Năm 2020: Có trường đại học chỉ dành 40% tổng chỉ tiêu xét điểm Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:52 - 29/12/2019
Thông tin từ Laodong.vn cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến thực hiện trong năm 2020. Đáng chú ý, năm học 2020 - 2021, các trường đã giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm thi trung học phổ thông quốc gia, nghiêng về lựa chọn riêng, tự sử dụng các kỳ thi cũng như phương thức riêng.
Theo kế hoạch tuyển sinh dự kiến, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.Hồ Chí Minh điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi quốc gia xuống còn khoảng 40%. Đồng thời, tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực do Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức lên 40%.
Đại diện Trường Đại học Công nghệ thông tin TP.Hồ Chí Minh thông tin, năm 2020, trường dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi chung và dự kiến có thể tiếp tục giảm thêm 10% trong năm tới.
Còn PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến năm 2020, nhà trường sẽ dành khoảng 20-50% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức. "Việc tăng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức từ kết quả thi đánh giá năng lực là hướng đi chính của nhà trường trong tương lai", PGS.TS Bùi Hoài Thắng chia sẻ.
Ngoài việc đẩy mạnh việc tuyển sinh bằng phương án sử dụng điểm thi năng lực của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh ở nhiều tỉnh miền Nam, theo công bố của các trường thì năm học 2020-2021, một số phương án tuyển sinh khác như sử dụng học bạ, tổ hợp hỗn hợp các điểm thi, tuyển thí sinh người nước ngoài, học sinh Việt Nam tốt nghiệp tú tài quốc tế… cũng được sử dụng nhiều.
Nhìn vào phương thức tuyển sinh năm 2020 dự kiến của các trường đại học trên cả nước, trao đổi với phóng viên Cand.com.vn, TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Việc các trường đại học, đặc biệt là trường top đầu đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi trung học phổ thông là xu hướng phù hợp và cần thiết.
Sự lựa chọn này cũng dễ hiểu khi mà độ tin cậy của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đã ít nhiều bị giảm sút sau bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương trong năm 2018. Cũng theo ông Khuyến, lẽ ra các trường cần phải làm điều này sớm hơn vì Luật giáo dục đại học quy định rõ, các trường hoàn toàn được tự chủ lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình.
"Nhìn lại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia những năm qua cho thấy, kết quả của kỳ thi này có thể đạt được mục tiêu xét tuyển đại học đối với số đông các trường thuộc top giữa và top dưới. Với các trường top đầu, có thể chưa đạt được mục tiêu nên các trường này hoàn toàn có thể tổ chức thêm một kỳ thi phụ hoặc đa dạng các phương thức tuyển sinh để lựa chọn học sinh phù hợp.
Đã đến lúc các trường đai học có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh đại học phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, hạn chế dần sự phụ thuộc vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia" - ông Khuyến nhấn mạnh.