làng quê trung du yên bình nằm dưới dãy Chùa Trơng, Động Đót bốn mùa sương giăng. 

Khi chảy đến đoạn chợ Cầu, thuộc làng Kẻ Trung thì Ngàn Mọ tách ra hai nhánh riêng biệt tạo thành hai con sông lớn là sông Hội lao xuống cửa Nhượng và sông Rào Cái lao ra cửa Sót. Mỗi lưu vực rộng lớn như thế đều mang đậm một bản sắc văn hóa vùng miền riêng của xứ Thạch Hà và xứ Cẩm Xuyên, nhưng vẫn có nhiều nét tương đồng bởi đều mang cùng huyết thống của mạch nguồn Ngàn Mọ.

Nắng xuân bừng lên giữa miền "rốn lũ" - Ảnh 1.

Một góc Ngàn Mọ

Từ xa xưa Ngàn Mọ vốn hiền hòa, nước trong như mắt mèo có thể nhìn thấy từng hạt cát li ty tận dưới vực Trường (còn được là vực không đáy). Trước khi nhập vào Rào Cái, sông Ngàn Mọ còn luyến tiếc tải nặng phù sa đến tận các làng Đức Lâm, Vĩnh Lại... Nhưng kể từ năm 1976 sau khi bị chặn dòng đắp đập xây dựng công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ thì con sông bỗng trở tính, trở nết như một mụ phù thủy độc ác gây ra bao cơn lũ lụt kinh hoàng mà chẳng theo quy luật nào cả. Những cơn đại hồng thủy ở đây thường xảy ra hết sức bất thường, rất dai dẳng và thật khó lường khiến người người, nhà nhà nhiều lúc trở tay không kịp.

Theo kinh nghiệm của những vị cao niên sinh sống trên thượng nguồn thì trước kia ở xứ này thỉnh thoảng vẫn xảy ra lũ lụt. Tuy nhiên đó chỉ là những cơn lũ quét xuất hiện nhanh và kết thúc nhanh, mực nước thường ít khi lên cao đến mép cửa sổ nhà ngoài. Mùa lũ về chầm chậm đủ dành thời gian cho những thiếu phụ kịp bồng con, những cụ già kịp khua gậy sơ tán đến chỗ cao hơn mà chưa cần đến sự trợ giúp của người khác. Những cơn lũ như thế không có gì lạ vì nó luôn tuân thủ theo chu kì nên bao nhiêu thế hệ nông dân ở đây đều chủ động được để phòng tránh, thiệt hại không đáng kể, thậm chí còn mang đến nhiều lợi lộc cho dân.

Nắng xuân bừng lên giữa miền "rốn lũ" - Ảnh 2.

Nắng choàng lên những xóm làng dưới chân đập Kẻ Gỗ

Giờ thì Ngàn Mọ chẳng còn cơ hội nào để khoe lấy đường cong mĩ miều của mình giữa bức tranh sơn thủy hữu tình, bởi lũ lụt đã biến con sông này trở thành "kẻ tội đồ", sẵn sàng tiếp tay cho hàng triệu mét khối nước xả ra từ đập Kẻ Gỗ ngang tàng ném xuống hạ du, nhấn chìm bao làng mạc vốn bình yên! Không nghi ngờ gì nữa, Ngàn Mọ đã nói lời khai tử với bao cuộc hẹn hò của bao đôi trai gái dưới những đêm trăng sao đầy lãng mạn, để chính thức tuyên chiến với cộng đồng cư dân khắp lưu vực một cách không khoan nhượng về mức độ tàn sát ngày một khốc liệt hơn, tàn nhẫn hơn! Tự nó cũng lạnh lùng đánh vần cho lớp nông dân thời @ những cụm từ mới: "Lũ chồng lũ"; "lụt chồng lụt", "lũ lụt trên diện rộng"... bắt họ hãy thuộc lấy, nhớ lấy mà đừng trách cái thân phận tôi đòi của nó nữa! Vì rằng, chính nó cũng chỉ là một kẻ nạn nhân đáng thương hơn đáng phải hận thù trước sự xâm lấn của các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị hóa, và trước sự tàn phá của núi rừng, biến đổi khí khậu...

Trên thực tế sông Ngàn Mọ chẳng có tội tình gì khi bản thân nó bất đắc dĩ phải trở thành con kênh xả lũ khổng lồ dưới "quả bom nước" Kẻ Gỗ. Các nhà khoa học cũng đã tính toán hết trước khi cho xây dựng công trình Kẻ Gỗ với sức chứa gần 370 triệu mét khối nước phải đảm bảo 3 yếu tố an toàn gồm: An toàn hồ đập, an toàn hạ du và an toàn mực nước tưới tiêu. Khi mà các nhà quản lí coi an toàn tưới tiêu đưa lên hàng đầu, không chủ động xả lũ lúc mưa bão đang hoành hành thì ắt sẽ xảy ra nghịch lí là nếu lũ đổ về lòng hồ nhanh hơn tần suất xả tràn cho phép sẽ gây nguy hiểm cho hồ đập. Lúc này công tác đảm bảo an toàn hồ đập mới được đặt lại đúng chỗ đưa lên hàng đầu thì không còn cách nào khác buộc phải xả tràn với lưu lượng lớn, sẽ khiến sông Ngàn Mọ quá tải, tạo nên hiệu ứng lũ lụt bất thường không thể kiểm soát được nữa gây ra hậu quả nghiêm trọng đến an toàn hạ du.

Nắng xuân bừng lên giữa miền "rốn lũ" - Ảnh 3.

Nắng vàng trên đồng cỏ Kẻ Gỗ

Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến năm 2020 vừa tròn một thập kỉ mà trên tấm lưng gầy guộc của Ngàn Mọ đã phải gánh chịu đến 4 cơn lũ lớn. Nếu tính cơn lũ năm 2010 được coi là lịch sử 60 năm mới có một lần thì cơn lũ năm 2020 vừa xảy ra phải đợi đến 300 năm mới tái lập. Tuy nhiên, tất cả những phép so sánh đó chỉ là ước lệ, bởi cơn lũ vừa xảy ra ở thể thế kỉ 21 này chắc chắn sẽ khác trước rất nhiều khi mà môi trường sự sống của chính dòng sông đã bị xáo trộn quá sức tưởng tượng trước sự can thiệp quá lớn của con người.

Ông Võ Tá Kỷ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ một trong những địa phương nằm ngay dưới chân đập Kẻ Gỗ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn lũ vừa qua gây ra cho biết. Chỉ trong vòng chưa đầy một giờ sau khi đập Kẻ Gỗ xả tràn với lưu lượng hơn 1.000m3/s vào trưa ngày 19/10/2020, ngay lập tức hàng ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển nước.

Rõ ràng người tính không bằng trời tính! Dù các lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã kịp thời triển khai đưa dân đi sơ tán, nhưng phương án đưa ra trên chỉ giải quyết được một phần nhỏ so với thực tế khi mà những điểm cực nóng liên lục xuất hiện trong tiếng kêu cứu tuyệt vọng của bao người! 

Giữa lúc "nước sôi lửa bỏng" như thế chính nhờ vào bản năng tự vệ của mỗi người thúc ép họ buộc phải bỏ của chạy người, làm thế nào, bằng cách nào miễn là tìm được đến chỗ lánh nạn bảo toàn tính mạng.

Ngay cả sau khi đập Kẻ Gỗ giảm dần lưu lượng xả tràn nhờ lượng mưa bất ngờ giảm xuống, nhưng lũ vẫn như kẻ hung thần từ đâu dưới đất chui lên, từ đâu trên trời dội xuống nối giáo cho lũ chồng lấy lũ, ào ào ập đến một cách rất quái dị kéo dài thêm nhiều ngày liền mới chịu buông tha. Lũ rút tới đâu các làng mạc cứ trơ ra đến đó để lại những bãi đất đá, bùn lầy tan hoang như những hố đen chết chóc khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử giữa đôi bờ Ngàn Mọ!

Nắng xuân bừng lên giữa miền "rốn lũ" - Ảnh 4.

Một góc hồ Kẻ Gỗ

Chị Bùi Thị Lan (39 tuổi) người dân ở thôn Phú Thượng xã Cẩm Duệ bàng hoàng kể lại rằng, trong khoảng 1 tuần từ ngày 17, tháng 10 đến ngày 21, tháng 10, năm 2020 lũ vây bủa khắp nơi, gia đình chị hoàn toàn bị cô lập trước biển nước mênh mông. Ngày 18, tháng 10 lũ mới chỉ ngập hơn 1 mét trong nhà, không những chị mà ngay cả lực lượng cứu hộ địa phương đến giúp đỡ cũng chủ quan nghĩ lấy đỉnh lũ lịch sử năm 2010 làm mốc để kê dọn các thứ: Lúa gạo, ti vi, tủ lạnh... cho nhà chị kê thêm lên cao hơn 1 mét rưỡi và đinh ninh như thế là đã an toàn. Vậy mà bất ngờ đến trưa ngày 19, tháng 10 lũ ập đến quá nhanh, trong phút chốc đã ngập tới hơn 2 mét rưỡi. Oái oăm thay! Lúc này xuồng cứu hộ không thể nào tiếp cận được tới nhà chị nữa rồi.

Trong lúc chồng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, một mình chị chỉ biết cõng bố chồng cùng hai đứa con còn nhỏ lên gác để bảo toàn tính mạng. Ngày hôm đó cả gia đình chị chỉ biết chia nhau một gói mỳ tôm sống sót lại trôi dưới nhà bếp. Cảnh tượng đó chính là nỗi ám ảnh rùng rợn nhất mà chị Lan không bao giờ muốn nhắc tới cơn lũ ấy nữa, dù nó vừa cướp đi tất cả những thứ gì của gia đình chị tích cóp, dành dụm được bấy lâu nay.

Nói đến mức độ tàn phá của cơn lũ tháng 10, năm 2020 quả thật hết sức nặng nề. Riêng rốn lũ Cẩm Duệ có 9 người bị thương, hơn 2.000 hộ gia đình bị ngập sâu, hơn 200 tấn lương thực dự trữ trong dân bị hư hỏng và có tới hàng chục con trâu bò bị cuốn trôi, hàng chục héc ta diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản bị mất trắng... ước tính thiệt hại lên tới 150 tỷ đồng. Vậy nhưng khi lũ vừa đi qua, chính quyền và người dân địa phương cùng nhận được sự giúp đỡ của các đoàn thể, tổ chức, cá nhân khắp nơi đổ về chia sẻ, động viên kịp thời đã nhanh chóng bắt tay vào tái thiết cuộc sống. Đặc biệt, trước thềm xuân năm mới 2021 khi nắng trung du vừa hừng lên sau những đợt mưa rét kéo dài, bà con nông dân hai bên bờ sông Ngàn Mọ đã đổ ra đồng, náo nức bắt tay vào vụ Xuân gieo trà lúa mới trong không khí vui tươi ngập tràn hy vọng!

Bà Trần Thị Vịnh (71 tuổi) một hộ độc thân từng bị cơn lũ tháng 10 năm 2020 biến thành kẻ trắng tay không dấu diếm niềm vui ngày Tết năm Tân Sửu tâm sự: "Mọi thứ đi qua như một giấc chiêm bao, đến nay tôi đã bắt đầu bước vào tuổi 72, cái tuổi xưa nay hiếm, dù già cả cô đơn nhưng vụ Xuân năm nay tôi vẫn tiếp tục ra đồng gieo sạ 2 sào lúa để tự chủ lương thực. Nếu thời tiết ủng hộ chắc chắn mùa này tôi sẽ thu về gần 5 tạ lúa không những đủ ăn mà còn thừa để bán thu nhập thêm cho bản thân". Không riêng gì bà Vịnh mà bao nhiêu người nông dân khác ở đây đang gác lại những đau thương mất mát, tiếp tục cuộc sống mới đang bừng lên bên đôi bờ Ngàn Mọ trong xanh.

Cả một miền trung du rộng lớn nơi thượng nguồn con sông Ngàn Mọ giờ đây đang choàng lên tấm áo mùa xuân dịu ngọt! Đây đó hoa dong riềng, hoa bời lời... vừa rũ bùn vươn dậy! Hoa tràm, hoa cải vàng... đang nở bung trời! Những đàn bướm trắng, đàn ong đen đang hẹn hò rủ nhau đi hút mật; chợ Trung, chợ Vực, chợ Cầu tấp nập người bán mua; trẻ em quần áo đồng phục tinh tươm nô nức đến trường... Không nghi ngờ gì nữa, không khí năm mới đã hoàn toàn can thiệp vào cuộc sống cùng bao dự định của con người và cảnh vật thiên nhiên nơi mới đây này còn chìm trong thung lũng lũ.

Với tôi, con sông Ngàn Mọ vẫn là niềm cảm hứng vô tận. Đứng trên thân đập Kẻ Gỗ phóng mắt nhìn xuống những xóm làng thấp thoáng mai đào và hương mạ đang cựa mình nhú lên những mầm xanh mà lòng khấp khởi càng cảm thấy tự tin rằng, Ngàn Mọ vẫn mãi là con sông thủy chung với đất và người Kẻ Gai, Kẻ Sắn và Kẻ Chòi....


NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh