Nâng cao năng lực cho ứng cử viên nữ tiềm năng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:19 - 14/09/2015
* Xin Bộ trưởng cho biết tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp hiện nay?
- Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đã có nhiều cố gắng trong thực hiện bình đẳng giới. Ngoài Luật Bình đẳng giới chúng ta cũng đã có chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010 - 2020, với mục tiêu đến năm 2015 chúng ta có 30% nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng thì chỉ tiêu về bình đẳng giới trong chính trị còn chưa đạt. Đến nay tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp là 25,17%, tham gia Quốc hội là 24,4%.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với các lãnh đạo nữ.
* Đã có quy định về tăng tỷ lệ nữ ứng cử trong các cơ quan dân cử nhưng tỷ lệ trúng cử lại chưa cao. Thưa Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Nhìn lại quá trình triển khai các cuộc bầu cử trong những năm gần đây, nhất là từ cơ sở cho thấy, số tỷ lệ nữ ứng cử vòng một thường cao, song đến vòng 2 lại ít đi, dẫn đến kết quả chưa đạt được tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử. Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, một trong những nguyên nhân rất cần được lưu ý để làm sao tỷ lệ cán bộ nữ trúng cử cao hơn.
Nguyên nhân thứ nhất, phụ nữ thường phải “cân, đo, đong, đếm” giữa thời gian dành ưu tiên cho gia đình và cho phát triển sự nghiệp - đây là một khó khăn đối với chị em vì chức năng làm vợ, làm mẹ cũng có những chi phối nhất định. Thứ hai, quan niệm về giới trong xã hội vẫn còn nặng nề chưa thực sự bình đẳng, không chỉ ở trong gia đình, xã hội, mà trong cả việc nhìn nhận và bố trí cán bộ đối với phụ nữ. Nguyên nhân thứ ba, một bộ phận chị em còn tự ti, chưa mạnh dạn và quyết đoán trong quá trình tranh cử, ứng cử trong các cấp. Một số nghiên cứu và khảo sát cho thấy, khả năng diễn thuyết cũng như trình bày vấn đề trước cử tri của phụ nữ có sự chênh lệch khá lớn so với nam giới. Các ứng cử viên nam thường có điểm mạnh là trình bày lưu loát, quyết đoán trước các cử tri, tự nhiên trong giao tiếp với báo chí.
Một nguyên nhân khác, trong quá trình chỉ đạo bầu cử đã được quán triệt để có đội ngũ cán bộ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội. Tuy nhiên trong cả hệ thống tổ chức bầu cử, mặc dù nói là có quan tâm nhưng thực chất về những biện pháp cụ thể thì chưa đủ, vì vậy mặc dù nữ giới ứng cử vòng đầu là có nhưng khi kết thúc cho tỷ lệ trúng cử thấp. Bên cạnh đó, trong giới thiệu lần đầu thường tính đến cơ cấu, nhưng chọn người đại diện cơ cấu chưa thực sự được trọng tâm.
* Để có thể tăng tỷ lệ nữ đại biểu tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ tới, Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Nhìn lại quá trình thực hiện Chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015, chúng tôi thấy chưa đảm bảo, chính vì vậy, cuối năm 2014 và đầu 2015, Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ phối hợp với Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Nhóm nữ nghị sĩ Quốc hội cũng như Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức 5 cuộc đối thoại lớn, có các đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trực tiếp tham dự. Thông qua đó, chúng tôi thấy rất cần nhiều giải pháp để làm sao nhiệm kỳ 2016 - 2021 tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội cao hơn.
Cụ thể, biện pháp đầu tiên là phải nâng cao năng lực cho những ứng cử viên tiềm năng. Muốn vậy, cần tổ chức những lớp giảng viên nguồn ngay từ quý 3/2015, làm cơ sở để khi chuẩn bị tổ chức bầu cử vào khoảng tháng 5- 6/2016 giúp cho những cán bộ nữ tiềm năng tham gia ứng cử có trình độ, kỹ năng để tự tin hơn trong việc thuyết phục mình trước cử tri. Cùng với đó là tổ chức hội nghị vùng để bồi dưỡng kỹ năng cho chị em; chỉ đạo Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các địa phương dành nguồn lực để tập huấn cho các chị em tham gia ứng cử ở các cấp, kể cả cấp xã, huyện, tỉnh và Quốc hội. Trên cở sở đó, Trung ương sẽ tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng cho số ứng cử viên nguồn khoảng 340 người cấp tỉnh và Quốc hội.
Có một giải pháp hết sức quan trọng, đó là chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền thật rõ để mọi người thấy được tiềm năng của chị em là rất lớn. Khả năng phụ nữ nếu tham gia ứng cử thì sẽ phát huy rất tốt, có những điển hình mang tính thuyết phục. Thông qua tuyên truyền để giúp nâng cao, chuyển biến nhận thức cho cộng đồng, các cấp quản lý cũng như cho từng gia đình...
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với báo chí về nâng cao năng lực cho lãnh đạo nữ.
* Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với công tác bình đẳng giới, cũng như nâng cao năng lực cho đại biểu dân cử tại Việt Nam?
- Các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, Việt Nam và một số nước phát triển chậm hơn đã nhận được sự hỗ trợ kể cả về kỹ thuật cũng như nguồn lực để chúng ta có điều kiện và cơ hội làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là làm tốt công tác nâng cao kỹ năng cho những ứng cử viên của Việt Nam. Tới đây Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế và huy động thêm các nguồn lực để thực hiện tốt hơn việc này, kể cả trong công tác truyền thông và công tác nâng cao trình độ cho các ứng cử viên.
“Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ nữ làm lãnh đạo ở vai trò chủ chốt cao. Hiện tại, trong một nhiệm kỳ mà chúng ta có một Phó Chủ tịch nước, 2 Ủy viên Bộ Chính trị làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, trong các bộ, ngành thì tỷ lệ nữ tham gia vị trí chủ chốt còn ít. Vì thế, tiếng nói của phụ nữ tham gia trong lãnh đạo nói chung còn những hạn chế nhất định. Tôi hy vọng, sau kỳ đại hội tới đây của các cấp từ Trung ương đến địa phương, số lượng nữ tham gia lãnh đạo quản lý sẽ tăng lên. Như vậy, những hoạch định chính sách cho phụ nữ sẽ phù hợp hơn, tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ phát triển, để chị em có đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước”. |