THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Khởi động Dự án phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Lễ ký kết hỗ trợ của KOICA đối với UNFPA để triển khai dự án tại Việt Nam. 

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, bà Lee Mi-kyung - Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cùng đại diện các bộ ban, ngành, tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam.

2,5 triệu USD phòng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Theo số liệu thống kê cho thấy, trên thế giới, cứ 3 phụ nữ lại có 1 người đã từng chịu bạo lực. Tại Việt Nam, khảo sát năm 2010 cho thấy có 58% phụ nữ từng bị bạo lực. Đáng chú ý, 87% trong số đó không tìm đến các dịch vụ hỗ trợ từ cộng đồng khi trở thành nạn nhân của bạo hành. Năm 2016, cả nước có hơn 1600 trường hợp phụ nữ và trẻ em gái bị lạm dụng tình dục. Trong đó có tới 84% nạn nhân là các bé gái. Năm 2016, có 600 phụ nữ và trẻ em gái đã trở thành nạn nhân của buôn bán người. Thống kê cũng cho thấy có tới 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên  các phương tiện giao thông công cộng.

Với tổng ngân sách 2.560.000 USD,  trong đó có 2.500.000 USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc, Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” sẽ được triển khai từ giai đoạn 2018 -2020.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định dự án là điểm nhấn trong hoạt hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH, KOICA và UNFPA. 

Theo đó, dự án sẽ xây dựng mô hình Trung tâm can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Quảng Ninh. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, người cung cấp dịch vụ để hỗ trợ nạn nhân bạo lực. Nâng cao nhận thức về ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại nơi công cộng, nơi làm việc, tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế và xã hội thông qua các chiến dịch truyền thông.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ  và trẻ em gái. Đặc biệt là việc triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 -15/12 hàng năm đã đem lại hiệu ứng tích cực, khoảng cách giới ngày càng thu hẹp hơn trong thực tế đời sống của cộng đồng, xã hội.

“Tuy nhiên công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các dịch vụ đạt chuẩn. Các hoạt động trợ giúp pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khỏe chưa thực sự hiệu quả. Định kiến giới vẫn tồn tại trong một bộ phận lớn người dân. Năng lực cán bộ làm công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái còn thấp” – Thứ trưởng cho hay.

 

Bà Lee Mi-kyung - Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) bày tỏ hy vọng phụ nữ và trẻ em gái sẽ có môi trường sống tốt nhất để phát triển.

 

Hướng tới xây dựng xã hội không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Tại Hội thảo, Chủ tịch KOICA Lee Mi-kyung,  nhấn mạnh, bạo lực trên cơ sở giới là thực trạng ở các quốc gia phát triển và đang phát triển, ảnh hưởng tới phụ nữ ở các thành phần kinh tế, xã hội khác nhau, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ đối với những cá nhân, nạn nhân bị bạo lực mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia.

 

Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam hy vọng dự án góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam hạnh phúc hơn.

 

Bà Lee Mi-kyung bày tỏ mong muốn thời gian tới phụ nữ và trẻ em gái được sống trong môi trường văn minh và tốt nhất để phát triển những khả năng vốn có của mình. “Hy vọng thông qua dự án sẽ giảm được bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, hai quốc gia sẽ cùng ngăn ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” – bà Lee Mi –Kyung nhấn mạnh.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Astrid Bant cho rằng, với những nỗ lực hành động của Chính phủ và sự chung tay của các đối tác phát triển khác nhiều chương trình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đã được xây dựng, triển khai, tuy nhiên vẫn cần những nỗ lực hơn nữa để các nạn nhân bị bạo lực giới tiếp cận được những dịch vụ hỗ trợ cần thiết.  “Mong rằng, thông qua Dự án, dựa trên các bằng chứng và kết quả đã đạt được từ giai đoạn trước đây chúng ta sẽ tiếp tục giải quyết những thách thức trong công tác phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới, bạo lực gia đình, hướng tới một xã hội Việt Nam hạnh phúc, bền vững và an toàn cho tất cả mọi người”- bà Astrid Bant nói.

Tại đây, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, việc khởi động dự án này là "điểm nhấn" trong quan hệ của Bộ LĐ-TB&XH, KOICA, UNFPA hướng đến mục tiêu chung: một xã hội không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh