THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:26

Xuân về Thổ Chu

Xuân về Thổ Chu  - Ảnh 1.

"Nàng tiên" phơi mình trong nắng gió…

Đã qua tháng Chạp âm lịch, những chuyến tàu vượt biển hối hả chở hoa Tết, hàng Tết từ đất liền ra đảo xa. Theo một chuyến tàu chất đầy hàng xuất phát từ Rạch Giá, chúng tôi đến quần đảo Thổ Chu. Từ ngoài biển nhìn vào, những hàng dừa cao phất phơ trong gió gợi hình ảnh những tiên nữ xõa tóc bên mặt biển trong xanh, phủ lấy thân hình là bãi cát trắng muốt, với những đường cong gợi cảm, mềm mại uốn lượn theo triền núi. Thỉnh thoảng lại có một vài ghềnh đá nhô lên từ biển, tạo nên những góc cạnh gồ ghề ghi dấu những lắng đọng của trầm tích thời gian.

Một trong những người đầu tiên mà chúng tôi gặp trên đảo này là cô giáo trẻ Võ Thu Ngân, trường tiểu học Thổ Châu. Thấy chúng tôi ngẩn ngơ nhìn những ghềnh đá có hình thù kỳ dị ấy, cô Ngân giải thích "đó là những cành san hô chết khô. Chúng chết vì mòn mỏi chờ đợi một điều gì đó mà mãi chẳng thấy. Chết trong nỗi hoài nhớ, trông mong… Chỉ lát nữa thôi, khi thủy triều lên thì những cành san hô chết khô ấy sẽ chìm dưới mặt nước".

Trên hòn đảo Thổ Châu - đảo lớn nhất trong số 8 đảo của quần đảo Thổ Chu, có 4 bãi biển mang 4 vẻ đẹp khác nhau: Nếu bãi Ngự đẹp như tranh vẽ, khá sinh động với những mái nhà đơn sơ lưa thưa khói lam chiều, nằm gọn trong vòng tay bao bọc của những dãy núi, thì bãi Dong hoang sơ hùng vĩ; bãi Mun mới nhìn qua không có gì đặc biệt, nhưng lại mang cái "duyên ngầm" toát ra từ màu xanh của rừng lẫn màu trắng của cát biển, từ những đường nét tinh tế của ranh giới giữa rừng và biển, giữa trời và nước. Còn bãi Nhất thì luôn lặng lẽ như một cô gái dậy thì e thẹn khi bất chợt bắt gặp ai đó đang ngắm nhìn mình.

Xuân về Thổ Chu  - Ảnh 2.

Thường chỉ có 2 khu vực là bãi Ngự và bãi Dong là có cư dân sinh sống, nhưng đông nhất là bãi Ngự, với khoảng vài chục nóc nhà lúp xúp, ẩn hiện dưới những tán lá dừa phất phơ trong gió biển. Có một điều đặc biệt, ngoài những gia đình làm nghề chế biến hải sản, dịch vụ, thì những nhà làm nghề buôn bán nguyên vật liệu phục vụ nghề cá thì mỗi năm lại phải "di cư" tới 2 lần, theo hướng gió: Vào mùa gió đông bắc từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, họ sống ở bãi Ngự. Vào mùa gió tây nam từ tháng 4 đến tháng 8, khi tàu thuyền chuyển bến qua bãi Dong cách bãi Ngự khoảng 5km họ cũng lại "dời nhà" qua đó để làm ăn.

Con đường từ bãi Ngự sang bãi Dong thực sự là một hành trình đầy thú vị, vì chỉ có thể… cuốc bộ. Nếu bạn là người thích nắng gió, ưa phiêu lưu với cảm giác mạnh, thì nên chọn con đường men theo bờ biển không một bóng cây, trên đầu nắng chói chang, còn dưới chân thì sóng biển luôn ập vào từng cơn, mang theo những con cá nhỏ nhưng có bộ răng sắc nhọn, có thể cắn vào chân bạn khiến bạn giật mình hoảng hốt. Còn nếu bạn là người thích ngắm cảnh thiên nhiên, đừng quản ngại những dốc núi chênh vênh, với con đường đất len lỏi giữa khu rừng nguyên sinh bám đầy rêu xanh, điểm những bông hoa dại li ti xinh xắn. Khu rừng có rất nhiều loại cây lạ: Mật nhân (cây bách bệnh), huyết rồng, dứa gai, nhiều cây cổ thụ dễ đến vài trăm tuổi, mấy người ôm không xuể…    Có cả cây hóa thạch, được biết đến như một vật phẩm thường dùng trong phong thủy. Trên con đường vắng lặng ấy, thứ âm thanh chủ đạo là tiếng chim hót líu lo, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió xô cành lá lao xao êm ái như tiếng ru ngọt ngào. Thỉnh thoảng có con chim rừng đập cánh tạo nên thứ âm thanh khác lạ, khiến bạn phải… bừng tỉnh.

Xuân về Thổ Chu  - Ảnh 3.

Cô và trò ở đảo Thổ Chu.

Bí ẩn đáy đại dương

Cô giáo Ngân giới thiệu chúng tôi với anh Hòa, một chủ thuyền lành nghề lặn biển bắt bào ngư. Anh Hoà đưa chúng tôi đến hòn Từ và cùng nhau lặn xuống đáy đại dương để tận mắt ngắm nhìn thế giới huyền ảo của 99 loại san hô đỏ thắm nổi bật trên thảm cỏ biển xanh thẫm, phía trên là những đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng, ẩn sâu dưới đáy là muôn ngàn những ốc cờ, ốc tai tượng, bào ngư, cổ hiếu, cầu gai... Cảnh vật kỳ thú đến mê hồn, nhất là với những người lần đầu được chiêm ngưỡng như chúng tôi.

Rời hòn Từ, chúng tôi tiếp tục vượt biển đặt chân tới hòn Nhạn, cũng là điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam. Khác với vẻ hiền lành ở những nơi khác trong quần đảo, biển trên đường đến hòn Nhạn có vẻ dữ dội hơn với những con sóng bạc đầu chồm lên phủ trắng mũi tàu.

Thế nhưng khi đến gần hòn Nhạn thì tiếng sóng gió lập tức bị át đi bởi tiếng kêu ồn ào của hàng triệu con chim nhạn đang bay chấp chới kín cả bầu trời. Ấn tượng đầu tiên về hòn Nhạn là những hòn đá tảng lớn nhỏ chồng chất lên nhau, rất ít cây cối nhưng lại có rất nhiều chim chóc. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, loài nhạn thường bay về sinh sản. Mỗi mùa nhạn thường đẻ 1 - 2 trứng trong những hốc đá hoặc dưới lùm cây cỏ dại. Khoảng 30 ngày trứng nở, nhạn mẹ bắt đầu mớm cho nhạn con ăn cho đến khi đủ lông đủ cánh.

May mắn chúng tôi có cô giáo Ngân cùng đi. Cô kể: Hòn Nhạn không chỉ là một thắng cảnh, mà còn là nơi ghi dấu một sự kiện bi thảm xảy ra ngày 12/5/1975 - ngày mà mỗi người dân đảo Thổ Chu đều ghi tâm khắc cốt. Đó là khi bọn Pol Pot - Yeng Sary đổ bộ lên, từ đó tràn vào Thổ Chu, chỉ trong một đêm chúng đã tàn sát dã man hơn 500 cư dân của đảo. Nghe chuyện của cô Ngân, dường như tiếng sóng, tiếng chim cũng lắng lại, nhường chỗ cho những ký ức đau buồn từ 40 năm trước ùa về…

Xuân về Thổ Chu  - Ảnh 5.

***

Trở lại đảo Thổ Chu trước khi trời sập tối, chúng tôi đến Đền thờ những người đã hy sinh trên đảo để giữ từng tấc đất thiêng liêng mà cha ông để lại. Ngôi đền này rất linh thiêng, không chỉ là nơi thờ cúng, mà còn là chỗ dựa tâm linh cho người dân trên đảo - những người suốt cuộc đời luôn phải chống chọi với phong ba, bão tố. Hoàng hôn những ngày cuối đông ở hòn đảo cực Nam Tổ quốc thật đẹp, khi mặt biển nhuộm sắc trời chuyển sang màu tím thẫm. Hòn đảo trở nên lung linh với những ánh đèn le lói từ những túp nhà đơn sơ. Đây đó những đứa trẻ ríu rít gọi nhau đi câu mực ngoài cầu cảng. Những chuyến tàu hối hả chuẩn bị xuất bến ra khơi. Nhưng chỉ lát nữa thôi, hòn đảo sẽ chìm vào thanh vắng. Chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào vào những ghềnh đá, tiếng gió xào xạc của những tán dừa cổ thụ, và tiếng những con chim đêm khắc khoải vọng vào vách núi...  

Đảo Thổ Chu trong vịnh Thái Lan, cách đảo Phú Quốc khoảng 100km về phía Tây Nam, xưa kia các hải đồ của người phương Tây thường gọi với tên Poulo Panjang.

Để đến Thổ Chu, con đường phổ biến nhất là di chuyển đến TP Rạch Giá. Nếu biển tốt, mỗi tuần có 1 chuyến tàu từ Rạch Giá ra Thổ Chu và ngược lại. Từ cảng Rạch Giá đến cảng Thổ Chu khoảng hơn 250km, phải mất hơn 16 giờ lênh đênh trên biển. Tàu ra đảo còn khá thô sơ, không có máy lạnh, không phục vụ ăn uống… Cũng có thể bay thẳng ra Phú Quốc rồi đi tàu đến Thổ Chu với thời gian khoảng 8 tiếng.

Trên đảo không có khách sạn, chỉ có một vài nhà trọ của người dân, nhưng du khách có thể xin ngủ nhờ ở đồn biên phòng. Tốt nhất là hãy liên lạc với lực lượng hải quân hoặc biên phòng trước khi đến đảo. Thời điểm đẹp nhất để du lịch đảo Thổ Chu khoảng tháng 11, 12, lúc này sóng biển êm, đẹp và thời tiết rất dễ chịu.

VIỆT KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh