CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:05

Nghệ An: Thoát nghèo nhờ cây chanh leo

 

Những vườn chanh leo trĩu quả đã góp phần xóa đói giảm nghèo tại vùng đất khó tính này.

Năm 2010, chanh leo bắt đầu được trồng ở Tri Lễ, đến nay huyện Quế Phong có 153 ha chanh leo và chứng minh được hiệu quả kinh tế khi cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích.

Anh Vi Văn Sơn, ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ, đang thu hoạch những quả chín và tiếp tục vun trồng chăm sóc cây. Thấy chúng tôi, anh dừng việc đưa tay quệt mồ hôi trán, cười: “Chanh năm nay bị bệnh khá nhiều, nhưng thu hoạch từ đầu vụ đến giờ cũng tạm ổn anh ạ. Năm nay được giá 18000/kg, từ đầu vụ đến giờ nhà em cũng thu hoạch được hơn 10 tấn rồi”.

Trước đây gia đình anh Vi Văn Sơn vô cùng vất vả. Sau khi học hết cấp ba, anh cưới vợ. Hai vợ chồng không có công ăn việc làm. Ruộng lúa nước rất ít, chỉ có một vài khoảnh dọc bờ khe tự khai hoang. Quanh năm thiếu ăn. Sau khi cưới vợ lại sinh thêm hai con nhỏ nên cuộc sống càng vất vả hơn. Năm 2012, sau khi cây chanh leo vào Tri Lễ, cho hiệu quả kinh tế. Gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư, đến nay đã có 5,4ha chanh leo. Trừ đi chi phí đầu tư và dịch bệnh hàng năm gia đình anh còn thu về trên hai trăm triệu đồng. “Trước đây không biết trồng chi cho đủ ăn. Hàng ngày vào rừng kiếm ăn qua ngày. Cơm cũng không đủ cho con ăn. Sau này trồng chanh leo thì cuộc sống khá hơn. Thời gian đầu chủ yếu trả nợ ngân hàng, chỉ lời được ít. Giờ thì ổn định hơn”, anh Sơn tâm sự.

Những vườn chanh leo của gia đình anh Vi Văn Sơn, không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu,

Anh Lữ Văn Cương, Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ, người dẫn đường chúng tôi đi thăm các vườn chanh leo cho biết: “Đất ở đây khó canh tác lắm, mới nắng chút đã khô, mưa xuống là nhão, chẳng giữ được nước nên việc canh tác các loại cây thực sự rất khó khăn. Trước đây, ngoài diện tích ngô, lúa rẫy thì chỉ có thể trồng thêm cây keo, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Một số diện tích thì hoang hóa. Năm 2010, hướng mở thoát nghèo từ chanh leo đã hé lộ. Nhiều gia đình đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư. Nhờ đảm bảo kỹ thuật, vườn chanh leo của các gia đình đã phát triển khỏe mạnh cho năng suất cao”.

Tri Lễ là nơi định cư chủ yếu của bà con dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông. Cuộc sống còn khó khăn bởi điều kiện thổ nhưỡng cũng như trình độ của bà con đồng bào còn hạn chế. Những năm qua, nhờ có nhiều đề án phát triển trồng trọt và chăn nuôi mà tình hình kinh tế ở địa phương đã có nhiều thay đổi. Trong đó, cây chanh leo được xem là cây trồng kinh tế mũi nhọn, góp phần không nhỏ trong việc xóa đói, giảm nghèo, đem lại cơm no, áo ấm cho đồng bào. Ngoài gia đình anh Sơn các gia đình khác như gia đình anh Hà Văn Nam(bản Yên Sơn), gia đình anh Lộc Văn Bảy, Lộc Văn Chín, Lương Văn Sáng(bản Xan)… có kinh tế khá giả nhờ chanh leo.

Gia đình anh Lộc Văn Chín, ở bản Xan, có hai người con hiện đang học cấp 2 và cấp 3. Trước đây kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Cái ăn không đủ chứ chưa nói đến việc cho con đi học. Từ khi gia đình anh mạnh dạn vay vốn đầu tư vào cây chanh leo, không những không còn thiếu ăn thiếu mặc mà còn vươn lên làm giàu, anh Chín cho biết: “Trước đây không có gạo ăn vì ruộng ít lắm, đất thì không trồng được cây chi. Quanh năm đói ăn, nói chi làm nhà. Từ khi trồng chanh leo thì mới có ăn, mấy vụ đầu thì cũng hòa vốn, sau này có kinh nghiệm hơn nên cũng thu nhập được. Có tiền sửa nhà, cho con đi học. Giờ chỉ mong, cây không bị bệnh là ổn, mỗi năm cũng cho thu nhập hơn một trăm triệu”.

 

Nhiều du khách thích thú khi trực tiếp đến thăm và mua chanh leo về dùng.

Những năm gần đây tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng từ 80% hộ nghèo năm 2017 xuống còn 63% thời điểm hiện tại. Do đó, chỉ từ 2 ha trồng thí điểm vào năm 2010, đến nay toàn xã có tổng diện tích là 153 ha, trong đó có 34 ha của nhà máy, còn lại được trồng trong dân do 120 hộ đảm nhận. Tính ra, mỗi ha chanh leo đầu tư hết tổng 100 triệu đồng thì thu về trên dưới 300 triệu đồng.

Có thể thấy, về hiệu quả kinh tế thì cây chanh leo cho thu nhập lớn hơn so với nhiều loại cây trồng của Quế Phong trên cùng đơn vị diện tích. Đây được xem là hướng làm giàu bền vững cho người dân. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy đây là loại cây “khó tính”, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật.

Ông Lữ Đình Thi, Bí thư huyện ủy Quế Phong, cho biết: “Về chanh leo thì nhiều năm nay, huyện cũng xác đinh là loại cây trồng mũi nhọn để xóa đói giảm nghèo. Là loại cây hợp với thổ nhưỡng. Nhiều năm nay, nhiều diện tích hoang hóa đã được cây chanh leo phủ kín và cho hiệu quả kinh tế. Hiện nay đã xuất hiện bệnh, nhiều diện tích chanh leo bị chết, huyện cũng đang nghiên cứu để có phương án phòng trừ”.

Từ hai năm nay, nhiều diện tích chanh leo trồng mới của người dân xuất hiện tình trạng nhiễm bệnh và bị chết hàng loạt. Tổng số diện tích bị thiệt hại ước tính gần 6 ha. Số diện tích bị bệnh được xác định là nhiễm virus do nhện và bọ trĩ tấn công gây ảnh hưởng lớn đến cây trồng. Cơ quan chức năng huyện Quế Phong và tỉnh Nghệ An, cần nhanh chóng vào cuộc để có phương án phòng trừ sâu bệnh, để bà con tiếp tục phát triển cây chanh leo để xóa đói giảm nghèo.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh