CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:53

Năm học 2018 - 2019: Hà Nội tăng học phí tới trên 40%

 

Thông tin từ Hanoimoi.com.vn: Trình bày tờ trình về việc quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP. Hà Nội năm học 2018 - 2019, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, năm học 2017 - 2018, các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (trừ các cơ sở giáo dục chất lượng cao) thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND. Cụ thể, học sinh ở vùng thành thị thu 110.000 đồng/tháng; vùng nông thôn thu 55.000 đồng/tháng và khu vực miền núi thu 14.000 đồng/tháng. 
Với mức thu trên, tổng số thu từ học phí công lập cấp học mầm non và phổ thông của thành phố khoảng 675,351 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,3% trong tổng số chi (từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cấp và nguồn thu học phí); kinh phí ngân sách Nhà nước cấp chi theo định mức khoảng 7.426,241 tỷ đồng. Như vậy, nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng với ngân sách Nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập.
Mức thu học phí hiện nay ở mức thấp trong khung học phí theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, kinh phí còn lại (60% nguồn thu học phí) để chi phục vụ dạy và học là rất hạn hẹp.
So với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đồng bằng sông Hồng, mức thu học phí bình quân của TP. Hà Nội ở mức thấp nên chưa huy động được nguồn lực từ sự đóng góp của người dân cho giáo dục.
Căn cứ vào khung quy định của Chính phủ; bảo đảm nguyên tắc điều chỉnh tăng dần được quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND và phù hợp với khả năng đóng góp thực tế của người dân, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất mức thu cụ thể và được thông qua như sau:

 

 

Số tăng thu học phí (chênh lệch giữa mức thu học phí đề xuất năm học 2018 - 2019 với mức thu học phí năm học 2017 - 2018), một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại dành để chi sự nghiệp giáo dục hàng năm.
UBND TP cũng đánh giá, mức thu học phí đề xuất phù hợp với khả năng chi trả của người dân thành phố so với thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng. Với thu nhập hiện nay, việc tăng học phí năm học 2018 - 2019 làm tăng khả năng chi trả việc học khoảng 0,85% so với thu nhập bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng ở khu vực thành thị.

 

Bảng so sánh tăng học phí trong giai đoạn gần đây.


Tổng số thu học phí theo mức thu năm học 2018 - 2019 là 939,864 tỷ đồng, tăng 264,513 tỷ đồng so với năm học trước.

Tiền thu học phí chiếm tỷ lệ 11,3% tổng số chi hoạt động thường xuyên của đơn vị. Vì vậy, dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập vẫn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước.

"Việc điều chỉnh tăng mức thu học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương", ông Chử Xuân Dũng cho hay.

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh