CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:13

Thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tăng năng suất lao động

Năng suất và chất lượng nông sản cao gấp từ 1,5 đến 2 lần  

Cơ giới hóa là một trong những khâu then chốt để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Thế nhưng, sau 4 năm triển khai Đề án “Phát triển CGH nông nghiệp Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến 2020”, nhiều chỉ tiêu vẫn chưa đạt như kỳ vọng, số hộ tiếp cận được với chính sách hỗ trợ CGH còn hạn chế... Do vậy, trong thời gian tới cần điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho hợp lý để Đề án phát huy hiệu quả. 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, sau 4 năm triển khai Đề án cơ giới hóa, đã tạo được chuyển biến bước đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, toàn thành phố có 5.669 máy làm đất, tăng 932 máy so với trước khi triển khai Đề án; 272 máy cấy, tăng 268 máy; 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, tăng 470 máy; 872 máy gặt đập liên hợp, tăng 475 máy. Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình cơ giới hóa đạt hơn 268 tỷ đồng. 

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, cơ giới hóa đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10 đến 15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 đến 2,8 triệu đồng/ha/vụ, giảm tổn thất thu hoạch 2- 3%, bảo đảm tính thời vụ. Năng suất và chất lượng nông sản cao gấp từ 1,5- 2 lần so với lao động thủ công.

Tuy vậy, nhìn vào thực tế, cơ giới hóa trong nông nghiệp mới tập trung vào khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chưa nhiều. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, hạn chế trên là do địa phương chưa hoàn thành dồn điển đổi thửa, dẫn đến sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thiếu tính tập trung… 

Nguyên nhân cơ giới hóa ở Hà Nội đạt thấp là sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ, sự hợp tác sản xuất hàng hóa thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu về chuyên môn, chưa được đào tạo và trang bị kiến thức bài bản nên quá trình thực hiện khó khăn…

Ông Vũ Đình Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất cho biết: “Qua hai vụ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại xã Hương Ngải đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ ứng dụng máy móc vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và tăng năng suất lao động cho người dân. Chỉ tính riêng chi phí cho các khâu dịch vụ, người nông dân giảm được 28%, tiết kiệm 180.000 đồng/sào so với thực hiện dịch vụ kiểu truyền thống”.

Theo đánh giá của Trung tâm khuyến nông Hà Nội, trung bình 1 ngày, 1 máy cấy 4 hàng cấy được 1ha, tương đương 30 người cấy lúa theo truyền thống. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2016, thành phố nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo, cấy lên 20%. Tuy nhiên, toàn thành phố mới có 272 máy cấy, tỷ lệ là 2,55%, chỉ bằng 12,7% so với kế hoạch.

Đánh giá về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp ở Hà Nội còn thấp so với cả nước và một số tỉnh lân cận; chưa mang tính đồng bộ; rời rạc từng khâu. Đặc biệt, trong khâu gieo cấy, tỷ lệ ứng dụng khoa học kỹ thuật còn thấp; nông dân không nắm rõ phương pháp vận hành máy. Thậm chí, khi gieo mạ bằng máy, nhiều nơi không có đủ diện tích đặt khay mạ, phải hợp tác, liên kết với các hộ khác. Hơn nữa, cách canh tác nông hộ theo quy mô nhỏ khiến việc đầu tư, sử dụng loại máy có công suất lớn cũng như vấn đề hợp tác về sản xuất, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. 

Chính sách hỗ trợ chưa phù hợp

Chính sách thúc đẩy cơ giới hóa của thành phố dù đã ban hành nhưng chưa sát thực tế nên mặc dù nhu cầu đầu tư cơ giới tăng nhưng người dân vẫn khó tiếp cận. Cụ thể, chính sách hỗ trợ trực tiếp thấp, vay vốn ngân hàng khó khăn, tổ chức triển khai chính sách chậm... làm ảnh hưởng đến việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Theo bà Vũ Thị Hương, từ năm 2013- 2016, toàn thành phố mới có 122 hộ vay vốn ngân hàng mua 140 máy và giải ngân tiền hỗ trợ lãi suất ngân hàng được hơn 4,3 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ thì cho hay, các hộ có nhu cầu đầu tư mua máy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện khá đông, nhưng số hộ tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ lãi suất từ Đề án cơ giới hóa của thành phố chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thủ tục vay vốn rất rườm rà, trong khi kinh phí hỗ trợ thấp nên nông dân không mặn mà. Để được hỗ trợ, hộ nông dân phải gửi phiếu trả lãi suất ngân hàng về Trung tâm Khuyến nông, 6 tháng một lần Trung tâm mới chuyển lên Sở NN&PTNT sau đó mới trình Sở Tài chính thẩm định rồi tiếp tục trình lên UBND thành phố. Sau khi hoàn tất thủ tục, kinh phí sẽ được chuyển về Trung tâm Khuyến nông rồi mới đến tay người dân. Việc tổ chức triển khai chính sách chậm và rườm rà nên nhiều hộ không thiết tha với lãi suất hỗ trợ. Đây là kiến nghị của rất nhiều địa phương trong những năm qua nhưng việc tháo gỡ vướng mắc hết sức chậm chạp nên Đề án chưa phát huy được hiệu quả.

Thực tế cho thấy, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng vừa giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, giảm sức lao động vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao nên cần tập trung đẩy mạnh. Vì vậy, các sở, ngành chức năng cần tham mưu cho thành phố điều chỉnh chính sách hỗ trợ theo hướng đơn giản, thuận lợi; hỗ trợ lãi suất một lần thay vì hỗ trợ lãi suất trong 3 năm để chương trình đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tới.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh