Hà Nội yêu cầu giám sát chặt an toàn lao động trong thi công công trình
- Pháp luật
- 18:19 - 08/03/2019
Thời gian qua, liên tiếp các vụ tai nạn chết người do mất an toàn lao động xảy ra trong thi công công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội khiến dư luận lo ngại. Dường như việc tuân thủ an toàn trong xây dựng vẫn bị xem nhẹ.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra gần chục vụ mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, trong đó có 5 vụ xảy ra tai nạn chết người. Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn kể trên được các đơn vị chức năng xác định là do chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động thường vi phạm vào “ba không” gồm: Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; không có thiết bị bảo đảm an toàn.
Mặt khác, việc các doanh nghiệp được báo trước khi đoàn thanh tra đến làm việc cũng là một nguyên nhân khiến cho tai nạn lao động gia tăng vì đây là kẽ hở để họ “bưng bít” thông tin, che đậy những sai sót trong công tác bảo đảm an toàn lao động.
Trước nguy cơ mất an toàn từ việc thi công các công trình xây dựng, đặc biệt ngay sau những vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người gần đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công các công trình, dự án chưa bảo đảm các điều kiện về an toàn lao động, an toàn trật tự xây dựng.
Đồng thời, rà soát, xử lý nghiêm các cẩu tháp xây dựng hoạt động không đúng quy định, không bảo đảm an toàn thi công.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2018, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng đã được tăng cường và tập trung vào các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình an sinh xã hội, có quy mô lớn và ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.
Đơn vị chức năng đã tổ chức kiểm tra hồ sơ nghiệm thu giai đoạn thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng theo quy định 86 công trình, hạng mục công trình; kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và an toàn lao động – vệ sinh lao động tại 22 dự án.
Cụ thể, Sở đã kiểm tra, chấp thuận biện pháp thi công 88 cần trục tháp; kiểm tra 20 đơn vị trách nhiệm về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, an toàn lao động – vệ sinh lao động tại các quận, huyện thị xã.
Sở đã kịp thời giải quyết các sự cố về chất lượng công trình, phối hợp tham gia giải quyết về an toàn lao động tại 6 công trình.
Đáng chú ý, Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã kiểm tra gần 50 dự án, công trình xây dựng; ban hành khoảng 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt gần 300 triệu đồng với các lỗi vi phạm chủ yếu là do vệ sinh môi trường không bảo đảm, thiết bị bảo hộ, máy móc chưa an toàn…
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước của Sở Xây dựng Hà Nội đối với hoạt động xây dựng trên địa bàn, bắt đầu từ tháng 3/2019, Thanh tra Sở sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng các công trình.
Cụ thể là các công trình, dự án tại các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm; chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thực hiện dự án. Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thông qua việc kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh môi trường; hướng dẫn các đơn vị có liên quan về an toàn lao động trong quá trình thi công; công tác an toàn khi sử dụng máy, thiết bị, vật tư theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Sở yêu cầu việc kiểm tra phải theo đúng các quy định của pháp luật, kiểm tra đúng nội dung; không làm ảnh hưởng tới hoạt động thường xuyên của các đơn vị được kiểm tra.
Qua thanh tra, đánh giá nguyên nhân, tồn tại, hạn chế khó khăn trong công tác thực hiện an toàn lao động, vệ sinh môi trường trên các công trường xây dựng.
Đồng thời, đề xuất UBND thành phố phương án, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với các công trình, dự án trên địa bàn.