THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:14

Năm 2016: Tai nạn giao thông giảm nhẹ ở cả ba tiêu chí

 

So với năm 2015, TNGT đường bộ giảm 1.232 vụ (-5,52%), giảm 18 người chết (-0,21%), giảm 1.780 người bị thương (-8,55%). Hầu hết các địa phương TNGT đường bộ đều giảm trên cả 03 tiêu chí. Tuy nhiên, vẫn xảy ra 62 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 196 người, bị thương 222 người.

Trên các tuyến giao thông đường sắt xảy ra 360 vụ TNGT, làm chết 191 người, bị thương 229 người. So với năm 2015, giảm 45 vụ (-11,11%), giảm 27 người chết (-12,38%), giảm 10 người bị thương (-4,18%). Xảy ra 01 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, làm chết 06 người, bị thương 01 người.

 Đường thủy nội địa xảy ra 114 vụ TNGT, làm chết 72 người, bị thương 16 người. So với năm 2015, tăng 18 vụ (+18,75%), giảm 02 người chết (-2,7%), tăng 01 người bị thương (+6,66%). Đường thủy nội địa xảy ra 07 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 17 người, thiệt hại về tài sản hàng trăm tỷ đồng.

Qua phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, cho thấy TNGT đường bộ chủ yếu xuất phát từ các lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) dẫn đến TNGT như đi không đúng làn đường, phần đường quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, chạy quá tốc độ, chuyển hướng không đúng quy định. Bên cạnh đó, các lỗi không nhường đường, vượt xe sai quy định, sử dụng rượu bia cũng chiếm tỉ lệ đáng kể.

 40% số vụ TNGT xảy ra vào khoảng thời gian từ 18h đến 24h, đây là khoảng thời gian người điều khiển phương tiện bị tác động tâm lý muốn nhanh chóng trở về với gia đình, sự mệt mỏi, căng thẳng sau một ngày làm việc, sự chênh lệch về nhiệt độ, ánh sáng giữa ngày và đêm (đặc biệt đối với phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa…). Điều đó cho thấy cần phải nghiên cứu về yếu tố này trong việc xem xét việc điều khiển phương tiện của người lái xe chứ không chỉ ở tăng số lượng và thay người điều khiển phương tiện.

 

 

 Mô tô, xe máy là loại phương tiện chủ yếu trong các vụ tai nạn khi chiếm tới 66,7%. Trong đó có rất nhiều mô tô, xe máy cũ hoặc không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn. Hiện nay, số lượng mô tô, xe máy chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trong cả nước, do nhiều ưu điểm như cơ động, linh hoạt, phù hợp điều kiện kinh tế của đa phần người dân. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy còn chưa cao. Vì vậy vấn đề tai nạn liên quan đến mô tô, xe máy đang là vấn đề rất báo động.

 Tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu vẫn là các tuyến quốc lộ (36%) và nội thị (34%). Đây là các tuyến đường có mật độ dân cư đông đúc, người và phương tiện tham gia giao thông đa dạng với mật độ cao, đặc điểm đường giao cắt nhiều, phương tiện lưu thông hỗn hợp dễ xảy ra va chạm, khá phức tạp trong bảo đảm TTATGT.

 Trong những năm gần đây, việc đưa vào vận hành, khai thác các tuyến đường cao tốc ở nước ta đã góp phần thay đổi bộ mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại những vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình lưu thông đã xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc. Do vậy, để đảm bảo an toàn, phòng ngừa TNGT xảy ra cần phải nghiên cứu, đầu tư, xây dựng các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông trên các tuyến đường cao tốc. Đặc biệt là hoạt động tuyên truyền pháp luật TTATGT cũng như những quy định, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết khi tham gia giao thông trên đường cao tốc.

Tỷ lệ thương vong TNGT chủ yếu đều trong độ tuổi lao động và có đến 85% số vụ TNGT nguyên nhân bắt nguồn từ nam giới gây thiệt hại to lớn về người và tài sản. Gia đình mất đi một trụ cột, xã hội còn mất đi những bàn tay lao động, những người đang từng ngày ra sức xây dựng Tổ quốc. Nguyên nhân xuất phát là do người ở độ tuổi lao động một mặt thường xuyên tham gia giao thông phục vụ nhu cầu bản thân và công việc một mặt do người tham gia giao thông ở lứa tuổi này thường có tâm lý chủ quan, thiếu ý thức chấp hành pháp luật bảo đảm TTATGT.

Trong năm 2016, TNGT tuy có giảm nhưng thiếu bền vững, thiệt hại do TNGT gây ra vẫn còn lớn và nghiêm trọng, trong đó xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ và đường thủy nội địa, gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông ở các khu đô thị đông dân cư, các tuyến quốc lộ trọng điểm đã từng bước được khắc phục, hạn chế, song vẫn đang là vấn đề thường trực, đe dọa nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn. Nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp; công tác tổ chức giao thông chưa phù hợp; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn phần hạn chế… Đặc biệt việc thi công, xây dựng mới các công trình giao thông vừa kéo dài, vừa chiếm diện tích mặt đường lớn, tổ chức giao thông kém đã ảnh hưởng lớn đến TTATGT, cảnh quan và môi trường đô thị. Năm 2016, toàn quốc đã xảy ra 41 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài trên 01h.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian tới, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tập trung các hành vi vi phạm về làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ, sử dụng nồng độ cồn khi tham gia giao thông; đẩy mạnh việc đảm bảo TTATGT tại khu vực đông dân cư; thực hiện chiến dịch kêu gọi không sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện….

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đẩy mạnh phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, góp phần cải thiện tình hình trật tự an toàn giao thông, hướng tới giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh