THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:37

Năm Tý cà kê chuyện chuột

Chuột có giống chuột nhà, chuột đồng. Chuột nhà lại có chuột nhắt, chuột cống. Tục ngữ “Chuột bầy/ đàn đào không nên lỗ”, được “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) giải thích là đồng nghĩa với câu “Cha chung không ai khóc”. Tuy nhiên, “chuột bầy” hoặc “chuột đàn” ở đây là giống chuột nhắt (thành ngữ “Gan chuột nhắt”, hay “Bé như con chuột nhắt” ám chỉ kẻ hèn nhát, thân phận nhược tiểu, chính là nói đến loại chuột này).

Chuột nhắt sinh sống, kiếm ăn theo bầy. Chuột bầy sức vóc bé nhỏ, không đào hang mà mượn nơi kẽ tủ, góc rương, giá sách, mái tranh... làm tổ. Còn loại to khỏe như chuột cống ưa đi ăn mảnh mới tự đào hang nên còn gọi là chuột lỗ. Giống chuột lỗ to khỏe, táo tợn bắt cả gà, đến chó mèo cũng phải kiêng dè. “Chuột bầy đào không nên lỗ” chỉ những kẻ thấp kém bé nhỏ, dù đông đúc bằng mấy cũng chẳng làm nên chuyện gì; gần nghĩa với câu “Quần hồ bất như độc hổ” (Cáo bầy chẳng bằng hổ một).

Chuột lỗ đào hang cực khỏe. Chỉ sau một đêm hì hục trong sự im hơi lặng tiếng của chó mèo, chuột lỗ đã đùn ra hàng đống đất cát dưới gầm giường, xó buồng. Câu “Chuột già có ba cái hang” không có nghĩa một con chuột có tới ba cái hang riêng biệt ba nơi để ở, mà chỉ sự tinh quái của chúng. Khi đào hang, bao giờ chuột lỗ cũng trổ ra nhiều ngách, với nhiều cửa thông nhau, phòng khi có biến. Ngày lấp lại, đêm chúng lại đào ra. Có con đêm ngủ ngáy khò khò như thể chính nó mới là chủ nhân của ngôi nhà vậy. Nhưng đa phần chuột lỗ “xuất quỷ nhập thần”, “lai vô ảnh khứ vô hình”. Nhìn thấy dấu đất đào còn mới tinh cửa hang đó, nhưng chúng có trong hang hay không thì không chắc.

Để diệt chuột lỗ, người ta thường dùng cách hun khói. Thành ngữ “Hun như hun chuột” (người Thanh Hóa nói “Hầm như hầm chuột”) nghĩa đen xuất phát từ việc hun chuột phải kiên trì, bền bỉ, liên tục duy trì sức nóng và sự đậm đặc của khói lửa. Vì có thể khói mới lan ra như một làn sương mỏng, cộng với tiếng ồn ào, í ới là chuột lỗ đã bất ngờ “mở đường máu”, đội tung cả đám than trấu đang ngút khói để thoát thân. Nhưng có con cực gan lì và sức chịu đựng rất ghê gớm. Thành ngữ “Náu im như chuột” chỉ những con chuột bị truy đuổi đến bước đường cùng thì giả vờ treo mình, nằm im như thóc, dù có khua động thế nào nó cũng không chạy ra. Nhưng người ta vừa đi khỏi, là nó chạy vụt sang một nơi an toàn khác. Thế nên, đôi khi bị hun cả tiếng đồng hồ, nhưng chuột lỗ vẫn nín lặng như thể “đi đâu vắng nhà” vậy. Thành ngữ “Lờ đờ như chuột phải khói”, chỉ con chuột lỗ bước đường cùng phải bò ra ngoài trong tình trạng thiếu ô xy, lờ đờ lảo đảo như sắp chết, đâm quàng đâm xiên. Dị bản “Lù đù như chuột chù phải khói” nhấn mạnh hơn. Vì chuột chù vốn đã lù đù, chậm chạp, lại thêm “phải khói” nữa thì bộ dạng còn lù đù chậm chạp hơn nhiều.

Nói về sự gây hại của chuột thì không bút nào tả xiết.

Trong nhà thì từ đồ ăn thức uống, đến quần áo chăn màn, rương tủ... chúng đều cắn phá, không ăn thì cũng đạp đổ, làm cho ô uế; ở ngoài đồng thì chúng đánh chén từ khi mới bắt đầu gieo hạt cho đến lúc thu hoạch. Thành ngữ “Hoài hồng ngâm cho chuột vọc”, ý nói đồ ăn thức uống ngon quý mà bị chuột vọc vào thì coi như đành bỏ phí, giống như người con gái đẹp lấy phải thằng chồng chẳng ra gì.

Thành ngữ “Lý lắt/ lấm lét như chuột ngày”, nói lên sự kiêng dè, vụng trộm khi kiếm ăn ban ngày của lũ chuột. Nhưng đêm xuống, chúng ngang nhiên gậm kháo sồn sột, hết tranh giành chí chóe, lại rúc rích hú hí với nhau khiến người ta phát điên.

Người sống đã vậy, người chết cũng không yên với chuột! Chốn tôn nghiêm là bàn thờ tổ tiên, chúng leo lên, cỗ bàn đánh chén trước tiên, rồi đạp đổ, phóng uế... Cõi vĩnh hằng nơi mộ địa chúng cũng đào bới, đục khoét đến lộ cả tiểu sành...

Hàng ngàn năm qua, con người xem chuột là một thứ “giặc”. Nhưng tiêu diệt giống vật đa nghi, tinh quái này không dễ. Người ta chế ra trăm ngàn thứ bẫy bả để đánh chuột, nhưng chúng cũng tương kế tựu kế, tìm đủ cách để sinh tồn. Bởi vậy, đặt bẫy, dùng bả có khi chuột chẳng hề gì mà chó, mèo, gà, thậm chí là chính con người đã phải mất mạng. Còn đánh đuổi chuột thì lắm khi chuột chẳng chết mà chum vại, bát chén lại vỡ tan tành! Thế nên tục ngữ Việt Nam mới có câu “Ném chuột còn ghê chạn bát”; tục ngữ Hán cũng có câu “Đầu thử kỵ khí” (Ném chuột sợ vỡ đồ).

Nguyên thời Tây Hán, một lần Đại văn học gia Giả Nghị nói với Vua Cảnh Đế: “Tục ngữ có câu “Đầu thử kỵ khí”, ý nói một người cầm gậy muốn ném chuột, nhưng lại sợ làm vỡ đồ vật ở ngay bên cạnh con chuột. Có khi đánh chuột không thành mà lại làm vỡ đồ. 

Truyện Giả Nghị trong sách Hán thư còn cho biết, xưa có một phú ông đam mê đồ cổ và sưu tập được rất nhiều. Trong số đó, có một món đồ cực quý hiếm, nghệ thuật tinh mỹ, gọi là liễn ngọc (nguyên văn “ngọc vu”). Nhiều kẻ sưu tầm đồ cổ giàu có khác rất thèm muốn. Chiều tối một ngày nọ, bỗng có con chuột chui vào liễn ngọc tìm kiếm thức ăn. Phú ông nhìn thấy và vô cùng tức giận. Trong cơn thịnh nộ, ông cầm hòn đá ném mạnh khiến con chuột kia chết ngay tức khắc. Nhưng than ôi, chiếc bình ngọc quý của phú ông cũng vỡ tan tành. Lúc này, phú ông mới cảm thấy nuối tiếc và vô cùng hối hận bởi hành vi vội vàng, lỗ mãng của mình.

Ấy là cái thế khó khi tiêu diệt kẻ thù mà chúng luôn tìm cách nương náu, dựa dẫm, lẩn khuất vào chính những thứ mà mình đang cần bảo vệ.

Một trong những nguyên nhân khiến “giống chuột xưa nay vẫn sống đời” chính là khả năng sinh sản cực nhanh của chúng. Có lẽ bởi vậy mà tạo hóa đã phải sai phái một “dũng sĩ” bé nhỏ mà đầy nanh vuốt, ngày đêm rình rập để cân bằng sự sinh sản của chuột. Đó chính là mèo!

Ngạn ngữ Nga có câu “Đối với chuột thì không con thú nào mạnh hơn con mèo”. Quả vậy! Mèo là nỗi khiếp đảm của loài chuột.

Chuyện kể rằng, một hôm họ hàng nhà chuột họp bàn cách đối phó với mèo. Một con chuột nhắt hiến kế: “Sở dĩ chúng ta bị bắt là bởi không biết khi nào mèo đến gần. Bây giờ, hãy đeo cái chuông vào cổ mèo. Nó đi đến đâu chúng ta đều nghe thấy và sẽ dễ dàng lẩn trốn”. Lời đề nghị này được khen là diệu kế. Thế nhưng, một con chuột già đứng dậy nói: “Tốt lắm, vậy ai sẽ là người đeo chuông vào cổ mèo?”. Ngoài nghĩa bóng “nói thì dễ, làm mới khó”, câu chuyện còn cho thấy nỗi khiếp sợ và sự bất lực của chuột trước sức mạnh của mèo. Thế nên, tranh dân gian “Đám cưới chuột” (Việt Nam và Trung Quốc đều có) phản ánh một thực tế: Thay vì chống lại, cuối cùng loài chuột vẫn phải tìm cách lẩn trốn, quy phục, cống nạp cho mèo, bởi “Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo”! Câu này được từ điển của GS Nguyễn Lân giải thích: “Dù là kẻ thù nguy hiểm thế nào nếu mình có mưu mẹo, có phương tiện thì mình cũng thắng”. Tuy nhiên, “dễ” ở đây không phải “dễ dàng” (ngược lại với khó) mà có nghĩa là liệu có thể, khó có thể, chưa chắc, đâu dễ. Theo đó, dù nanh có sắc nhưng chuột cũng khó có thể cắn được cổ mèo.

Thực tế, mèo không bắt chuột cống, vì giống chuột này hôi hám, bẩn thỉu, không phải là món khoái khẩu của mèo. Hơn nữa, trong thế giới tự nhiên, khi các con thú ăn thịt đang còn sự lựa chọn thì không bao giờ chúng săn bắt, tấn công những đối tượng “xương xẩu”. Bởi vậy, khi thấy chuột cống thì mèo... làm ngơ! Nhưng không vì thế mà chuột cống không sợ mèo và có thể dễ dàng “cắn được cổ mèo” – con vật được mệnh danh là “tiểu hổ”, nhưng lại là thầy dạy võ cho hổ.

Tục ngữ Hán có câu “Lợn rừng ngàn năm vẫn là thức ăn của hổ” (Thiên niên đích dã trư lão hổ đích thực). Chuột với mèo thì cũng giống như lợn rừng đối với hổ mà thôi. Nghĩa là: Kẻ yếu hèn dù cố gắng bằng mấy cũng khó lòng địch nổi sức mạnh áp đảo của kẻ ở thế thượng phong; kẻ xấu xa dù có tìm mọi cách cũng không thắng nổi được sức mạnh của chính nghĩa.

HOÀNG TUẤN CÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh