THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:10

Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Các chuyên gia tham gia phiên tọa đàm thảo luận tại Hội thảo.

Các chuyên gia tham gia phiên tọa đàm thảo luận tại Hội thảo.

Hội thảo được diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang duy trì mức sinh thay thế, song có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, đồng thời tỷ lệ vô sinh cao, ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số trong tương lai. Vì vậy, đây là dịp để các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cùng nhau nhìn nhận thực trạng và đưa ra những định hướng chính sách, giải pháp can thiệp cho vấn đề này.

Tỷ suất sinh của nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã giảm mạnh trong 70 năm qua. Điều này đã có tác động không chỉ đến quy mô dân số của các quốc gia này, mà còn ảnh hưởng đến cơ cấu dân số. Hàn Quốc có tổng tỷ suất sinh (TFR) thấp nhất thế giới ở mức 0,8, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1, trong khi đó Singapore và Nhật Bản cũng không cao hơn nhiều, lần lượt ở mức 1,1 và 1.3. Với thực tế này, người cao tuổi (trên 60 tuổi) trong khu vực dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2010 đến 2050.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Việt Nam, nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hoá Gia đình, đã đạt mức sinh thay thế với trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 tuổi có 2,1 con từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Tuy nhiên, mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp tới 1,48 con.

Ngoài ra, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu “duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng”. Đây là những định hướng chính sách về dân số rất kịp thời, nhằm cải thiện thực trạng mức sinh thấp tại một số vùng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là nơi xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có chính sách, chiến lược hỗ trợ công tác dân số trong thời gian tới.

Tại hội thảo, Bộ công cụ chính sách can thiệp thực tiễn mức sinh cho các nước khu vực Châu Á - Thái Bình dương do tổ chức Economist Impact nghiên cứu đã được công bố. Bộ công cụ là một phần quan trọng trong dự án Fertility Counts- một sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế và xã hội liên quan đến mức sinh thấp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với sự tài trợ của Merck Healthcare. Fertility Counts là dự án toàn cầu với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý nhà nước và tư nhân, xem xét các tác động về kinh tế và xã hội do mức sinh suy giảm và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần cải thiện thực trạng này. Sáng kiến của Fertility Counts đã được ASPIRE - Tổ chức của các chuyên gia lĩnh vực sinh sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương công nhận. Đây sẽ là một công cụ giúp cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo, xem xét, nghiên cứu, đánh giá tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Bốn nhóm chính sách được đề cập trong bộ công cụ này là: Chăm sóc trẻ em, Chính sách tại nơi làm việc, Ưu đãi tài chính và Hỗ trợ sinh sản.

Những thông tin chính thức của dự án được cập nhật tại website: https://www.fertilitycounts.com/.

GS.TS.BS. Nguyễn Viết Tiến - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam phát biểu tại Hội tháo.

GS.TS.BS. Nguyễn Viết Tiến - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam phát biểu tại Hội tháo.

GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cũng cho biết thêm, một trong những vấn đề quan trọng là tỷ lệ vô sinh của Việt Nam ở mức cao, chúng ta cần thảo luận những giải pháp can thiệp, hỗ trợ trong thời gian tới để giúp cho cá nhân, cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Alexandre de Muralt, Phó Chủ tịch Châu Á - Thái Bình Dương, Merck Healthcare, chia sẻ với tư cách là công ty dược phẩm hàng đầu thế giới về lĩnh vực điều trị hỗ trợ sinh sản, góp phần tạo ra sự sống với hơn 5 triệu em bé đã ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, tương đương với gần một nửa số em bé đã ra đời bằng phương pháp này trên toàn cầu kể từ năm 1978 đến nay, Merck Healthcare luôn mong muốn đóng góp vào việc tạo ra những tác động xã hội tích cực và giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững.

“Với dự án Fertility Counts, chúng tôi muốn góp phần tạo những giá trị xã hội gia tăng, bao gồm: Tạo ra các mầm sống, cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giáo dục về nhận thức sinh sản, cũng như chẩn đoán và tiếp cận điều trị hiếm muộn sớm cho các cặp vợ chồng mong con ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Hy vọng, những đề xuất về chính sách hỗ trợ sinh sản có thể đóng góp vào các chính sách về dân số hợp lý và hiệu quả mà chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai.”, ông Alexandre de Muralt, nói.

Hoàng Nam

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh