THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:39

Hà Nội tăng học phí: Phụ huynh quan tâm đến chất lượng giáo dục

 

Tăng học phí sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh diện chính sách

Việc điều chỉnh tăng học phí sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương (riêng đối tượng nghèo và cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố).

 

Học phí tăng phải đồng nghĩa với chất lượng giáo dục tăng, cơ sở vật chất trường lớp được cải thiện.

 

Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, mức thu học phí hằng năm được điều chỉnh tăng với tốc độ phù hợp, dựa trên nguyên tắc theo lộ trình, chứ không phải đột ngột đề xuất tăng, không gây đột biến với phụ huynh học sinh. Việc tăng học phí được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND. Trong đó giao trách nhiệm UBND Thành phố trình HĐND Thành phố mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2017 - 2018 và các năm tiếp theo trên nguyên tắc học phí hằng năm sẽ được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định. Đến năm học 2020 - 2021, mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi.

Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định mức tăng học phí ở từng khu vực. Cụ thể: Thành phố: 110.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 80.000 đồng/tháng/học sinh); nông thôn: 55.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 40.000 đồng/tháng/học sinh); miền núi: 14.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 10.000 đồng/tháng/học sinh).

Sở GD&ĐT cho biết, dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Nguồn học phí tăng thêm sẽ hỗ trợ cùng ngân sách nhà nước để nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho giáo dục. Cùng với việc tăng học phí, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện công khai mức thu học phí theo năm học, khóa học; tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, quản lý chặt chẽ các khoản thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm của các trường; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.

 Tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng giảng dạy

Chị Nguyễn Như Hải có con đang học tại trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) chia sẻ, mức tăng học phí hiện nay cũng không đáng kể so với mức thu nhập của gia đình chị, nhưng việc chị Hải quan tâm là tăng học phí thì học sinh có được hưởng những cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp hay không, vì ngay từ đầu năm phụ huynh đã đóng hàng loạt các khoản tiền như: Điều hòa, máy chiếu, tiền quỹ lớp... "Tiền tăng học phí sẽ được dùng vào cơ sở vật chất hay là để tăng lương cho giáo viên? Việc này có giúp cho chất lượng giáo dục thay đổi hay không, hay tăng học phí rồi dẫn đến việc lãng phí cơ sở vật chất ở các trường công lập?”, chị nêu câu hỏi.

 

Ảnh minh họa.


“Việc tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng giảng dạy, tăng chất lượng giáo viên: “Học phí thì cứ tăng đều và có lộ trình, nhưng chương trình dạy thì không cải tiến nhiều. Nhiều trường, các môn học cần hỗ trợ đến phòng đọc, phòng thí nghiệm, bể bơi, sân bóng… nhưng do sĩ số quá đông mà học sinh không được tiếp cận nhiều. Học phí tăng đến đâu thì hãy cho phụ huynh thấy chất lượng tăng đến đó mới thuyết phục được”, một phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Ba Đình (TP. Hà Nội) cho hay.

Anh Trần Công Thành, Hàng Gà (TP. Hà Nội) cho rằng, việc tăng học phí tại các trường công lập hiện nay chỉ cải thiện được chương trình giảng dạy ở các môn như, tiếng Anh, ngoại khóa... chứ không mở thêm các cơ sở vật chất như bể bơi, sân bóng chuyền, các hoạt động thể dục thể thao để cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng trên lớp được thư giãn, như vậy chất lượng học tập sẽ hiệu quả hơn. Vì vậy, cần xem xét việc tăng học phí sao cho thuyết phục. “Tăng học phí, vậy chất lượng học tập có tăng theo không? Hiện nay các trường công lập chất lượng cao mới chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng chương trình giảng dạy”, anh Thành bày tỏ.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, học phí tại các trường ở Hà Nội so với các tỉnh thành khác là khá cao, thậm chí gấp đôi. Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, Hà Nội cần minh bạch cả về thu - chi lẫn chất lượng giảng dạy tại các trường công lập chất lượng cao. Các tiêu chí phải rõ ràng chứ không phải tận dụng cơ sở vật chất tốt hay tăng vài tiết dạy là được. Cần xem xét thấu đáo bối cảnh thu nhập của các gia đình hiện nay, chứ không thể trường công lập mà chỉ dành cho học sinh "con nhà giàu" theo học, như thế là bất bình đẳng.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh