Năm 2017: Tập trung trọng điểm giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công
- Người có công
- 05:11 - 09/01/2017
Còn khoảng 4.500 hồ sơ tồn đọng, chờ xác minh công nhận
“Vì sao chỉ có thể nói là giải quyết “cơ bản”, vì số hồ sơ tồn đọng còn nhiều lắm, không giải quyết được. Còn khoảng 4.500 hồ sơ thương binh liệt sĩ đang tồn đọng, mà để giải quyết 1 hồ sơ không phải 1 ngày, 2 ngày. Có những hồ sơ hàng năm không giải quyết nổi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bên cạnh đó là 13.000 hồ sơ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang chờ để xử lý; hàng vạn hồ sơ người hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cần quy trình xác minh, công nhận.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kính cẩn di chuyển hài cốt các liệt sỹ về Nghĩa trang huyện Bá Thước, Thanh Hóa
Ngay từ khi vừa về Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần có cách làm mới trong việc xử lý hàng chục ngàn trường hợp người có công với cách mạng còn tồn đọng nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, đồng thuận xã hội; cần phải sớm tìm ra cách giải quyết, không để duy trì quá lâu, ảnh hưởng tới đối tượng được hưởng và chính sách Đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước.
Do đó, trong năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung hoàn thiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Bộ đã thí điểm áp dụng hướng xử lý hồ sơ đề nghị công nhận người có công, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sỹ còn tồn đọng hàng chục năm qua theo “quy trình thí điểm giải quyết theo từng tình huống” ở 5 tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An....
“Việc thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 tỉnh này đã xác nhận được 77 liệt sĩ và 20 thương binh, mà những cái đó bao nhiêu năm rồi đút trong ngăn kéo, day dứt lắm chứ", Bộ trưởng trăn trở.
Cùng với đó, Bộ trưởng cho biết, thực ra, những người có đủ hồ sơ chúng ta đã giải quyết hết rồi, đây là những trường hợp thất lạc hồ sơ, không có hồ sơ, không có nhân chứng... Những trường hợp này rất phức tạp, chúng ta phải quyết liệt, nhưng đòi hỏi phải thận trọng, không cho phép sai, cẩu thả.
Cuối năm 2016, thêm một số tỉnh, thành xin Bộ LĐ-TB&XH mô hình này để áp dụng.
Đây được coi là bước đột phá, táo bạo, gỡ khó kịp thời trong giải quyết hồ sơ tồn đọng, đáp ứng lòng mong mỏi không của riêng các gia đình người có công mà được dư luận đánh giá cao. Đây thực sự là bước đột phá nền tảng cho năm 2017.
Số hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh: cố gắng xong trước Tết âm lịch
“Toàn ngành phải nỗ lực giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng người có công năm 2017. Năm 2016 đã có nền tảng xử lý hồ sơ người có công tồn đọng thí điểm tại 5 tỉnh rồi. Từ nay đến Tết phải giải quyết xong 5 tỉnh này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo tổng tư lệnh ngành, số hồ sơ tồn đọng qua làm thí điểm tại 5 tỉnh kể trên phải được tiến hành làm xong trước tết âm lịch. “Tôi sẽ chấp nhận phê duyệt số hồ sơ đó, nhanh chóng trao lại cho 5 tỉnh, để họ công nhận hồ sơ thương binh, liệt sĩ. Kịp đến từng gia đình người có công trước Tết nguyên đán Đinh Dậu, coi đây là món quà để họ được hưởng niềm vui đón Tết trọn vẹn".
"Cố gắng phải làm xong trong tuần tới, trước ngày 15/1/2017. Phải phấn đấu làm sao năm 2017, giải quyết cơ bản số lượng hồ sơ tồn đọng”. Bộ trưởng thể hiện quyết tâm.
Năm 2017, cả nước Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, khởi nguồn từ lá thư Bác Hồ gửi Ban thường trực Ban tổ chức ngày thương binh, ghi nhận sự ra đời Ngày thương binh toàn quốc 27/7/1947. Với Bộ LĐ -TB&XH sẽ là năm Đền ơn đáp nghĩa, vì thế với các hồ sơ đề nghị công nhận thương binh - liệt sỹ còn tồn đọng, toàn ngành phải nỗ lực giải quyết cơ bản.
Được biết, Chính phủ sẽ có kế hoạch nhằm thực hiện 70 năm ngày thương binh liệt sĩ và sẽ tổ chức kỷ niệm cấp quốc gia.
“Do đó, có thể nói rằng, từ chủ đề của năm, toàn ngành phải tạo ra sự chuyển biến thật sự trong toàn xã hội, để tri ân với người có công với cách mạng, với đất nước”- tại Hội nghị tổng kết năm 2016, phương hướng năm 2017 của Thanh tra Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo nhiệm vụ này.
Để chuẩn bị cho một năm với chủ đề xuyên suốt là năm đền ơn đáp nghĩa, ngay trong quý I, ngành LĐ-TB&XH đã “xắn tay” tập trung rà soát ,đánh giá lại thực trạng những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hoá học, và con cái của họ mà chưa được hưởng chế độ chính sách. Và theo yêu cầu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, kết quả khảo sát rà soát phải xong trước ngày 30/3/2017.
“Nếu chúng ta giải quyết được cơ bản việc này, coi đây là một dấu ấn trong năm mới. Có thể coi năm 2017 với Bộ LĐ-TB&XH là năm “tổng lực” về người có công”, Bộ trưởng nói.