Nâng cao quyền năng cho phụ nữ nông thôn
- Tây Y
- 21:51 - 08/03/2018
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh vai trò của phụ nữ nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phụ nữ nông thôn đóng góp quan trọng vào phát triển nông nghiệp
Theo báo cáo năm 2016 của Tổng cục thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 16,3% GDP của Việt Nam nhưng có đến 41,9% lực lượng lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Lao động nữ của cả nước là 26,2 triệu người, trong đó khoảng 44% đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%, so với 57,5% nam giới.
Nhấn mạnh về vai trò của phụ nữ nông thôn đối với những thành tựu kinh tế xã hội của đất nước, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, nhấn mạnh: “Phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam. Điển hình, một số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã sản xuất và kinh doanh thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu biểu như bà Phạm Thị Huân (tức Ba Huân) – nữ doanh nhân tiên phong vì thực phẩm sạch, người được tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trao tặng giải thưởng “Nông dân điển hình thế giới” và bà Thái Hương – Chủ tịch công ty sữa TH True Milk người được tạp chí Forbes Mỹ bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á" .
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, thời gian qua các chính sách nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng hoàn thiện. Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017…
Phụ nữ nông thôn ngày càng được tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách, chương trình này. Đến nay ước tính có trên 46% lao động nữ trong tổng số lao động được học nghề theo các đề án, chương trình của Bộ LĐ-TB&XH. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó có phụ nữ ở khu vực nông thôn được đặc biệt quan tâm.
Với các sản phẩm tài chính vi mô đa dạng như vốn, tiết kiệm, bảo hiểm thông qua các Quỹ hỗ trợ tín dụng, Quỹ Bảo hiểm vi mô, đã có gần 3 triệu hộ phụ nữ nghèo, khó khăn được vay vốn với số tiền trên 75.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chính sách về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa xã hội, môi trường để nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng dịch vụ công đang được các ngành, các cấp nghiên cứu triển khai nhằm đảm bảo phụ nữ nông thôn được tiếp cận đầy đủ và hiệu quả vì mục tiêu thoát nghèo một cách thực chất và bền vững.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam điều hành tọa đàm.
Thiếu kỹ năng nghề, hạn chế sở hữu tư liệu sản xuất
Tuy nhiên, phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện vẫn gặp phải nhiều rào cản và khó khăn, thách thức. Cụ thể, tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao và chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Chất lượng việc làm của lao động nữ nông thôn còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội không cao. Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng nhưng các loại hình đào tạo nghề dành cho phụ nữ thường là ngắn hạn và tập trung vào các kỹ năng “truyền thống” của phụ nữ, đồng thời đầu ra sau học nghề gặp rất nhiều khó khăn. Khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, công nghệ và dịch vụ tài chính của phụ nữ nông thôn Việt Nam còn rất hạn chế. Phụ nữ nông thôn cũng bị chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng sự tham gia, đóng góp và kinh nghiệm của họ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai còn chưa được xem xét một cách xứng đáng trong việc lập kế hoạch và ra các quyết định chính sách về phòng ngừa rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Chương trình nghị sự về các mục tiêu phát triển bền vững nhằm xây dựng một tương lai mà không ai bị bỏ lại phía sau. Chỉ có thể thay đổi cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái nông thôn nếu như xóa bỏ những rào cản về mặt cấu trúc, phân biệt đối xử trong luật pháp, thực tiễn để đảm bảo các cơ hội, kết quả bình đẳng cho phụ nữ.
Đề xuất giải pháp tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành phối hợp trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, mô hình đào tạo nghề; thực hiện công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề, việc làm đối với người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; đa dạng, linh hoạt các chương trình đào tạo, hình thức đào tạo; gắn chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu, theo đặt hàng của doanh nghiệp…
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng về đời sống, lao động, việc làm và an sinh xã hội của phụ nữ nông thôn trong bối cảnh Việt Nam, cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ; đề cao đóng góp của phụ nữ nông thôn vào phát triển xã hội của Việt Nam...
Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định: “Kết quả trao đổi thảo luận của Tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy đề xuất chính sách và lồng ghép giới vào các nỗ lực nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn Việt Nam; hướng tới việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030. Các thông tin chia sẻ và khuyến nghị tại cuộc tòa đàm sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại Khóa họp lần thứ 62 của Ủy ban địa vị phụ nữ được Liên Hợp Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York, Mỹ”.