Người âm thầm hỗ trợ trẻ bị ảnh hưởng HIV
- Sức khỏe
- 04:28 - 03/10/2016
Hơn 10 năm qua, ít ai biết rằng, có một tổ chức xã hội vẫn âm thầm đồng hành cùng những người có HIV/AIDS, trợ giúp, củng cố cho họ kiến thức về pháp luật, giúp họ vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống… Đó chính là Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS, thuộc Hội Luật gia Việt Nam. Người đưa ra ý tưởng thành lập cũng như có nhiều công sức xây dựng Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS là Bác sỹ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nay là Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS… Các lĩnh vực mà Trung tâm tư vấn bao gồm: Các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS (đường lây truyền HIV, cách phòng tránh lây nhiễm HIV, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, điều trị thuốc kháng ARV, các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV…); các lĩnh vực pháp luật mà người có HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV có thể gặp phải trong cuộc sống về hình sự, dân sự, lao động – việc làm, hôn nhân – gia đình, giáo dục – đào tạo, bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, hành chính…
Tổ chức các hoạt động vui chơi với các em nhỏ có HIV.
Là một trong những chuyên gia tư vấn, trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS từ những ngày đầu thành lập, Luật sư Trịnh Quang Chiến cũng không thể nào quên hành trình trường kỳ đầy gian khổ để “gỡ vướng” về pháp lý cho các thân chủ của mình. Hồ sơ vụ việc ngày càng dày lên, anh càng thấu hiểu nhiều hơn về cảnh ngộ đáng thương của các nạn nhân.
Luật sư Trịnh Quang Chiến không thể nào quên vụ việc xảy ra tại một trường tiểu học của tỉnh Hưng Yên. Đó là trường hợp của một cậu bé có mẹ nhiễm HIV/AIDS. Biết cậu bé có HIV, đồng loạt phụ huynh có con em theo học trong trường đã làm đơn phản đối việc nhà trường cho cậu bé đi học. Nhờ chính quyền can thiệp, mãi tận đến lúc bước sang tuổi thứ 9, cậu bé mới được đến trường. Nhưng vừa bước chân vào lớp học, cậu đã nhận được rất nhiều phản ứng không tốt từ phía phụ huynh và học sinh. Trước sức ép từ phía phụ huynh, nhà trường đành tiếp tục cho cậu bé nghỉ học thêm 1 năm nữa.
Trước sự bất công này, gia đình đã tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS nhờ hỗ trợ. Khi nhận được lời kêu cứu của gia đình cậu bé, Trung tâm đã hướng dẫn gia đình làm đơn gửi các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan kêu cứu. Nhờ sự tác động này, nhà trường buộc phải tiếp nhận em. Nhưng đến khi năm học mới bắt đầu, các phụ huynh đồng loạt bảo nhau cho con em mình nghỉ học. Vì không thể tổ chức học cho 1 học sinh, nhà trường đành phải cho cậu bé nghỉ học. Đến lúc này, các cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS lại phải can thiệp bằng cách đề nghị chính quyền địa phương ra văn bản yêu cầu nhà trường phải tổ chức cuộc họp gấp có sự tham gia của các phụ huynh. Sau khi nghe các chuyên gia y tế và pháp luật phân tích, giải thích, nhà trường cũng như các bậc cha mẹ đã nhận thức được mọi vấn đề và tiếp tục cho con em đi học…
Luật sư Trịnh Quang Chiến đến tận nhà hỗ trợ cho các em nhỏ có HIV.
Hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho những người nhiễm HIV/AIDS, luật sư Trịnh Thị Lê Trâm gặp nhiều mảnh đời rất khó khăn, khiến bà trăn trở, không ngừng suy nghĩ, có những cháu nhiễm HIV, cả cuộc đời chưa từng đến trường, có những hoàn cảnh éo le, phải sống cô đơn, không nơi nương tựa. Trường hợp luật sư Trâm nhớ nhất là, thời điểm cuối năm 2006 đầu năm 2007, khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS vừa được ban hành. Lúc bấy giờ người dân còn chưa hiểu biết nhiều về HIV/AIDS nên sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có H vẫn còn rất nặng nề.
Nhận được thông tin phản ánh về một trường hợp thanh niên trẻ tuổi ở Đ.A (Hà Nội) có HIV do sử dụng ma túy. Người thanh niên này bị gia đình hắt hủi, xa lánh. Bố mẹ anh làm một cái chòi trên một ngọn cây cho anh ở để tránh bị lây HIV/AIDS cho những người khác trong gia đình. Anh không được tiếp cận với bất kỳ ai. Hàng ngày, họ mang thức ăn ra chòi cho anh và quay bỏ đi luôn, không một lời thăm hỏi, động viên.
Nghe thông tin này, bà đã cử người đến kiểm tra. Khi xác định thông tin chính xác, đích thân bà Trâm đã tìm đến gặp lãnh đạo xã phường và người nhà nạn nhân để làm công tác tư tưởng, giải thích khoa học về căn bệnh HIV/AIDS và con đường lây nhiễm của căn bệnh. Bằng tình người, bố mẹ của anh thanh niên đã hiểu được việc những người có HIV/AIDS có thể sống như những người bình thường khác, làm việc và sống có ích cho xã hội, chứ không phải cứ nhiễm HIV là chết.
Sau khi nghe tư vấn, người mẹ nạn nhân đã khóc nức nở, còn cha nạn nhân thì lẳng lặng ra ngoài đạp đổ căn chòi, mang đồ đạc, quần áo của con vào nhà… Người thanh niên sau đó được sống chung với gia đình. Bố mẹ anh đã xin lỗi, động viên, chia sẻ, an ủi con trai mình.
Chính vì bị xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử, các vụ việc liên quan đến người nhiễm HIV đã phức tạp càng phức tạp và kéo dài hơn. Những việc làm âm thầm của các luật sư đã góp phần hỗ trợ những người bị ảnh hưởng HIV đặc biệt là trẻ nhỏ bị ảnh hưởng HIV được đến trường, được thực hiện những quyền cơ bản của mình như các bạn cùng trang lứa.