THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:11

Nam Định cần tập trung phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao

Nam Định cần tập trung phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Nam Định trong phát triển GDNN tin tưởng và hy vọng tỉnh sẽ có kết quả tốt trong công tác này. Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho rằng, tỉnh Nam Định có nhiều lợi thế trong phát triển nguồn nhân lực, là một trong 10 tỉnh đông dân (1,8 triệu dân) và có truyền thống hiếu học nhất cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo rất cao 72%, nhận thức các cấp chính quyền về GDNN đã có thay đổi rõ rệt trong thời gian qua.Việc qui hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN được tỉnh triển khai rất quyết liệt. Tuy nhiên GDNN của Nam Định vẫn còn hạn chế, đào tạo nhân lực có tay nghề trình độ cao vẫn chưa đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại  hoá và hội nhập của tỉnh!

Về kế hoạch phát triển GDNN tỉnh Nam Định giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho rằng, một tỉnh có truyền thống hiếu học mà chỉ tập trung thu hút học sinh vào học nghề thuộc top "sức học thấp" là không ổn, "Đầu vào thấp thì đầu ra chất lượng cao sẽ không có" - Tổng cục trưởng nhấn mạnh. Vì vậy, tỉnh Nam Định cần đầu tư vào phát triển đào tạo nghề chất lượng cao. Trong đó tỉnh phải chú ý rà soát, xây dựng qui hoạch về GDNN cho phù hợp. Tỉnh cần xây dựng Chiến lược phát triển trường chất lượng cao với các trình độ và ngành nghề cụ thể, tiên tiến về quản trị, qui hoạch đất đai, phát triển đội ngũ, xây dựng các ngành nghề mới và tương lai... Ngoài ra tỉnh cần có cơ chế đầu tư tài chính và cơ chế chính sách để phát triển GDNN.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, trong giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh sẽ tập trung vào việc sắp xếp, qui hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDNN. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 38 cơ sở GDNN, trong đó có nhiều cơ sở các bộ, ngành. UBND tỉnh sẽ làm việc với các bộ, ngành về việc về định hướng phát triển các cơ sở GDNN này, còn đối với các cơ sở GDNN thuộc tỉnh thì chúng tôi phải chủ động phát triển để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể là phấn đấu xây dựng trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thành trường chất lượng cao. "Hiện này có nhiều doanh nghiệp muồn về tỉnh Nam Định đầu tư nhưng vẫn còn e ngại trình độ, tay nghề lao động trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được" ông Trần Lê Đoài chia sẻ.

Nam Định cần tập trung phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh 2.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại hội nghị.

Ông Hoàng Đức Trọng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định cho biết: Là một tỉnh nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong tốp 10 tỉnh có dân số đông nhất toàn quốc (khoảng 1,8 triệu người), Nam Định có lực lượng lao động khá dồi dào (chiếm khoảng 58,5% dân số) với tỷ lệ qua đào tạo đạt 72%. Nam Định là tỉnh có truyền thống hiếu học. Từ năm 2014 đến nay có 5 năm đứng đầu và 1 năm đứng thứ hai toàn quốc về điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tính đến năm 2019, cả tỉnh hiện có 47 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tăng 9 cơ sở so với năm 2011), gồm 6 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 14 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Sau khi thực hiện sáp nhập, tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở GDNN, gồm 6 trường Cao đẳng, 5 trường Trung cấp, 15 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Trong đó có 2 trường Cao đẳng, 2 trường Trung cấp công lập thuộc tỉnh quản lý.Theo thống kê hàng năm, học sinh sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%, mức lương bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng; cá biệt có những ngành nghề học sinh chưa nhận bằng tốt nghiệp, doanh nghiệp đã nhận vào làm việc (như nghề Hàn, May, Công nghệ ô tô...). Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được triển khai tích cực và đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ người lao động sau học nghề có việc làm ổn định đạt trên 85%, với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Công tác quản lý nhà nước chưa tập trung, manh mún dẫn đến giảm vai trò cơ quan quản lý nhà nước, (Như việc giao chỉ tiêu kế hoạch không có vai trò tham mưu của cơ quan chuyên môn là ngành LĐ-TB&XH dẫn đến tình trạng tuyển sinh đào tạo không phù hợp thị trường lao động, không cân đối giữa các cơ sở GDNN). Nhận thức của nhiều cấp uỷ, chính quyền, cơ sở GDNN, doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN, đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; tư tưởng coi trọng bằng cấp còn phổ biến trong xã hội. Công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THPT, THCS, thanh niên nhận thức rõ là vào đại học không phải là con đường duy nhất đảm bảo cuộc sống. Công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THPT, THCS, thanh niên nhận thức rõ là vào đại học không phải là con đường duy nhất đảm bảo cuộc sống; Mặc dù đã được quan tâm, nhưng việc thực hiện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học trình độ Trung cấp, Cao đẳng chưa hiệu quả...

Mục tiêu mà tỉnh Nam Định đề ra đến cuối năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ Sơ cấp, Trung cấp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT theo học trình độ Cao đẳng; Đến năm 2025: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ Sơ cấp, Trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT theo học trình độ Cao đẳng.

Nam Định cần tập trung phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao - Ảnh 4.

Học sinh thực hành nghề Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.

VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh