THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:42

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút đầu tư

Đẩy mạnh cải cách hành chính, khơi dậy nội lực
Cũng tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tiếp tục có bài phát biểu đáng chú ý thường thấy ở ông. Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2016 là năm đầu tiên mà số lượng DN thành lập mới đạt mốc kỷ lục, vượt con số 100 ngàn DN mới thành lập. Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã công bố chỉ số Môi trường kinh doanh trong đó VN tăng đến 9 bậc, vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN. Đây là những minh chứng rõ nhất, thể hiện những kết quả ban đầu của quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển DN này.

Tuy nhiên, dù môi trường kinh doanh của VN đã có những thay đổi khá tốt nhưng so với các quốc gia và cả các nước khu vực ASEAN thì vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của DN thì lại càng xa. Các DN vẫn đang gặp hàng loạt khó khăn từ vay vốn, lãi suất cao so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp… 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại Diễn đàn VBF 2016

“Thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ chúng tôi cho rằng giải pháp quan trọng là hành động, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi", ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, năm 2017 sắp tới dự báo vẫn là một năm khó khăn với cộng đồng DN.  Bởi vậy, yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, khơi dậy nội lực để phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi DN FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.

Thay mặt cộng đồng DN, ông Lộc kiến nghị 9 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu siết chặt kỷ cương thực hiện, tăng cường sự giám sát của người dân và DN; ban hành một luật sửa nhiều luật về đầu tư kinh doanh; xây dựng chương trình hành động, hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN, sửa đổi yêu cầu về thủ tục hành chính… 

Đặc biệt, theo ông Lộc, cần triển khai chương trình cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, hướng tới chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tính  thực hành và gắn được với yêu cầu của DN để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong khi đó bà Hoa cho rằng về nguồn nhân lực, giải pháp để khắc phục tình trạng trên là cần áp dụng một khung chuẩn quốc gia để tạo điều kiện tiếp cận, thúc đẩy và tiến bộ trong giáo dục, đào tạo, khuyến khích phát triển giáo dục bằng viêc sửa đổi các qui định hiện hành, giáo dục đại học và dạy nghề cần phải cung cấp nguồn lao động với những người tốt nghiệp đã sẵn sàng làm việc không chỉ có kỹ năng kỹ thuật mà còn phải có nhận thức và kỹ năng xã hội.

Tạo sân chơi bình đẳng, sòng phẳng cho các doanh nghiệp

Vẫn chưa hết trăn trở, ông Lộc nhìn nhận: “Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế, và sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam”.

Để tạo bước đột phá, thực sự thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước, và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, VCCI đã đề nghị Chính phủ thực thi một số giải pháp. 
Trong đó, có việc trình được ra Quốc hội dự luật một luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, ngay trong kỳ họp tới.
Ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành, theo hướng sửa đổi các quy định về thời gian làm thêm một cách linh hoạt, trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, điều chỉnh các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho phù hợp, bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế...

“Việt Nam vẫn còn những tiềm năng to lớn mà chỉ có thể được đánh thức trong một môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi”, Chủ tịch Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) Kenneth M.Atkinson nhận định.

Nhưng “nhiều DN Anh tại Việt Nam đề nghị Chính phủ Việt Nam xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông”, ông Kenneth M.Atkinson đề xuất, cần hạn chế các phương tiện giao thông trong các TP lớn ngay khi hệ thống giao thông cộng cộng mới được đưa vào hoạt động.

Bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng bày tỏ, “sự phát triển nhanh chóng không cần thiết phải kéo theo các rủi ro về môi trường và sức khỏe người dân”. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ Việt Nam bảo đảm một sân chơi bình đẳng, sòng phẳng cho các DN, không còn sự thiếu rõ ràng về chính sách, pháp luật để tránh bị lợi dụng.

Đem tiếng nói của cộng đồng DN Hàn Quốc tại Việt Nam, theo ông Han Dong Hee, Chủ tịch KoCham, để thực hiện chính sách kết nối giữa DN trong nước và FDI, cần tập trung mở rộng quan hệ mua bán phụ tùng và sản phẩm từ các DN Việt Nam. Cũng như, phải có chính sách mở rộng các kênh để các DN FDI có thể tiếp cận hàng hóa trung gian từ các DN nhỏ và vừa của Việt Nam.

Phản hồi kiến nghị của cộng đồng DN, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam sẽ có chính sách đẩy mạnh kết nối giữa DN đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước trên cơ sở chia sẻ thông tin về thị trường, phương thức quản trị, giúp DN Việt Nam hợp tác với nước ngoài.

“Quan điểm của Chính phủ hỗ trợ là “tạo con đường thuận lợi để đi” nhưng các DN cần “tự bước trên đôi chân của mình, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng bước nhanh đến đích””, Bộ trưởng nói.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh