THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:32

Năng suất lao động thấp - khó khăn khi hội nhập

Năng suất vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra là 29 - 32%

Tại hội thảo “Áp dụng các mô hình quản lý tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia bày tỏ lo lắng, với năng suất lao động của Việt Nam đang thấp như hiện nay sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế khi hội nhập kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội của nền kinh tế năm qua (tính theo giá hiện hành) đạt 79,3 triệu đồng mỗi lao động, tương đương khoảng 3.660 USD. Năng suất lao động người Việt đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều, bình quân giai đoạn 2006 - 2015 tăng 3,9% mỗi năm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với năm 2010, năng suất trung bình của mỗi lao động Việt Nam hiện tăng gần 24%, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 29 - 32%, và cũng chưa đủ bù đắp khoảng cách về năng suất với các quốc gia khác trong khu vực. “Do đó, một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đó là nâng cao năng suất lao động, vốn là một điểm còn yếu của DN Việt Nam hiện nay”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định.

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp phân tích, nguyên nhân khiến năng suất chung của cả nền kinh tế thấp, là do đầu tư của nhà nước kém hiệu quả. Trong đó, khu vực công chiếm 1/3 GDP, có vai trò đáng kể trong các lĩnh vực sản xuất và kiểm soát thị trường các yếu tố sản xuất, mà đầu tư công nói chung và phần lớn DNNN không hiệu quả. Còn tăng trưởng năng suất ở Việt Nam suy giảm, theo bà Lan, lại là do năng suất của khu vực tư nhân trong nước bị giảm sút mạnh, khiến cho khu vực này cũng kém hiệu quả như khu vực nhà nước. Trong khi đó, FDI có vai trò ngày càng lớn, nhưng chưa có sự kết nối giữa FDI với DN trong nước, gây cản trở cho tăng năng suất thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản lý.

Cần nâng cao năng suất lao động để hội nhập.

Tuy năng suất lao động nói chung của Việt Nam thấp như vậy, nhưng theo Cục Tài chính DN, năng suất lao động tại một số đơn vị lại rất cao. Chẳng hạn, ở Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), năng suất lao động đạt 6,5 tỷ đồng/người/năm. Trong 3 năm qua, doanh thu bình quân mỗi năm của Viettel tăng gần 20% nhưng số lượng nhân sự không tăng.

Chú trọng nâng cao năng suất khu vực tư nhân

Trong khi đó, theo một kết quả được Viện Năng suất Việt Nam điều tra tại 2.000 DN thuộc 7 ngành sản xuất gồm: Chế biến thực phẩm, dệt, trang phục, da và các sản phẩm có liên quan, hóa chất và các sản phẩm hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất thiết bị điện cho thấy, năng suất chung của 7 ngành này (2011 - 2014) cao gấp 2,4 lần so với năng suất lao động của nền kinh tế.

TS.Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết thêm, nhóm ngành công nghệ cao như hóa chất, điện có mức năng suất lao động cao hơn hẳn so với các ngành công nghệ trung bình và thấp. Cũng theo TS Nguyễn Anh Tuấn, mặc dù nhận thức về năng suất đã được cải thiện nhiều nhưng không phải DN nào cũng ý thức được vấn đề cần cải tiến năng suất. Đơn cử trong số các DN được điều tra, 1/4 trong số đó không có mục tiêu năng suất. Trong số các DN có mục tiêu năng suất thì chỉ 1/5 số đó đưa mục tiêu cải tiến năng suất vào chiến lược của công ty, thiết lập được các dự án cải tiến cụ thể và hàng năm có kết quả rõ ràng. Từ thực tế này, các chuyên gia có chung nhận định, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, có nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao, qua đó sớm bắt kịp với các nước trong khu vực.

Đồng quan điểm, bà Phạm Chi Lan dẫn Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới công bố, nhận định: “Việt Nam hiện còn đủ thời cơ để tái khởi động tăng năng suất lao động mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tăng thu nhập vào năm 2035”. Theo đó, bà Lan cho rằng, điều kiện tiên quyết để Việt Nam đạt được các mục tiêu khôi phục tăng trưởng năng suất là phải thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân. Trong đó, chú trọng tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất của khu vực tư nhân trong nước.

Cụ thể hơn, theo TS Nguyễn Anh Tuấn, đối với DN, sự chủ động và quyết tâm là rất quan trọng, DN phải tập trung vào cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất mới cũng như nâng cao trình độ quản lý, xây dựng được môi trường làm việc có thể khuyến khích được người lao động nỗ lực hết mình trong lao động để tăng năng suất. Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, năng suất lao động thấp ở khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới năng suất lao động xã hội.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh