Năng suất lao động- Thách thức của thời hội nhập
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:06 - 14/08/2016
NSLĐ thấp: “Nút thắt” của nền kinh tế
Đã hơn 20 năm tham gia cộng đồng ASEAN, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 quốc gia lạc hậu hơn so với phần còn lại. Các chuyên gia WB nhận xét “Việt Nam là nước không chịu phát triển”. Có nhiều nguyên nhân gây ra kết quả không mong muốn này nhưng “nút thắt cổ chai” đó là NSLĐ thấp.
Đáng chú ý, NSLĐ khu vực tư nhân không những không cao mà còn giảm, theo các chuyên gia điều mà khối doanh nghiệp tư nhân cần làm lúc này là xem xét hỗ trợ nâng cao năng lực, kỹ năng cho người LĐ. Ngoài doanh nghiệp, chiếm một lực lượng đông đảo đến 70% LĐ hiện nay của Việt Nam làm trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, thiết bị lạc hậu. Chính vì vậy bài toán nâng cao NSLĐ đang là mục tiêu hàng đầu.
Ông Kuroda Kazuteru, chuyên gia về NSLĐ của Trung tâm Năng suất Nhật Bản cho biết, mới đây ông cùng với Viện Năng suất Việt Nam có cuộc khảo sát sơ bộ về NSLĐ và môi trường làm việc tại một số doanh nghiệp của Việt Nam. Ông Kazuteru đánh giá: “Ở bình diện quốc gia, NSLĐ của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Lào, Campuchia, kém các nước Thái Lan, Indonesia và kém hơn 10 lần so với Nhật Bản và Singapore. Đối với các doanh nghiệp chúng tôi đã khảo sát, nhìn chung NSLĐ vẫn còn thấp. Qua khảo sát, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào từng cá nhân trong một doanh nghiệp, mà không có cái nhìn trên bình diện toàn hệ thống. Tôi nghĩ mỗi cá nhân trong một doanh nghiệp đều có những điểm mạnh riêng, nhưng các doanh nghiệp khảo sát chỉ lựa chọn một vài người xuất sắc nhất, và dựa hoàn toàn vào họ mà không xây dựng một hệ thống vững mạnh, vì thế cũng gây ra hạn chế về NSLĐ”.
Ảnh minh họa.
Cùng với đó, Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định quốc tế trong đó có các cam kết về vấn đề LĐ. “Việt Nam sẽ có lợi thế nhiều với lực lượng LĐ dồi dào và mức tăng NSLĐ vẫn còn rất lớn. Nếu Việt Nam nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường làm việc thân thiện sẽ tận dụng tốt hơn các cơ hội đến từ hội nhập. Để tăng NSLĐ, ngoài việc tổ chức đào tạo, qua khảo sát, ghi nhận nhiều doanh nghiệp năng động, đã phát huy thế mạnh là gắn trách nhiệm của từng người LĐ với quyền lợi cụ thể”, ông Kazuteru nhấn mạnh thêm.Thực tế cho thấy, ở nhiều doanh nghiệp, điều quan tâm nhất với họ là nguồn vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, làm giảm tối đa chi phí cần thiết để tăng lãi suất chứ ít khi chú trọng đến khâu tạo điều kiện để tái sản xuất sức LĐ, nhiều nhà tuyển dụng lấy tiêu chí giá cả sức LĐ làm cơ sở. Trong khi sự lạc hậu của công cụ LĐ cũng là trở lực không nhỏ với yêu cầu tăng NSLĐ, công cụ LĐ ở đây chính là khoa học kỹ thuật, trong nền kinh tế tri thức thì yếu tố này đóng vai trò quyết định.
Không có lợi thế cạnh tranh đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc chơi trong chuỗi lợi ích toàn cầu, khi đó liệu tham gia TPP và làn sóng hội nhập có mang lại hiệu quả như mong muốn? Chỉ khi nào tháo được “nút thắt” này thì mới hy vọng bắt kịp xu thế.
Phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế để NSLĐ cao hơn
“Nhiều năm qua những con số thống kê về NSLĐ của người Việt vẫn không mấy khả quan khi so sánh với các nước trong khu vực, điều này càng khó chấp nhận với một đất nước 92 triệu dân đang trong thời điểm dân số “vàng” - TS Kinh tế Lê Đăng Doanh trăn trở. Một nguyên nhân thường hay được đưa ra để biện minh cho câu hỏi vì sao NSLĐ Việt Nam thấp là do tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo cao, nhưng cần thấy rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều trường đại học và nhiều tiến sỹ nhất thế giới. Tỷ lệ sinh viên/dân thuộc top cao và hiện nay chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn lực này. Thế nhưng sự tụt hậu, “bị bỏ lại phía sau” là thực trạng không còn nằm trong vùng “nguy cơ”, mà đã trở thành hiện thực vì giả định Việt Nam vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng NSLĐ trung bình như trong giai đoạn 2007- 2012 thì phải đến năm 2038 chúng ta mới bắt kịp NSLĐ của Philippines, và vào năm 2069 mới bắt kịp NSLĐ của Thái Lan.
Việc tăng nhu cầu trong nước và sự bùng nổ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6,5% bất chấp môi trường đầy thách thức của khu vực và toàn cầu. Tiếp tục đa dạng hóa các ngành công nghiệp xuất khẩu từ dầu, cà phê cho tới dệt may, điện tử và các ngành sản xuất khác cũng đã góp phần bảo vệ nền kinh tế khỏi giá cả hàng hoá xuống thấp. Phát biểu tại buổi lễ công bố báo cáo Kinh tế mới đây, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, việc phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang những lĩnh vực có NSLĐ cao hơn để duy trì tăng trưởng NSLĐ, đồng thời nâng cao trình độ tay nghề của người LĐ.
Chia sẻ quan điểm đó, ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW cho biết: “Đào tạo, phát triển và nâng cấp kỹ năng cần phải đóng một vai trò thiết yếu, nếu Việt Nam muốn duy trì con đường phát triển của mình cũng như cải thiện năng suất và khả năng làm việc của lực lượng LĐ. Khi nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đa dạng hóa, sẽ cần có nguồn nhân lực tay nghề cao, và một phần trong số đó đã tiến gần hơn đến một tiêu chuẩn toàn cầu về kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh và đổi mới”.