Nâng cao nhận thức cộng đồng để giảm kỳ thị trẻ bị ảnh hưởng HIV
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 03:46 - 08/10/2016
* Xin bà cho biết một số quy định của nhà nước đã được ban hành nhằm bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng HIV?
- Trẻ em là đối tượng phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS gây ra. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo các quyền của trẻ em cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cam kết thực hiện các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia phê chuẩn và đã ban hành, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình với những định hướng chiến lược, mục tiêu, giải pháp tích cực, cụ thể, phù hợp về bảo vệ, chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đảm bảo các quyền của các em. Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội phê chuẩn cũng quy định rõ trẻ em nhiễm HIV/AIDS là một trong những đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm trẻ trong đó có nhóm trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Trước đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định nhằm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng HIV.
Bà Vũ Thị Kim Hoa.
Đặc biệt, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đã ban hành Quyết định số 570/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020. Quy định đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bao gồm: Trẻ có HIV; Trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV; trẻ em sống với bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng có HIV; Trẻ em có nguy cơ cao có HIV; trẻ em sống trong các cơ sở trợ giúp trẻ em. Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu 90% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định; 100% trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.
*Mặc dù, Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 đã được triển khai trong 2 năm, tuy nhiên vẫn còn trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS còn khó khăn tiếp cận các dịch vụ theo yêu cầu. Theo bà đâu là nguyên nhân?
- Thực tế vẫn còn một số em nhỏ bị ảnh hưởng HIV còn khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ là do nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn hạn chế. Vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm xây dựng Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em, người chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được người dân biết đến. Vẫn còn hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đặc biệt ảnh hưởng đến quyền được học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Hệ thống tổ chức bảo vệ chăm sóc trẻ em chậm được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em đặc biệt mạng lưới cộng tác viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn thôn, bản, khu, ấp... chưa đủ số lượng và vẫn còn hạn chế về năng lực vì vậy việc tuyên truyền, quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với dịch vụ trong đó giáo dục còn hạn chế. Khả năng tiếp cận các dịch vụ sẵn có còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các vùng miền, các can thiệp còn tập trung ở các khu vực thành thị có tỷ lệ nhiều người nhiễm HIV/AIDS hơn. Bản thân gia đình có trẻ bị nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tâm lý sợ hãi vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử nhiều đối tượng hưởng lợi giấu không thông báo về bệnh trạng HIV của mình vì vậy chưa tiếp cận đươc các dịch vụ hỗ trợ.
Mọi trẻ em có quyền được đến trường.
* Theo bà, trong thời gian tới cần những biện pháp gì để tất cả trẻ em bi ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đảm bảo các quyền của mình đặc biệt là quyền học tập?
- Để đảm bảo các em bị ảnh hưởng HIV được đảm bảo các quyền của mình đặc biệt là quyền được đến trường học tập thì cần tăng cường công tác truyền thông cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi về HIV/AID nhằm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là nhóm trẻ bị nhiễm HIV theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách để trẻ có thể được hỗ trợ điều kiện tiếp cận với các dịch vụ theo nhu cầu của trẻ. Kiện toàn các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và xây dựng mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Kịp thời có biện pháp quản lý, tác động cần thiết bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả của các dịch vụ.
Triển khai nhân rộng trên toàn quốc mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc toàn diện trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ có liên quan đến trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm các quyền của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Xin chân thành cảm ơn bà!