Mục tiêu giảm nghèo bền vững là đúng đắn, hợp lòng dân
- Dược liệu
- 19:54 - 05/11/2020
Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, Ủy ban Về các vấn đề của xã hội của Quốc hội đã giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 76/QH13, về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Báo cáo giám sát đã khẳng định: Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững là đúng đắn, hợp lòng dân; có nhiều chủ trương, cách làm mới để huy động xã hội, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người nghèo. Đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo.
Tuy nhiên, bà Hằng chỉ ra vẫn còn những hạn chế, đó là: Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Do đó, để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, tích hợp chính sách theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, tăng khả năng tiếp cận chính sách của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Cùng với đó có những biện pháp thiết thực, ưu tiên tập trung hỗ trợ đối với hộ nghèo là gia đình có công với cách mạng, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn theo Nghị quyết số 15 ngày 01/6/2012 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
Đồng thời, nghiên cứu thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, chuyển nhóm đối tượng hộ nghèo không còn khả năng lao động để thoát nghèo, sang đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên của nhà nước, nghiên cứu giảm dần các chính sách cho không. "Có thể, đây cũng là một trong những nguyên nhân để một bộ phận người nghèo cũng chưa muốn thoát nghèo và tăng dần các chính sách hỗ trợ có điều kiện, gắn với đối tượng địa bàn và thời gian thụ hưởng, nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích vượt nghèo đối với cá nhân và đối với cộng đồng. Bố trí nguồn lực theo kết quả đầu ra. Phân cấp trách nhiệm rõ giữa các cơ quan trung ương và địa phương theo hướng các cơ quan trung ương chỉ ban hành chính sách hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra; các địa phương, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả của các hoạt động cụ thể", đại biểu Trần Thị Hằng nhấn mạnh.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang được thụ hưởng nhiều đề án, chủ trương, chính sách. Chính nhờ những chủ trương, chính sách này mà vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước có những đổi thay tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao. Điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng được cải thiện. Khoảng cách chênh lệch giữa miền ngược và miền xuôi, vùng đồng bằng ngày càng được rút ngắn.
Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng có đặc thù địa lý, địa hình bị chia cắt phức tạp bởi sông, suối, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sinh hoạt khác. Đặc biệt, người dân, đồng bào sống cách biệt ở các bản mà không tập trung, hầu hết các dân tộc có tiếng nói riêng. Việc thành thạo tiếng Kinh của một số đồng bào còn hạn chế.
Vì vậy, bà Giang cho rằng, khi tổ chức thực hiện, mỗi dự án luật, mỗi chủ trương, chính sách bên cạnh những kết quả đạt được thì đều gặp những khó khăn, thách thức. Qua quá trình triển khai các chương trình, dự án, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy, việc thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định một phần sự thành công của mỗi chương trình dự án hay chính sách. Để thực hiện điều này, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được các cấp, các ngành coi trọng, là bước tiên phong và xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
Cũng theo bà Giang, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng có tính gắn kết cộng đồng cao, người có uy tín là người có vai trò dẫn dắt then chốt. Đây là điểm thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động vì người chiếm được lòng tin của đồng bào mới truyền được cảm hứng, làm thay đổi nhận thức của đồng bào. Để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, trước hết cần phải tăng cường vai trò của người có uy tín.
Riêng đội ngũ cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là người có trình độ chuyên môn, vừa phải là người thực sự có nhiệt huyết, am hiểu về đời sống, phong tục, tập quán, sâu sát với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thì mới có thể dẫn dắt đồng bào thay đổi nhận thức được. Do vậy, việc tập trung đào tạo con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia vào công tác tại địa phương là rất cần thiết. "Mặc dù không thể phủ nhận là các em người dân tộc thiểu số dù qua đào tạo thì chất lượng so với mặt bằng chung vẫn còn những hạn chế. Tuy nhiên, nếu được đào tạo thêm kỹ năng nghề nghiệp cộng với lợi thế vốn có thì các em sẽ là những tuyên truyền viên tốt, là những người có khả năng tiếp cận thông tin mới, khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào đời sống văn hóa, sản xuất tốt hơn", bà Giang nhấn mạnh.