THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:28

Huyện Quốc Oai (Hà Nội): Dân mong chính quyền huyện thực hiện đúng quy định của Chính phủ

 

Quyết định 1469/QĐ - TTg ngày 22/8/2014 và Quyết định số 507/QĐ - BXD ngày 27/4/2015 của Bộ Xây dựng nêu rõ: Chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2018. Như vậy lộ trình xóa bỏ các lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn huyện Quốc Oai còn 2 năm nữa. Loại lò vòng này có nhiều ưu điểm như giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, nhiên liệu sử dụng chủ yếu là tro bay của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Nguyên liệu sử dụng phần lớn là đất thải của các công trình xây dựng từ nhỏ đến lớn trên địa bàn hay các khu vực thành phố. 

Ông Nguyễn Văn Thừ, ở thị trấn Quốc Oai cho biết: Sản xuất gạch vốn là nghề kiếm sống lâu đời của người dân nhiều xã trên địa bàn huyện Quốc Oai. Chúng tôi vốn sinh sống bằng nghề này. Từ lò gạch thủ công, theo quy định, tôi bắt đầu cải tiến, tìm hiểu và quyết định đầu tư lò vòng, một trong những công nghệ tiên tiến nhất và được phép hoạt động đến năm 2018.Đầu năm 2015, với sự vay mượn và hùn hạp vốn làm ăn của anh em, ông Thừ đã đầu tư 11 tỷ để xây dựng lò vòng và hy vọng trong vài năm nữa sẽ thu hồi được vốn và có lợi nhuận. Tuy nhiên, mới đi vào hoạt động từ tháng 9/2015 đến nay thì các ông lại không an tâm khi có thông tin huyện sẽ “xóa sổ” các lò gạch này vào cuối năm nay.

Lao động làm gạch trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Ông Thừ cho biết, ngoài 7 triệu viên gạch cung cấp cho thị trường, mỗi năm còn tạo công ăn việc làm cho 50 lao động nông nhàn với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. “Nếu lãnh đạo cấp trên có ý định “xóa sổ” lò vòng trước lộ trình thì không những tôi mà nhiều anh em đã hùn hạp vốn để làm ăn sẽ trắng tay và lâm cảnh khốn cùng vì tiền đầu tư tính đến nay chưa thu hồi được bao nhiêu” - ông Thừ cho biết. Cũng cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Hoa, ở Đồng Quang, Quốc Oai cho biết: Theo lộ trình, năm 2013 tôi đã xin phép huyện và đã được huyện cấp phép để đầu tư xây dựng lò vòng theo quy định. Sau 3 năm, tôi đã trả được hết vốn vay và nợ nần, đang tính chuyện có lãi để nuôi vợ nuôi con thì lại nghe thông tin huyện sẽ “xóa sổ” lò gạch kiểu này.

Ông Lê Văn Thà, chủ một lò vòng phân trần: Khi đầu tư, chúng tôi đã đọc và tìm hiểu các quy định và chính sách của Nhà nước về loại lò này. Nếu huyện không tạo điều kiện để chúng tôi được hoạt động đúng lộ trình như đã quy định thì nhiều người sẽ trắng tay. Chúng tôi không chống đối, rất tuân thủ các quy định, chỉ mong huyện tạo điều kiện để các lò hoạt động đúng lộ trình theo quy định để chúng tôi thu hồi được vốn đã đầu tư.

Tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện Quốc Oai hiện có khoảng 17 hộ sản xuất gạch và 15 hộ đã vay tiền để chuyển sang công nghệ lò vòng, với chi phí khoảng 10 - 11 tỷ đồng/lò. Mỗi lò vòng thu hút khoảng 30 - 50 lao động. Như vậy mỗi tháng các lò này đã thu hút hàng nghìn lao động nông nhàn với thu nhập 5triệu đồng/tháng/người. Nếu thực sự huyện Quốc Oai có ý định “xóa sổ” lò vòng trước quy định thì ngoài sự trắng tay, khốn đốn của các chủ lò, đồng nghĩa với cả ngàn lao động không có sự sắp xếp, tìm việc và thu nhập cho mình.

Theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 và Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015, cụ thể chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến trước năm 2016, chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2018; đối với các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến chậm nhất hết năm 2017, chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục chậm nhất vào năm 2020.

PHƯƠNG NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh