Nâng cao chất lượng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và lớp mầm non độc lập
- Giáo dục nghề nghiệp
- 06:12 - 23/09/2022
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại hội thảo “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập”, trong những năm qua, quy mô, mạng lưới trường, lớp cấp học mầm non đã không ngừng phát triển, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của xã hội.
Trong đó, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập và lớp mầm non độc lập đóng vai trò không nhỏ trong việc huy động trẻ. Đặc biệt, nhóm trẻ với quy mô tối đa 7 trẻ hoạt động theo nhu cầu đặc biệt của cha mẹ trẻ đã tháo gỡ khó khăn cho mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non không đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường, hỗ trợ rất lớn cho lực lượng lao động cống hiến cho xã hội, gánh vác trách nhiệm cùng xã hội trong việc đảm bảo quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của trẻ em.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Đa số nhóm trẻ có quy mô nhỏ dưới 7 trẻ vẫn tổ chức và hoạt động tự phát, nằm rải rác trong các khu dân cư, rất khó quản lý và chưa được quan tâm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Ở một số địa phương, cơ sở giáo dục mầm non độc lập hoạt động không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi về địa điểm, cơ sở vật chất và đội ngũ nên ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng hoạt động.
Cùng với đó, nhân lực quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập tư thục chưa bảo đảm dẫn đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động chưa hiệu quả. Các Phòng GD&ĐT chưa cụ thể việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện chuyên môn đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập cũng như việc chỉ đạo trường mầm non công lập hỗ trợ chuyên môn, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn. Đặc biệt, do dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã gây thiệt hại, khó khăn đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập, hoạt động không ổn định.
Đại diện Hiệp hội Giáo dục Mầm non ngoài công lập Việt Nam cho rằng, các địa phương cần tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, nhất là những cơ sở có quy mô nhỏ có điều kiện để hoạt động một cách tốt nhất. Trong đó, cần có các chương trình để quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên và quản lý của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh lưu ý, các ban, ngành các cấp của các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng của nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập. Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có các cơ sở giáo dục mầm non độc lập cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình; quan tâm bồi dưỡng năng lực cho cán bộ được phân công theo dõi, quản lý cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn.
“Các trường mầm non công lập cũng cần phát huy vai trò đỡ đầu, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở mầm non độc lập. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục bám sát các chính sách hiện hành của Chính phủ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các chính sách địa phương để hỗ trợ các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục mầm non độc lập, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của hệ thống cơ sở giáo dục mầm non độc lập”, bà Minh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu, các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non kịp thời triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngay khi có văn bản hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý, đối với các cơ sở giáo dục mầm non an toàn và sự phát triển toàn diện cho trẻ phải đặt lên hàng đầu. Muốn như vậy, phải nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của cha mẹ khi gửi trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập để trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình Giáo dục Mầm non, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.