Đường Xuân về lại quê hương Cao Bằng
- Văn hóa - Giải trí
- 18:21 - 07/03/2018
Một bản làng cổ của người Tày trên đường vào động Ngườm Ngao.
“Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/ Cho anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Chẳng biết có phải nét u buồn từ câu ca dao đó vận vào thân hay không mà dẫu đã có cuộc sống ổn định ở Đức 30 năm qua, lúc nào và ở đâu nỗi nhớ Việt Nam nói chung, quê hương thôn Lam Sơn xã Hồng Việt, huyện Hòa An, Cao Bằng nói riêng vẫn luôn canh cánh trong lòng tôi.
Cao Bằng là quê cha đất tổ nơi dòng họ nội nhà tôi vốn là người dân tộc Tày đã sinh sống từ rất lâu đời. Cha tôi thoát ly gia đình đi theo cách mạng từ rất sớm, ông từng theo học trường Y ở miền Tây Nam Bộ rồi kết hôn với mẹ tôi là người Cần Thơ. Năm 1953 ông ra Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ rồi cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Năm sau đó mẹ mới đưa tôi và người anh trai theo đoàn tàu Ba Lan chở quân tập kết ra Bắc.
Gia đình sum họp và có thêm các thành viên nhỏ tuổi mới tại ngôi nhà xưa yêu dấu trên con phố Quán Thánh. Theo nghiệp Y khoa của cha, tôi học rồi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội và cảm thấy rất tự hào khi được nối nghiệp cha tham gia đội ngũ áo blouse trắng ngày ngày cùng các đồng nghiệp nỗ lực cứu người.
Nhưng dòng đời xô đẩy, năm 1980 tôi nhập ngũ, tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1984 tôi ra quân, trở về làm cán bộ giảng dạy Đại học Y Hà Nội khi có thêm trong hành trang tấm thẻ thương binh.
Thời trẻ tuổi của tác giả (đứng, bên phải) cùng bạn bè…
Rồi vì sinh kế quá khó khăn, năm 1988 tôi đành xếp áo blouse trắng lên đường sang CHDC Đức trong đội ngũ lao động xuất khẩu. Năm sau đó biến cố lớn xảy ra ở nước bạn - đêm 9/11/1989 bức tường Berlin sụp đổ! Chúng tôi như những cánh bèo lênh đênh phiêu dạt theo dòng đời nay đây mai đó, làm đủ mọi nghề miễn có tiền sinh sống để tiếp tục trụ lại thời hậu nước Đức thống nhất.
Mấy chục năm lao đầu vào kiếm sống nơi xa xứ, tình thương nhớ mẹ cha, anh chị em, bạn bè thân thiết cùng nỗi niềm cố hương vẫn luôn day dứt mà tôi chẳng thể thu xếp nổi một lần về nước… Mãi tới dăm năm gần đây khi gia đình nhỏ của tôi đã tạm ổn định tại thành phố xinh đẹp và hiền hòa Nurnberg phía Bắc bang Bayern, tôi mới “dứt áo” rời nước Đức trở lại thăm quê hương.
Cao Bằng ngày đó cũng như dịp Tết Mậu Tuất 2018 này hiện lên trong mắt tôi với những hình ảnh vừa lạ vừa quen. Nhịp độ đô thị hóa tuy có khiến rừng xanh, núi tím, dòng sông nước trong vắt lững lờ trôi dường như bị thu hẹp lại, không mênh mông mang mang như ngày nào. Nhưng vẻ nguyên sơ vô cùng gần gũi và thân thiết của xóm làng, đồng ruộng cùng tình cảm những con người tắt lửa tối đèn có nhau vẫn mãi còn đó, giúp sưởi ấm trái tim tôi đã bao năm vẫn chưa thể quen với băng tuyết giá lạnh và nhịp sống gấp gáp phương Tây.
Lần về quê này tôi ghé Kuala Lumpur trong chuyến đi tới Malaysia đầu tiên thăm một gia đình người thân vợ Việt – chồng Malaysia gốc Hoa đang sinh sống tại đây.
Không khí chuẩn bị đón cái Tết cổ truyền dân tộc trong gia đình nhỏ này không quá tất bật như ở Việt Nam nhưng cũng không kém phần đầm ấm.
Mâm cơm đêm Giao thừa kết thúc cũng là lúc tiếng pháo đập, pháo hoa vang lên khắp thành phố rực rỡ ánh đèn lồng đỏ và muôn sắc hoa Xuân tươi thắm.
Pháo hoa đêm Giao thừa ở Kuala Lumpur.
Đón nửa cái Tết ở Kuala Lumpur, nửa Tết còn lại tôi cùng người bạn thân thiết bay về Việt Nam. Dành một ngày cho ẩm thực - ăn món phở bò yêu thích rồi vừa nhâm nhi ly café quán vỉa hè vừa ngắm cảnh dòng người Hà Nội vẫn rộn rã đón Xuân trên đường phố, hôm sau chúng tôi cùng người thân lên đường về với Cao Bằng.
Café quán vỉa hè và thưởng trà tại quán nhỏ có nhiều đồng hồ kiểu cổ tại Hà Nội đầu Xuân 2018.
Từng “mảnh vụn” quê hương trăm nhớ ngàn thương như dần được ghép lại thành một bức tranh đẹp hoàn chỉnh khi xe chở chúng tôi lướt qua các thắng cảnh thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao…
Và bao kỷ niệm cũ lại một lần nữa ùa về khiến con tim vừa mới vui trở lại trong tôi cũng run rẩy trong nỗi xúc động trào dâng hòa theo những giai điệu ca ngợi mùa Xuân trên đất nước Việt Nam yêu dấu…
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc