Mạch nguồn của lòng nhân ái
- Dược liệu
- 16:13 - 01/01/2021
Lòng nhân ái thắp sáng niềm tin chiến thắng đại dịch
Dịch Covid-19 diễn ra khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn với gánh nặng mưu sinh. Trong hoàn cảnh đó đã xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp, hành động tử tế thắp lên tình nhân ái, đoàn kết, niềm tin vượt qua đại dịch.
Ngay khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, với tinh thần "tương thân tương ái," nhiều mô hình, cách làm từ thiện mới đã xuất hiện với những thông điệp đầy tính nhân văn như: "Nếu khó khăn cứ lấy một phần - Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác"; "Ai có mang đến chia sẻ, ai khó lấy đi một phần"…
Trong số đó phải kể đến cây ATM gạo đầu tiên xuất hiện ngày 6/4/2020 tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Điểm đặc biệt là máy phát gạo từ thiện này được thiết kế như cây ATM, khi nhấn nút, gạo sẽ tự động chảy ra và mọi thao tác đều được sử dụng thông qua công nghệ. Sự xuất hiện của cây "ATM gạo" gây chú ý không chỉ bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn vì sự độc đáo vì áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, đảm bảo an toàn phòng dịch. Ngay sau đó, nhiều cây "ATM gạo" khác lần lượt xuất hiện ở những quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Hai tuần sau khi ra đời, cây "ATM gạo" dành cho người nghèo đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ khắp cả nước. Những mô hình tương tự đã xuất hiện ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Long An, Đồng Nai… Cây "ATM gạo" tuôn trào những hạt gạo chứa chan tình yêu thương của cộng đồng đã đến với những người dân nghèo, giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn. Không chỉ "ATM gạo," "ATM mỳ và trứng" cũng ra đời nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo.
Bên cạnh đó, các mô hình "Cửa hàng hạnh phúc", "Cửa hàng 0 đồng", "Chợ nhân đạo", "Quán ăn dã chiến", "Chuyến xe yêu thương", "Hộp cơm san sẻ yêu thương"…. đã được triển khai từ thành thị đến nông thôn, từ miền biển đến miền núi xa xôi tạo sức hút lớn, sự chung tay góp sức của cộng đồng. Từ những chương trình này, hàng ngàn tấn gạo, hàng triệu tấn nông sản, thực phẩm đã được huy động để hỗ trợ người nghèo.
Không chỉ những người có điều kiện kinh tế, mà ngay cả những người cuộc sống dù còn khó khăn nhưng họ vẫn sẵn sàng chia sẻ về công sức, vật chất với người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong đại dịch. Đó là hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ, người có công với cách mạng đã dành dụm những đồng tiền trợ cấp hàng tháng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Và ngay cả những em nhỏ cũng sẵn sàng dùng số tiền tiết kiệm của mình để chung tay cùng cả nước chống dịch.
Trong đại dịch toàn cầu, Việt Nam nổi lên là điểm sáng, hình mẫu thành công chống dịch của thế giới khi áp dụng các biện pháp ngăn ngừa sớm, quyết liệt và hiệu quả. Với phương châm: "Tính mạng con người và lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết" và "Không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ đã đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn; quyết liệt chỉ đạo thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt có sự đồng thuận, thực hiện nghiêm túc của người dân cả nước. Với lời hiệu triệu "Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh" của Đảng, Chính phủ, nhân dân cả nước đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 thực hiện gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ lên tới 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo và đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ðảng và Nhà nước đối với người dân với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Trong cuộc chiến đầy cam go, hiểm nguy chống "giặc vô hình Covid-19" đã có không ít những hy sinh thầm lặng, những câu chuyện cảm động như: Bộ đội dựng lán trại trong rừng để ở, nhường chỗ cho người cách ly; nữ y tá nợ vành khăn xô vì không thể về chịu tang mẹ; người lính trẻ tạm hoãn ngày cưới để tham gia trực chống dịch ở vùng biên giới; sinh viên trường y xung phong tham gia kiểm soát và thực hiện việc cách ly cho người dân về nước tại các sân bay, cửa khẩu…
Ấm tình đồng bào trong mưa lũ
Khi dịch bệnh tạm thời qua đi, cũng là lúc dải đất miền Trung liên tiếp hứng chịu những trận lũ lụt kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử. Lũ lụt đã khiến 235 người chết và mất tích, trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái… ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng.
Trước nỗi đau thiên tai của người dân miền Trung, khắp nơi trên bản đồ hình chữ S thân yêu đã có những hành động thiết thực hướng về rốn lũ. Người góp tiền, góp sức, từ miền Bắc xa xôi tới địa đầu của Tổ quốc, những chiếc bánh chưng đã được gửi đến tay bà con miền Trung. Những thùng mỳ tôm được cứu trợ bằng những đoàn xe dài từ hai miền đổ về miền Trung ruột thịt. Có cụ bà tặng hết số tiền dưỡng già của mình, có người bán vé số, sửa quần áo, có em bé đếm từng đồng tiền tiết kiệm… tất cả cho đồng bào miền Trung yêu thương.
Nhiều địa phương trên cả nước với tinh thần chia sẻ, tương thân, tương ái, đùm bọc nhau đã hỗ trợ các địa phương bị bão lũ miền Trung số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng (trong đó, Hải Phòng hỗ trợ 120 tỷ và Đà Nẵng hỗ trợ 33 tỷ đồng...). Kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới dù đang phải đối mặt với khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đã tích cực quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung hàng chục tỷ đồng.
Người dân cả nước chia sẻ với đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua.
Không để dân lâm cảnh "màn trời, chiếu đất" là câu nói suông, mà là niềm trăn trở, sự hối thúc đối với Chính phủ. Do đó chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành dành cho người dân miền Trung có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng do bão lũ được xem là chưa có tiền lệ.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn 11 địa phương miền Trung và Tây Nguyên. Đối với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ; đối với nhà bị hư hỏng nặng: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp hàng chục nghìn tấn gạo và trên 1.000 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương cùng nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, hàng dự trữ y tế, nhu yếu phẩm khác phục vụ kịp thời người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, Thủ tướng đã yêu cầu ngành nông nghiệp hỗ trợ giống cây, giống con. Ngành ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ theo quy định.
"Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất", một độc giả người nước ngoài đã bình luận như vậy dưới bài viết đăng trên tờ báo The Straits Times của Malaysia về những cây "ATM gạo" của Việt Nam. Hơn cả lương thực, những chiếc máy này đang cho đi sự tử tế, lan tỏa lòng tốt của người Việt ra thế giới.
Những hành động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đã phần nào làm vơi bớt khó khăn của người dân nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến cam go chống đại dịch Covid-19 cũng như trong bão lũ. Những việc làm này thể hiện rõ truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" từ ngàn đời nay của dân tộc, tiếp thêm sức mạnh để toàn dân chung sức, chung lòng quyết tâm vượt qua hoạn nạn.