Quận 9 (TP Hồ Chí Minh): Muốn tách thửa đất, dân phải nâng cấp đường
- Pháp luật
- 00:12 - 25/09/2016
Ngày 20/1/2016, UBND quận 9 đã ban hành công văn 164/UBND-QLĐT (gọi tắt là CV164), đến ngày 6/4/2016, ban hành tiếp công văn số 821/ UBND–QLĐT (gọi tắt là CV821) và ngày 23/8/2016, ban hành công văn 2314/UBND-QLĐT (CV 2314) yêu cầu người dân muốn tách thửa phải hoàn thành các thủ tục đầu tư đường giao thông và hệ thống hạ tầng khác, trong đó yêu cầu người dân phải xây dựng hồ sơ hạ tầng kỹ thuật, bổ sung bản vẽ thiết kế để cải tạo đường hiện hữu.
Theo phản ánh của các hộ dân tại khu dân cư trên đường 882 phường Phú Hữu, dù rất bức xúc bởi các quy định nêu trên, nhưng các hộ dân vẫn họp lại để thống nhất hiến đất mở đường, có hộ bỏ cả tiền túi để thuê đơn vị thi công nâng cấp đường theo yêu cầu của UBND quận 9. Theo đó, UBND phường Phú Hữu đã tổ chức họp các hộ dân để lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Đồng thời, thực hiện theo chỉ đạo của UBND quận 9, thì UBND phường Phú Hữu đã đồng ý cho phép người dân lập hồ sơ thiết kế hạ tầng kỹ thuật phần đường nâng cấp trên, với chi phí thiết kế là hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào bản vẽ thiết kế, số tiền trên dự tính phải xây dựng cải tạo đường theo như thiết kế cũng lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Minh Phụng, một người dân sống tại đây cho biết, gia đình ông có 3 thửa đất (620, 628, 629) thuộc tờ bản đồ 58 tại khu dân cư trên, được cấp GCNQSDĐ do Sở TN&MT TP cấp vào ngày 3/2/2016. Phần đất của gia đình ông Phụng thuộc khu dân cư hiện hữu và có 3 mặt tiếp giáp đường hiện hữu, bên trong có nhiều hộ dân cùng sử dụng con đường từ lâu nay. Khi có nhu cầu tách thửa đất của gia đình, ông Phụng đã chủ động hiến một phần đất của gia đình nằm trong lộ giới các tuyến đường trên, để mở rộng đường; đồng thời đổ đá, lu phẳng mặt đường để thuận tiện cho việc đi lại của gia đình, cũng như các hộ dân bên trong, mà không yêu cầu bất cứ chi phí bồi thường, hỗ trợ nào.
Đáng ra UBND quận 9 cần hoan nghênh tạo điều kiện để gia đình ông thực hiện hiến đất mở rộng đường ở khu dân cư. Thế nhưng, Phó Chủ tịch UBND quận 9 Hoàng Minh Tuấn Anh lại ký văn bản, trong đó yêu cầu gia đình ông Phụng phải hoàn thiện các thủ tục đầu tư nâng cấp đường giao thông hiện hữu và hệ thống hạ tầng khác mới cho tách thửa. Việc này khiến cho gia đình ông Phụng đứng trước nguy cơ phải bỏ ra chi phí hàng tỷ đồng cho việc nâng cấp đường theo yêu cầu của UBND quận 9.
“Sau khi tôi khiếu nại, thì cán bộ Phòng Quản lý đô thị giải thích với gia đình tôi là căn cứ vào quyết định 33 để UBND quận 9 ra văn bản nêu trên. Thế nhưng, chúng tôi có tìm hiểu quyết định này hoàn toàn không quy định khi tách thửa đất theo đường hiện hữu thì người dân phải thực hiện thủ tục xin phép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như quận 9 yêu cầu nêu trên”, ông Phụng bức xúc nói.
Không dừng lại ở đó, gia đình ông Phụng phản ánh, dù đã thực hiện xong các thủ tục theo quy định nêu trên của UBND quận 9, cụ thể sau khi đã thực hiện xong các thủ tục và đồng thời nộp hồ sơ xin phê duyệt hạ tầng đúng như yêu cầu của CV 821, thế nhưng nhiều người dân vẫn phải chờ đợi mòn mỏi chính quyền duyệt hồ sơ xin tách thửa. “Từ khi tôi nộp hồ sơ đến hơn 2 tháng nay vẫn không được UBND quận 9 giải quyết. Khi tôi liên hệ với UBND quận 9 và đề nghị được gặp người trực tiếp giải quyết hồ sơ, để hỏi về quy trình giải quyết hồ sơ, thì không được tiếp và không có bất cứ văn bản trả lời nào về việc chậm trễ giải quyết hồ sơ hợp lệ của chúng tôi”- đại diện một hộ dân nói.
Trường hợp gia đình ông Phụng “dở khóc dở cười” hơn khi dù đã được UBND quận 9 chấp thuận (CV2314) cho cải tạo, mở rộng đường hiện hữu và xây dựng 2 tuyền đường hẻm. Thế nhưng, quận lại tiếp tục yêu cầu gia đình phải hiến đất của mình để mở rộng đường hiện hữu từ 3m lên 5m bề ngang. Điều lạ lùng này, khiến gia đình ông Phụng buộc phải hiến là 243,2m đất vườn thuộc lộ giới 2 tuyến đường trên và 104m2 đất ở, mà gia đình ông đã đóng tiền sử dụng đất nằm ngoài hành lang lộ giới đường, với tổng giá trị bị thiệt hại tương đương là 1,3 tỷ đồng, thì mới được UBND quận 9 chấp thuận giải quyết hồ sơ.
Quá bức xúc vì các quy định lạ lùng, nhiêu khê kể trên, hiện gia đình ông Phụng và các hộ dân có làm đơn xin các cấp ban, ngành chức năng xem xét giải quyết thấu tình đạt lý cho người dân.
“Chúng tôi sẵn sàng bỏ một phần đất của gia đình mình để hiến đất cải tạo đường đi chung, tự bỏ chi phí nâng cấp, chỉnh trang 2 tuyến đường đi trên cho các hộ dân sử dụng thuận tiện, tạo mỹ quan đô thị. Thế nhưng, nếu không phải như gia đình tôi thiện chí để được việc cho gia đình thì những hộ dân nghèo lấy tiền đầu ra để nâng cấp đường mới được tách thửa như vậy”, ông Phụng nói.
Liên quan đến việc hiểu sai và áp dụng không đúng tinh thần của Quyết định 33 của UBND TP.Hồ Chí Minh của UBND quận 9, Luật sư Phùng Văn Trang, Đoàn Luật Sư TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc hiểu sai trong việc áp dụng Quyết định 33 của UBND quận 9 dẫn đến văn bản quy định không hợp lý và hạn chế quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân. Thậm chí quy định như vậy cũng đã vi phạm quyền tự do kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng đất của người dân đã được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ.
Theo Luật sư Trang, hiện nay nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn do đó không nên hạn chế quyền tách thửa của người dân. Đối với các khu vực dân cư hiện hữu thì việc tách thửa và đầu tư cơ sở hạ tầng phải được giải quyết trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân. Đây cũng là việc nhà nước đảm bảo cho người dân thực hiện các quyền của người sử dụng đất, theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng gây khó khăn, nhũng nhiễu dẫn đến phát sinh nhiều tiêu cực trong lĩnh vực tách thửa đất theo Quyết định số 33/2014. Hơn nữa việc giải quyết thủ tục tách thửa phù hợp với Quyết định số 33, còn góp phần tạo cho người có thu nhập thấp tạo lập được chỗ ở, góp phần giảm mật độ dân cư từ khu vực trung tâm thành phố ra các quận vùng ven, đồng thời còn hạn chế được việc phân lô và xây dựng trái phép tự phát có thể khiến UBND TP càng đau đầu hơn, trong công tác quản lý quy hoạch đất đai trên địa bàn.