THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:15

Nhiều gương thoát nghèo điển hình ở Đắk Lắk

 

Ông Nguyễn Trường Trung kể lại câu chuyện thoát nghèo của mình, "Nhờ được vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng, tôi đã mua 500 con gà giống kết quả sau 4 tháng đầu, đàn gà cho tổng thu nhập được 60 triệu đồng, trừ chi phí ra lợi nhuận được 25 triệu đồng, trong 2 năm đầu tôi đã nuôi 6 đợt gà trừ chi phí ra gia đình đã được lãi 150 triệu đồng”. Từ nguồn lãi nuôi gà, gia đình ông Trung mở rộng tăng gia làm kinh tế thêm. “Tôi mua mới 3ha đất để trồng mía, cuối năm 2017 tổng sản lượng thu được bình quân 80 tấn/ha. Gia đình chúng tôi thoát nghèo, cố gắng phát triển bằng lao động sản xuất, cũng nhờ Nhà nước đã hỗ trợ ưu đãi kịp thời cho những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo” – ông Trung chia sẻ thêm.


Đàn bò thoát nghèo của gia đình ông Y Kur Bya

 

Gia đình ông Y Kur Bya (buôn M’lốc B, xã Krông Jing, huyện M’đrắk) tâm sự: “Tôi nhận các chế độ hộ nghèo từ năm 2015 – 2017, chúng tôi đã vay được 30 triệu đồng lãi suất thấp, tôi đã mua 2 con bò cái sinh sản. Đến nay, đàn bò của tôi đã trưởng thành được 5 con đến cuối năm 2018 cho thêm một con nữa và phát triển tốt. Ngoài ra, chúng tôi còn được hỗ trợ về vốn sản xuất, về giống cây và một số chế độ chính sách khác giúp gia đình dần ổn định  kinh tế".

Đến buôn Huk, hỏi nhà bà H’Bop hầu như ai cũng biết bởi những việc làm cao cả giúp thôn buôn ngày càng giảm số hộ nghèo. Bà H Bop Ayun (40 tuổi, trú tại buôn Húk A, xã Cư M’gar) là người dân tộc Ê Đê sống độc thân. Bà chia sẻ: "Nhà nghèo không có đất sản xuất nên tôi vẫn ở vậy cho đến tận bây giờ vì không có tiền hỏi chồng. Hiện tại tôi sống cùng mẹ già gần 80 tuổi và vợ chồng đứa cháu gái. Tôi từng sống trong những tháng ngày cơ cực, không đủ trang trãi cuộc sống hằng ngày khi tất cả mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ trông chờ vào vài sào rẫy cà phê. Phần vì diện tích đất nhỏ, lại không có vốn đầu tư chăm sóc cứ đến mùa thu hoạch, cà phê năng suất rất thấp, cứ thế bị cái nghèo, cái đói bám riết".

 

 Bà H’Bop làm giàu từ mô hình nuôi dê


Năm 2009, gia đình bà H’Bop được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’Gar tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi cho vay số tiền 5 triệu đồng. Bà bắt đầu dùng số tiền này mua 1 cặp dê sinh sản, còn lại dùng để mua phân bón cho cây cà phê. Bà H Bop cho biết: “Thời điểm đấy, số tiền 5 triệu đồng đối với tôi là rất lớn. Cầm tiền trong tay tôi quyết định thử sức nuôi dê như những chị em phụ nữ khác được Hội phụ nữ huyện tư vấn”. Có cặp dê giống, hằng ngày bà H’ Bop chăm chỉ chịu khó tìm tòi học hỏi các cách nuôi dê sinh sản từ sách, báo. Bên cạnh đó, tham dự các lớp tập huấn do Hội Phụ nữ huyện tổ chức chỉ khoảng 2 năm gia đình bà H’Bop đã thoát nghèo. Sau khi trả ngân hàng số tiền vay ban đầu, bà tiếp tục mạnh dạn vay số tiền lớn hơn là 20 triệu đồng để mua thêm dê giống và mở rộng chuồng trại. Hiện tại, trừ tất cả các chi phí khác, mỗi năm gia đình chị còn dư lại trên 30 triệu đồng.

Không dừng lại ở việc thoát nghèo, bà H’Bop còn cho mượn dê giống sinh sản, với phương thức mỗi năm chia đôi số dê con đẻ ra. Cứ thế hàng năm, bà giúp đỡ số chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn  tăng dần lên. Không kể gần xa, có hộ tận thị trấn Ea Pốk cách nhà bà H’Bop hơn chục cây số cũng được bà giúp đỡ. Bà H’Blanh Niê (ngụ tại buôn Húk B) - một trong những hộ nghèo được bà H’Bop giúp đỡ đến nay kinh tế đã có sự tiến triển chia sẻ: "Gia đình tôi mang ơn chị H’Bop nhiều lắm. Nhà tôi kinh tế rất khó khăn lại đông con, chồng tôi là trụ cột chính mà sức khỏe không tốt nên không thể làm nông và các việc nặng. Được chị H’Bop giúp đỡ, tôi rất cảm ơn". 

 

 Ruộng mía nhà ông Trung sau mùa thu hoạch

 

  Chị Hồ Thị Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Cư M’gar cho biết: “Bà H’Bop Niê là một cán bộ cơ sở nhiệt tình, năng nổ, đã trải qua nhiều cương vị như: Cán bộ công tác Khuyến nông, Trưởng ban công tác Mặt trận buôn, nay là Chi Hội trưởng chi Hội phụ nữ buôn Huk A. Những năm qua, chị đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong buôn vươn lên trong cuộc sống bằng mô hình cho mượn con dê giống. Nhờ vậy mà nhiều hộ ở buôn Huk đã thoát nghèo”.

 Từ những việc làm ý nghĩa của mình bà H’Bop Niê luôn được các cấp biểu dương, khen thưởng như: Giấy khen của tổng Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội, Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã Cư M’gar.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh