CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:33

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn

Nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Khoảng trống chăm sóc y tế cho bà mẹ vùng dân tộc thiểu số

Trong khuôn khổ của dự án này, phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ mang thai của 60 xã vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc ít người thuộc 6 tỉnh khó khăn nhất bao gồm Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai sẽ là đối tượng hưởng lợi của các sáng kiến can thiệp đổi mới sáng tạo để giảm tử vong mẹ. 60 xã trọng điểm của dự án là các xã dân tộc ít người, thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng rất khó tiếp cận, với điều kiện kinh tế-xã hội cực kỳ khó khăn và có tỷ lệ sinh con tại nhà cao. Các trạm y tế xã tại địa bàn nghiên cứu không có đủ các dịch vụ, xét nghiệm cơ bản, cũng như các trang thiết bị thiết yếu phục vụ việc khám thai và sinh con cho các bà mẹ. Với năng lực chuyên môn hạn chế, các cơ sở gặp nhiều khó khăn trong xử trí các tai biến thai sản có thể gây ra tử vong mẹ cao.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, chỉ có 11% các bà mẹ dân tộc ít người sống tại các xã trọng điểm được khám thai ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ. Tỷ lệ các bà mẹ sinh con tại các cơ sở y tế chỉ khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình cả nước là 96%. Về kế hoạch hóa gia đình, chỉ có 53% các bà mẹ ở các xã này sử dụng biện pháp tránh thai (so với tỷ lệ trung bình cả nước là 72%, tức thấp hơn 19 điểm phần trăm), và nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng là 18% (cao hơn gần gấp đôi khi so với tỷ lệ trung bình cả nước là 10%). Đặc biệt đối với phụ nữ dân tộc Mông, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ là 41% và nhu cầu kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)  không được đáp ứng là 21%; đối với phụ nữ dân tộc Thái, tỷ lệ này lần lượt là 39% và 49%. Tỷ lệ phụ nữ tự ra quyết định về sử dụng dịch vụ y tế đạt 86%; tự ra quyết định về quan hệ tình dục đạt 70% và tự ra quyết định trong sử dụng biện pháp tránh thai ( BPTT) đạt 86,0%; Sự tự chủ của người phụ nữ trong cả 3 lĩnh vực sử dụng dịch vụ y tế, QHTD và sử dụng BPTT đạt 61%

 Nghiên cứu cũng chỉ ra nhu cầu đào tạo chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến xã về chăm sóc cấp cứu sản khoa trong quá trình mang thai và sinh con. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết các bà mẹ dân tộc ít người và các thành viên trong gia đình họ chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, đặc biệt là việc nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm trong quá trình mang thai và sinh con, cũng như tầm quan trọng của việc sinh con tại cơ sở y tế. Điều này có thể do các yếu tố văn hóa, và nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm triển khai chương trình giáo dục nhạy cảm với văn hóa cho người dân địa phương.

Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ vùng dân tộc thiểu số

Phát biểu tại hội thảo và thảo luận về các kết quả của nghiên cứu, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc  (UNFPA) tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara, cho biết: Sau chuyến thăm thực địa đến tỉnh Lai Châu năm ngoái, bà đã trải nghiệm và chứng kiến khả năng dễ bị tổn thương của các xã dân tộc ít người khi nói đến sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: “Các kết quả của nghiên cứu sẽ là bằng chứng mạnh mẽ cho việc xây dựng các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình có chất lượng để giảm tử vong mẹ, và từ đó góp phần vào nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt được Mục tiêu SDG về giảm tỷ lệ tử vong mẹ vào năm 2030”.

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em,  Bộ Y tế cũng chia sẻ: “Giảm tử vong mẹ cho bà con dân tộc ít người là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về phát triển của Chính phủ. Kết quả của cuộc điều tra sẽ giúp Bộ Y tế và các Sở Y tế các tỉnh xây dựng các chính sách và kế hoạch thực hiện dựa trên bằng chứng để đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tế của phụ nữ dân tộc ít người và gia đình họ và nhằm đảm bảo mọi ca sinh nở đều an toàn. Bài học kinh nghiệm từ dự án này sẽ giúp Bộ Y tế hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025 với tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về chăm sóc sức khỏe”.

Bà Naomi Kitahara  cho biết, Dự án: “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tử vong mẹ tại các vùng dân tộc ít người của Việt Nam”, do Quỹ MSD for Mothers và MSD Việt Nam tài trợ với tổng ngân sách 1,2 triệu USD và UNFPA Việt Nam 810 nghìn USD. Dự án là một trong những sáng kiến quan trọng nhất của UNFPA Việt Nam nhằm mục tiêu giảm tử vong mẹ ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn nhất thông qua các can thiệp đổi mới sáng tạo, có cân nhắc đến các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ dân tộc ít người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục tích hợp, chất lượng và tự nguyện cho nhóm dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý xử trí cấp cứu sản khoa ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các địa phương vùng sâu, vùng xa dân tộc ít người. 

Bà Jennifer Cox, Giám đốc Điều hành MSD Việt Nam cho biết: Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở cấp độ quốc gia trong vòng 20 năm qua và là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (MDG5) về giảm tử vong mẹ vào năm 2015. Tuy nhiên, sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa giá đình vẫn còn tồn tại ở các nhóm dân tộc và vùng miền khác nhau.

UNFPA, cơ quan Liên Hợp quốc đứng đầu  trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, đang nỗ lực hướng tới mục tiêu giúp Việt Nam trở thành một quốc gia không có ca tử vong bà mẹ khi các ca tử vong đó có thể phòng ngừa được, không có nhu cầu về kế hoạch gia đình nào mà không được đáp ứng, và không còn bạo lực trên cơ sở giới và bất cứ thực hành có hại nào đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Với tổng ngân sách tài trợ 1,2 triệu USD từ Quỹ MSD for Mothers và MSD Việt Nam và 820 nghìn USD từ UNFPA, dự án này là một trong những sáng kiến quan trọng nhất của UNFPA Việt Nam nhằm mục tiêu giảm tử vong mẹ ở 60 xã vùng sâu, vùng xa thuộc 6 tỉnh khó khăn nhất của Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai thông qua các hoạt động can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đặc biệt của phụ nữ dân tộc ít người và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.

Để đạt được các mục tiêu của Dự án, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Y tế Công cộng đã tiến hành đánh giá đầu vào tại 60 xã dân tộc ít người đặc biệt khó khăn. Bằng các phương pháp khác nhau, đánh giá đã xác định nhu cầu đào tạo cho các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế tại địa phương và đưa ra các chiến lược truyền thông thay đổi hành vi và huy động sự tham gia của cộng đồng. Các can thiệp của chương trình nhằm đảm bảo việc làm mẹ an toàn cho phụ nữ mang thai, trên cơ sở có cân nhắc và xem xét đến các phong tục, tập quán văn hóa xã hội đặc thù của họ.

 

 

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh