Đường đến trường của trẻ có HIV vẫn nhiều chông gai
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:59 - 19/09/2016
Phụ huynh cấm con chơi, học chung với bạn có HIV
Năm học mới đã bắt đầu, các em nhỏ hân hoan cắp sách tới trường. Tuy nhiên, nhưng vẫn có không ít em có HIV không được đến trường vì sự kỳ thị của bạn bè và cả của người lớn..
Một em nhỏ ở Hải Phòng có bố bị chết vì HIV/AIDS, người mẹ thấy con lở loét đầy người liền đưa bé về cho ông bà nội nuôi để chạy theo người đàn ông khác. Lên 6 tuổi, bé cũng được ông bà xin cho tới trường, nhưng sau đó có phụ huynh phát hiện bé có HIV, đã vận động ban phụ huynh của trường kiến nghị hiệu trưởng phải cho bé nghỉ học thì mới cho con họ tới lớp. Vì công tác tuyển sinh là sự sống còn, nên cuối cùng trường đành phải nói với ông bà chuyển bé sang trường khác và hậu quả là bé đã bị thất học.
Trẻ em có HIV đnag nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ Linh Xuân
Ở Hà Nội, có trường hợp bé S cha mẹ cũng mất vì căn bệnh thế kỉ. Bé may mắn không nhiễm HIV và ở với bác. Nhưng người trong xóm vẫn sợ con của người bị AIDS nên cấm con không được chơi với bé. Đến tuổi đi học, mặc dù người bác đã chạy vạy khắp nơi, song không trường nào dám nhận. Người bác đành phải cho cháu tới một nơi chưa ai biết tung tích gì về cha mẹ bé, để bé được tới trường.
Sự phân biệt, kì thị đối xử luôn xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào phải sống chung với HIV/AIDS và chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS. Một em gái có HIV ở An Giang cho biết: “Trước đây, cô giáo rất yêu thương cháu, thỉnh thoảng nhờ cháu giúp đỡ các bạn trong lớp. Khi cô biết cháu có HIV, cô đã không cho cháu chơi với các bạn nữa…”. Còn đây là lời tâm sự của một em trai mồ côi bố do AIDS: “Trong lớp cháu, một số bạn biết bố cháu có HIV nên hay rủa cháu: “Mày là con thằng nghiện, thằng HIV/AIDS, chúng tao không dây với mày”. Cháu rất giận các bạn, chạy về nhà khóc… Cháu muốn chơi với các bạn gần nhà, nhưng bố mẹ các bạn ấy cũng không cho chơi. Cháu rất tủi thân…”.
Vào cuộc để mọi trẻ em đều được đến trường
HIV/AIDS là một căn bệnh, không phải là một tệ nạn xã hội và phải đối xử bình đẳng với người mắc bệnh, không kì thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS (trong đó có trẻ em). Bởi các em khi sinh ra bị nhiễm HIV là một điều bất hạnh rất lớn, không có gì đáng buồn hơn khi các em phải sống trong cô lập, bị phân biệt đối xử ngay cả trong việc học tập và vui chơi.
Trong thời gian qua, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã cùng với cấp ủy, chính quyền của các địa phương triển khai có hiệu quả “Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 4/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ, quyền học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thực hiện đầy đủ hơn. Trong “Chương trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015” gồm 6 dự án, trong đó có dự án “Giáo dục không rào cản cho mọi trẻ em” với những giải pháp và hành động cụ thể, đã và đang giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đến trường học tập hòa nhập.
Cụ thể là, các bộ, ngành trung ương phối hợp cùng các tổ chức quốc tế đến từng địa phương có những “điểm nóng”, để cùng lãnh đạo địa phương thảo luận, bàn giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu kỳ thị và tạo mọi cơ hội và điều kiện để cho trẻ em được đến trường. Đồng thời, đã phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông như các buổi nói chuyện, hội thảo, ca nhạc và các diễn đàn lắng nghe tiếng nói của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... Việc làm này đã có những tác động tới các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo và các nhà lãnh đạo địa phương.
Việt Nam đã kí Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và ban hành Luật phòng chống HIV/AIDS, theo đó, trẻ em có quyền được học hành và không bị phân biệt đối xử. Mọi hành vi gây cản trở quyền được học tập, quyền được hòa nhập và vui chơi giải trí của trẻ em nhiễm HIV đều là vi phạm pháp luật và cần được xử lý.
Mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, phấn đấu 90% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định; phấn đấu 90% cơ sở trợ giúp, chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 100% trường học tạo cơ hội cho trẻ em được đi học theo nhau cầu. Thế nhưng, qua các số liệu của nghiên cứu về chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam do mạng lưới người sống với HIV Việt Nam thực hiện cho thấy, người nhiễm HIV đang phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử.
Điều mà các trẻ em có HIV/AIDS mong muốn đó là được hòa nhập với cộng đồng, được đi học, được vui đùa cùng bạn bè. Bản thân các em đâu có lỗi khi mắc phải căn bệnh này, nhưng vì những suy nghĩ lo sợ, kỳ thị. Vì thế, các tổ chức, cá nhân cần phối hợp với nhà trường để tuyên truyền, giáo dục về các phương pháp phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong học đường, để những em nhỏ có HIV có cơ hội được hòa nhập, được đến trường như bao em khác.