THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:54

Cần chú trọng đào tạo, nâng cao năng suất lao động

Bộ KH&ĐT cho biết, so với 20 năm trước, khoảng cách năng suất lao động Việt Nam với các nước trong khu vực đã được thu hẹp đáng kể, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách khá xa. Cụ thể, năm 1994 năng suất lao động của 5 quốc gia: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia lần lượt gấp 29,2 lần; 10,6; 4,6; 3,1 và 2,9 lần so với Việt Nam. Đến năm 2013 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 18 lần; 6,6; 2,7; 1,8 và 1,8 lần. Các chuyên gia cho rằng, nếu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng như hiện nay thì phải đến năm 2038, Việt Nam mới có thể bắt kịp năng suất lao động của Philipines, đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan. Như vậy, Việt Nam đang thua Philipines 20 năm, và thua Singapore tới... 50 năm.

Sự chênh lệch lớn về khoảng cách năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực được cho là do xuất phát điểm và quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ. “GDP hằng năm giai đoạn 1990 - 2014 đã tăng tới 29 lần. Nhưng nếu xét về quy mô, thì vẫn là một nền kinh tế nhỏ, chậm phát triển. Ví dụ  năm  2014, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần”-nhận định của Bộ KH&ĐT.

Lao động ngành da giầy.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ sự quan ngại về vấn đề lương tối thiểu và những ảnh hưởng không nhỏ của nó tới nền kinh tế. Nhân công giá rẻ vốn là một trong những lợi thế để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI, nhưng theo WB không loại trừ việc mức lương tối thiểu cao sẽ là một trong những yếu tố ngăn cản thu hút FDI. Lương tối thiểu tăng, có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác có cùng mức lương tương đương như Bangladesh, Campuchia. 

CEBR cũng nhận định, để tăng cường tiếp cận nguồn vốn đầu tư, trở thành một trung tâm sản xuất, gia công toàn cầu và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, về lâu dài, Việt Nam cần tích cực sàng lọc danh mục các dự án FDI theo chiến lược, định hướng phát triển của Chính phủ. “Việc các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến vì nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, những lợi thế này lại đang bộc lộ điểm yếu thiếu sự bền vững. Do đó, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, đào tạo để xây dựng đội ngũ lao động có kỹ năng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tập trung nhiều hơn vào đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường, đặc biệt là vào giao thông, dịch vụ”-ông Scott Corfe, Phó Giám đốc CEBR phân tích.

Xu hướng hội nhập và việc mở cửa thị trường lao động đang tạo ra sự dịch chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi các quốc gia phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình, đồng thời cũng đòi hỏi người lao động phải tự trang bị kỹ năng để đáp ứng xu thế cạnh tranh cao. Lấy ví dụ ngành dệt may của Việt Nam, hiện nay số lao động tay nghề cao không nhiều và để có được đội ngũ  kỹ thuật gia công các mặt hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo và sàng lọc nhân công. Có thể thấy, đội ngũ lao động Việt Nam đang bộc lộ sự thiếu hụt về kỹ năng ở mọi cấp độ, từ lao động trực tiếp đến vị trí quản lý. Nhân công giá rẻ mới chỉ là lợi thế cạnh tranh trước mắt, nhưng rất có thể là lực cản cho sự phát triển  bền vững trong tương lai.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh