Nâng cao vai trò của công tác truyền thông an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở
- Bài thuốc hay
- 13:10 - 27/09/2019
Theo số liệu khảo sát của ILO, 54% nguyên nhân gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên thế giới và bình quân 72% nguyên nhân gây tai nạn lao động chết người ở Việt Nam là do người sử dụng lao động và người lao động vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động....
Để đảm thực hiện tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động song hành với việc xây dựng hoàn thiện các chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, công tác thông tin tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành thể chế trong các văn bản quan trọng như:
Chỉ thị 29 – CT ngày 13/9/2013 về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế... Trong đó, nhiệm vụ nổi bật là " Đổi mới hình thức nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân"; Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 5/1/2016); Quyết định số 87/QĐ-TTG chỉ đạo tổ chức Tháng hành động về An toàn; Quyết định số 899/QĐ – TTg ngày 20/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động…
Tuy nhiên, để các chủ trương, chính sách về an toàn, vệ sinh lao động đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, thiết thực thì công tác thông tin, tuyên truyền ở cấp cơ sở, năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên đóng vai trò quan trọng. Theo bà Phạm Thị Thúy – Phó trưởng phòng Huấn luyện, thông tin (Cục An toàn lao động – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến an toàn, vệ sinh lao động như:
Nguồn nhân lực làm công tác thông tin tuyên truyền vềan toàn, vệ sinh lao động ở cấp cơ sở còn hạn chế về số lượng cũng như chuyên môn, kinh nghiệm. Cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động thực hiện chủ yếu là kiêm nhiệm, nhiều việc, không được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng thông tin, truyền thông, quỹ thời gian làm công tác thông tin, truyền thông rất hạn hẹp... ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị thông tin, tuyên truyền nhìn chung còn nghèo nàn, hạn chế. Trong khi nền kinh tế và khoa học công nghệ đang phát triển nhanh chóng, các phương tiện chủ yếu để thông tin hiện nay vẫn là điện thoại, loa phát thanh… nên tính cập nhật thông tin chưa cao.
Chi phí cho công tác tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động còn hạn chế, theo kết quả khảo sát tại 200 doanh nghiệp vừa nhỏ, kinh phí giành cho công tác phòng ngừa, tuyên truyền chỉ chiếm 3% tổng chi phí cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tỷ lệ này còn ít hơn rất nhiều lần trong khu vực không có quan hệ lao động.
Đa số các chủ cơ sở và người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động chưa nắm được kiến thức cơ bản về pháp luật cũng như các biện pháp kỹ thuật, sắp xếp tổ chức quản lý hợp lý để đảm bảo an toàn lao động, phòng người tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cộng với đó là tâm lý chạy theo lợi nhuận đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cải thiện điều kiện lao động trong cơ sở. Người lao động còn chủ quan, chưa có ý thức trong việc chấp hành kỷ luật lao động.
Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động như:
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Luật an toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành đặc biệt là các chính sách, quy định của nhà nước trong khu vực không có quan hệ lao động – nhấn mạnh thông tin truyền thông về quyền và trách nghiệm, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia lao động sản xuất, các biện pháp phòng ngừa, nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.
Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền ở cấp quận, huyện, xã, phường về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền; Đào tạo, mở rộng phát triển đội ngũ tình nguyện viên, tuyên truyền viên tại các doanh nghiệp, làng xã, chi hội ở địa phương để tạo sức lan tỏa sâu rộng và chính họ mới là lực lượng thường xuyên, dễ tiếp cận nhất với người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động.
Các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho công tác tác thông tin tuyên truyền trong khu vực không có hợp đồng lao động. Trong đó, ưu tiên đến các ngành nghề có nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động hơn như các làng nghề cơ khí, làng nghề chế biến thực phẩm, làng nghề tái chế…
Đổi mới về hình thức nội dung thông tin tuyên truyền cho phù hợp, dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm sản xuất của các nhóm đối tượng, người lao động, các làng nghề, tập trung vào các hướng dẫn cụ thể để cải thiện điều kiện lao động, tận dụng được các nguồn lực nhân lực sẵn có để cơ sở.
Tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng (phát thanh, internet, mạng xã hội và các công cụ số để thông tin tuyên truyền trong khu vực không có hợp đồng lao động.
Đẩy mạnh truyền thông về các tấm gương, mô hình điển hình về an toàn, vệ sinh lao động, nhằm nhân rộng phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động trong cộng đồng doanh nghiệp, người lao động; Đồng thời kịp thời phản ánh, công khai các vi phạm về công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động với các cơ quan thông tin, truyền thông, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội; Đổi mới theo hướng đa dạng và đan xen các nội dung, hình thức tuyên truyền, về an toàn, vệ sinh lao động.