CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:01

Na Chi Lăng: 'Kỳ tích' trên ải biên cương

 

Hằng năm, vào vụ thu hoạch, những hộ gia đình có vườn na đều thu được từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Nhờ đó, hầu hết các hộ dân tộc trồng na thoát cảnh đói nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu dựa vào nguồn thu nhập từ cây na.

Bén duyên trên núi đá

Đầu mùa thu hoạch, những sọt na chất đầy có ngọn trên vai, trên xe thồ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ Chi Lăng, Hữu Lũng, Cai Kinh, Hòa Lộc... đổ về Đồng Bành, chợ nông sản chuyên về na lớn nhất cả nước. Mỗi ngày chợ xuất đi hàng trăm tấn na. Vừa cân na giao cho lái buôn xong, ông Hoàng Văn Dân, dân tộc Nùng ở xã Chi Lăng cho biết: “Nhà tôi có hơn 200 gốc na, trung bình mỗi ngày thu hoạch 60 - 80kg. Cứ chở ra chợ này là có lái buôn mua xuất đi Trung Quốc”.

Cây na được trồng ở Chi Lăng từ những năm 1980 và phát triển mạnh từ những năm 2000 trở lại đây. Theo Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Đinh Hữu Học, diện tích trồng na của huyện Chi Lăng đạt trên 1.500ha. Ngoài ra, tại một số xã của huyện Hữu Lũng, cây na cũng đang phát triển mạnh, từ đó hình thành vùng sản xuất na của Lạng Sơn đạt trên 2.700 ha với sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm, cho doanh thu tương đương gần 1.000 tỷ đồng/năm.

 

Những hộ gia đình có vườn na ở Chi Lăng đều thu được từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

 

Hiện tại, khoảng 80% na Lạng Sơn được tư thương mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Na đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo trong suốt nhiều năm qua.

Mọi người không chỉ ấn tượng với những trái na to, ngon, cùi dày, vị ngọt, mà còn bởi cách thu hái của đồng bào vùng ải Chi Lăng. Để vận chuyển na từ những đỉnh núi đá, người dân đã tạo ra những chiếc ròng rọc chạy xuống tận chân núi. Chính vì na được thu hái theo cách đặc biệt như thế, nên nhiều người ví von rằng lên Lạng Sơn được ăn na… đu dây. Thậm chí, nhiều hộ dân đã góp tiền làm những ròng rọc dài tới cây số để đưa na về tận nhà, bảo đảm trái na được vận chuyển đi tiêu thụ nhanh chóng mà không bị dập, nát.

Về Thôn Lăng Đồn, xã Chi Lăng có phần lớn bà con là đồng bào dân tộc Tày, Nùng… Cuộc sống của người dân trước đây chỉ gắn với trồng cây lúa, cây ngô nên rất khó khăn, một số hộ phải di cư vào Nam tìm kế sinh nhai. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, một số cụ cao tuổi ở các thôn Minh Hòa, Minh Khai có dịp về Hoài Đức (Hà Tây cũ) thăm anh em, bạn bè, mang cây na về trồng thử trên những sườn núi đá vôi, thung lũng khô cằn nơi đây.

Vậy mà, ai ngờ, cây na lại bén “duyên” với vùng đất này. Trưởng thôn Lăng Đồn Hoàng Văn Dự cho biết: “Hiện Lăng Đồn có 70 hộ gia đình, hầu hết đều có vườn na trên núi đá vôi, mỗi hộ trồng từ 0,5 – 5 ha. Mỗi ha cho thu nhập bình quân hơn 250 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô… Vụ na năm nay, do nắng hạn đầu vụ kéo dài, lại gặp mưa bão nên quả nhỏ hơn, giá thấp hơn nhưng mỗi hộ dân trong thôn cũng đều có thu nhập bình quân từ 300 - 500 triệu đồng, một số hộ thu hơn tỷ đồng…”.

Nhờ có cây na, đời sống của bà con trong thôn đã đổi thay rất nhiều, thôn không còn hộ đói, nghèo, nhiều hộ xây được nhà kiên cố, mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất như máy cày, ô tô…

Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Hoàng Văn Khai phấn khởi: Những năm qua, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chú trọng phát triển cây na dai, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh nên năng suất, chất lượng na dai Chi Lăng ngày càng cao, trở thành mặt hàng được nhiều người biết đến. Vì vậy, người dân không ngừng mở rộng diện tích trồng cây na trên dãy núi đá vôi, thung lũng…

Hiện nay, diện tích na trên toàn xã đã lên tới hơn 500 ha, mỗi năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng, đời sống của bà con không ngừng nâng cao. Nhờ có cuộc sống ổn định, bà con các dân tộc trong xã đã đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới.

Chỉ trong hơn 3 năm qua, người dân trong xã đã đóng góp hơn 30 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng, đường, trường học, nhà văn hóa… Xã Chi Lăng đã được công nhận là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014.

 

Khoảng 80% na Lạng Sơn được tư thương mua xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

Nói về tiềm năng, thế mạnh từ phát triển cây na dai, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Đinh Hữu Học vui vẻ cho biết: Là huyện thuần nông, đời sống bà con nông dân trước đây vẫn trông chờ vào cây lúa, cây ngô… Những năm gần đây, huyện đã tích cực đẩy mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nên đời sống của bà con đã bắt đầu khấm khá. Đáng chú ý, cây na dai hiện nay đã được khẳng định là một trong những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây na được bà con các dân tộc thuộc 5 xã và thị trấn dọc theo quốc lộ 1A nằm trong vùng ải Chi Lăng trồng. Đó là: thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng, xã Chi Lăng, Quang Lang và Mai Sao của huyện Chi Lăng. Tổng diện tích trồng na đến nay đã hơn 1.200 ha, với sản lượng năm nay đạt hơn 8.000 tấn quả, trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung...

Để nhân rộng mô hình, hằng năm huyện Chi Lăng đều tổ chức hội thi na, để tuyển chọn, cũng như trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ nông dân, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng quả na. Năm 2013, quả na dai Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố quyết định và trao nhãn hiệu chứng nhận: “Na Chi Lăng”. Với lợi thế đó, cây na dai Chi Lăng đang từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường, trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn của tỉnh.

Tìm hướng xuất khẩu

Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Đinh Hữu Học cho biết, từ năm 2014, huyện đã vận động, hỗ trợ nhân dân sản xuất na an toàn và được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Toàn huyện đã thành lập 25 tổ hợp tác sản xuất na. Bên cạnh đó, từ những ngày đầu năm 2018 lãnh đạo huyện đã trực tiếp tổ chức gặp gỡ, mời doanh nghiệp xuống tận vườn na. Huyện cũng hỗ trợ các hộ trồng na 5.000 hộp bẫy bắt ruồi chống đục quả.

“Tại Ngày hội Na Chi Lăng lần thứ hai tới đây, chúng tôi cũng đã tổ chức chuỗi sự kiện để giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm như diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ rau, quả; hội thảo khoa học phát triển bền vững vùng sản xuất na an toàn trên địa bàn huyện Chi Lăng năm 2018…”, ông Học cho hay.

Để duy trì diện tích và tăng năng suất, sản lượng na đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, UBND huyện đã phối hợp với Sở KH - CN Lạng Sơn, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương triển khai nhiều đề tài nghiên cứu phục tráng, phát triển, phòng trừ sâu bệnh, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và kéo dài thời vụ giống cây na. Kết quả, đến nay đã có 1/4 diện tích cây na ra quả trái vụ, với giá bán bình quân từ 60.000 – 80.000 đồng/kg, cao gấp đôi na chính vụ.

Ông Học khẳng định: Việc kết nối 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý) rất quan trọng trong phát triển cây na bền vững. Chính vì vậy, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung tổ chức xúc tiến thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng.

Đặc biệt, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức điểm kết nối giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ na Chi Lăng tại Hà Nội. Chi Lăng cũng sẽ tập trung phát triển, mở rộng diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để hướng tới xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia; tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để đầu tư nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch cũng như tiến tới công nghệ chế biến sản phẩm từ quả na.

Với những giải pháp đồng bộ, sự chỉ đạo của huyện ủy và UBND huyên Chi Lăng và quan trong nhất là nhận thức của bà con nông dân thì cây na: “Cây nông thôn mới”, “vàng đen” sẽ tạo ra kỳ tích trên ải biên cương.

P. V (Theo VoV.vn)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh