Mưu sinh dưới trạm biến áp: “Điếc không sợ súng”?
- Pháp luật
- 15:44 - 24/04/2017
Điển hình là vụ nổ trạm biến áp 110kV trong công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 11/8/2013. Sự việc khiến cả khu phố náo loạn, nhiều người đang ngủ phải bỏ chạy. Sự cố làm mất điện một số khu vực thuộc quận Cầu Giấy, Từ Liêm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Nghiêm trọng hơn là vụ nổ trạm biến áp ngày 17/11/2016 tại trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 (phố Hoàng Văn Thụ, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) đã khiến 5 người thương vong. Vào thời điểm trên, có 2 vợ chồng người bán nước và 3 khách hàng đang ngồi uống nước cạnh trạm biến áp thì xảy ra sự cố. Sau đó, 2 vợ chồng người bán nước xấu số đã tử vong do bỏng nặng. Nguyên nhân được chỉ ra là do trong quá trình đóng điện vận hành không tải trước khi đưa vào vận hành chính thức, máy biến áp tại trạm biến áp trên đã bất ngờ tràn dầu, gây cháy. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ an toàn của các trạm biến áp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bất chấp nguy hiểm, hàng loạt trạm biến áp, bốt điện vẫn trở thành nơi mưu sinh, trưng dụng của nhiều người dân
Ghi nhận của PV, tại các trạm biến áp hiện nay đều có biển cảnh báo, tuy nhiên thực tế nhiều người dân vẫn bất chấp những hiểm nguy rình rập, vô tư chọn những nơi này để mưu sinh, buôn bán. Trên các tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Đê La Thành (quận Đống Đa), không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người dân “vô tư” lấn chiếm, sử dụng TBA để bày bán hàng quán, trà đá, sửa xe. Còn trên phố Khâm Thiên - tuyến phố thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, và thời gian gần đây tình trạng vi phạm trật tự đô thị đã giảm đáng kể, nhưng cũng không khó để nhận ra xung quanh một số bốt điện vẫn được người dân bày bán đủ thứ, dù sát đó là hình ảnh “đầu lâu xương chéo” được Cty điện lực Hà Nội treo cảnh báo nguy hiểm khiến không ít người phải giật mình. Hỏi thì họ cho biết nhiều năm nay đã quen làm việc và sinh hoạt tại đây nên không thấy nguy hiểm.
Nhiều trạm biến áp trong khu dân cư không đáp ứng đủ các yêu cầu về an toàn hành lang lưới điện nên rất nguy hiểm khi có sự cố xảy ra
Bên cạnh việc nhiều người dân cố tình kinh doanh, buôn bán, trưng dụng khoảng trống dưới trạm biến áp để mưu sinh thì thực tế hiện nay, nhiều trạm biến áp trong khu dân cư không đáp ứng đủ các yêu cầu về an toàn hành lang lưới điện, hàng trăm bốt điện, trạm biến áp đang nằm sát các công trình dân sinh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân xung quanh. Điều này đã vô tình tạo ra mối hiểm nguy đe dọa tính mạng và tài sản của người dân khi sống gần TBA.
Tại TBA trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), đối diện số nhà 42, đã che kín mặt tiền kinh doanh của ngôi nhà này. Do khoảng cách giữa trụ điện nằm sát nhau nên người dân phải để xe máy rất gần TBA. Dù không lấn chiếm hay kinh doanh, buôn bán, nhưng khoảng cách quá gần đã vô tình tạo ra mối hiểm nguy rình rập bất cứ lúc nào cho cả chủ nhà lẫn khách hàng, lẫn người dân xung quanh.
Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đang ra sức tuyên truyền để người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tăng cường lập lại trật tự đô thị. Do đó, những hành vi của những người dân buôn bán, kinh doanh gần TBA, thậm chí dùng TBA để làm nơi bày các vật dụng không những vi phạm trật tự đô thị, mà còn vi phạm hành lang, an toàn lưới điện. Trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, đồng thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2104 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật về an toàn điện gồm: An toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện trong sản xuất bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình, đất và cây trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi xây dựng các công trình lưới điện cao áp. Theo đó, khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp đến 22KV là từ 1 - 2m, tùy theo dây bọc hay dây trần và khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc như nhà ở hay công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải cách xa ít nhất 4m.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc