Nâng cao chất lượng công tác Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động
- Bài thuốc hay
- 01:02 - 13/08/2019
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020 với tổng kinh phí thực hiện là 14.024 tỷ đồng được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.
Người lao động được hỗ trợ tư vấn việc làm
Để triển khai có hiệu quả các nội dung được giao chương trình được chia làm 3 dự án thành phần: Dự án 1- “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”; Dự án 2- “Phát triển thị trường lao động và việc làm”; Dự án 3 - "Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động".
Mục tiêu cụ thể với Dự án 1 - “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp mục tiêu đến năm 2020:
Góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 1,35 triệu người (trong đó khoảng 5% đạt ở các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập;
Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 và khoảng 30 trường chuyên biệt đủ điều kiện để đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật.
Đầu tư đồng bộ cho khoảng 100 nghề trọng điểm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo đảm đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp ở các cấp độ.
Tổ chức thông tin, truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp về giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm đáp ứng thị trường lao động để phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đi học giáo dục nghề nghiệp.
Hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 8.800 lao động để đưa khoảng 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Dự án 2 - “Phát triển thị trường lao động và việc làm” mục tiêu đến năm 2020:
Tư vấn việc làm và học nghề để 45% đến 50% số người lao động đến các Trung tâm dịch vụ việc làm được giới thiệu tìm việc làm và 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công; Hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp cho 10.000 thanh niên; Hỗ trợ tìm việc làm cho 25.000 lượt thanh niên; 7.500 lượt người khuyết tật, 7.500 lượt người dân tộc thiểu số; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho 10.000 lượt người lao động di cư.
Dự án 3 –“Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động” mục tiêu đến năm 2020:
Trung bình hàng năm, giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (khai khoáng; xây dựng; sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất); Hỗ trợ thí điểm 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn trong lao động;
Trung bình hàng năm hỗ trợ huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động: 15.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 10.000 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, 2.000 người làm công tác y tế và 1.000 an toàn, vệ sinh viên tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trung bình hàng năm, hỗ trợ phổ biến thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động đến 50 làng nghề, 200 hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.