Một ngày cùng cô giáo Hoàng Thị Trang ở điểm trường Pờ Xì Ngài
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:33 - 20/11/2016
Tôi cùng cô giáo trẻ Hoàng Thị Trang tới thăm điểm trường Pờ Xì Ngài, xã Trung Chải, (huyện Sa Pa, Lào Cai) nơi cô đang giảng dạy vào một ngày cuối thu, với tiết trời se se lạnh. Từ nơi cô ở trọ cách điểm trường Pờ Xì Ngài chừng 8km, nhưng chúng tôi cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Cô Trang kể: “Trừ những ngày nghỉ, bất kể nắng mưa hôm nào mình cũng phải đi 8km để đến trường. Đi xe máy thì chỉ được khoảng 5km, sau đó phải để xe lại để đi bộ khoảng 3km nữa. Đường ở đây nhỏ và trơn trượt đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Nhiều lần mình bị ngã xe xước hết chân tay.”
Cùng cô vượt qua chặng đường dài để tới điểm trường Pờ Xì Ngài, mới thấu hiểu được những vất vả, mệt mỏi khi đi qua những đoạn đường này. Đi bộ chưa tới 500m đường dốc đôi chân của tôi đã mỏi nhừ, còn Trang dường như đã quen rồi nên không hề cảm thấy mệt mỏi.
Tôi cùng cô giáo trẻ phải đi bộ khoảng 3km mới tới điểm trường
Cô giáo trẻ Hoàng Thị Trang, sinh năm 1993, dân tộc Tày, trong một gia đình nghèo ở vùng cao tại xã Lương Sơn, (huyện Bảo Yên, Lào Cai), cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Bố mất năm Trang mới lên lớp 1, một mình mẹ nuôi hai anh em Trang ăn học. Anh trai cũng chỉ học đến lớp 11 dành phải bỏ học để đi làm thuê phụ giúp mẹ nuôi Trang ăn học. Với sự động viên của gia đình,đặc biệt là người anh đi làm xa, Trang đã cố gắng đạt được kết quả tốt trong học tập và nuôi ước mơ sau này sẽ làm cô giáo.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp THPT, Trang thi đỗ vào Khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Năm 2014, trong đợt thi tuyển công chức cô may mắn vượt qua kỳ thi và được phân công về điểm trường Pờ Sì Ngài giảng dạy. Cuộc sống đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn đè nặng lên đôi vai cô giáo trẻ mới ra trường, bởi học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vốn ngôn ngữ cũng như vốn sống còn hạn chế, đó cũng là khó khăn cơ bản trong việc truyền tải thông tin kỹ năng, giao tiếp với các em.
Nhưng lòng tâm huyết với nghề, Trang đã ngày đêm học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tìm hiểu kiến thức qua sách báo; thường xuyên đi vào các làng bản nơi có con em các dân tộc để tìm hiểu cuộc sống cũng như học tiếng của đồng bào để có phương pháp giảng dạy tốt nhất cho các em. Thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt được đối tượng, qua đó vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng.
Trang co biết cô vừa dạy vừa nấu cơm cho các em ăn, rồi cũng tự ttay dọn dẹp cho các em ngủ trưa
Trang tâm sự: “Mình phụ trách một thôn với 17 em từ 3 – 5 tuổi, tất cả mọi việc đều tôi làm hết, khi nào bận lắm thì mới nhờ phụ huynh giúp đỡ. Tuy công việc có vất vả, nhưng được thấy các em vui cười hàng ngày đùa nghịch với chúng bạn mình thấy rất vui”
Điểm trường Pờ Xì Ngài còn khó khăn lắm, trường chỉ có một ngôi nhà 3 gian gồm một phòng học, một khu bếp và một phòng ngủ chung cho cả cô và trò. Điểm trường này vẫn chưa có điện và đôi khi vẫn còn mất nước.
Tôi hỏi Trang, công việc vất vả và điểm trường lại là vùng có nguy cơ sạt lở cao như vậy, có khi nào cô muốn chuyển công tác không? Trang nói, nhiều lúc cũng muốn bỏ lắm nhưng mỗi ngày tới trường được nhìn lũ trẻ vui đùa là một ngày vui với các em và với mình. Một mình trông 17 đứa trẻ không phải dễ, được cái các em đều ngoan, càng ngày tôi lại không muốn xa lũ trẻ. Còn nguy cơ sạt lở thì cũng sợ lắm, nhưng vẫn phải bám trường chờ nhà nước xây điểm trường mới an toàn hơn.
Cùng với việc giảng dạy một số trẻ trên lớp, cô giáo trẻ còn tuyên truyền cho bàn con người dân tộc thiểu số bỏ những hủ tục lạc hậu. Cô đến từng nhà một số dân để tuyên truyền vận động bà con cho con em mình đi học, cũng có một số nhà dân người ta lo con còn nhỏ quá, nhà xa trường và nguy hiểm nên không cho đi.
“Cô Trang là một giáo viên trẻ mẫu mực, tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp, hết lòng vì học sinh thân yêu, với đồng nghiệp cô luôn vui vẻ hòa đồng và ứng xử tốt với mọi người” nhận xét về đồng nghiệp, cô Dương Thị Thu cho biết.
Cô giáo Trang và học sinh
Đây là năm thứ 2 Trang bước trên bục giảng, những lúc khó khăn, mệt mỏi Trang thường gọi điện tâm sự với mẹ và anh trai. Hai người mà cô yêu mến nhất là động lực để cô vượt qua những khó khăn vất vả. Ngoài công việc ở trường, những ngày nghỉ Trang lại vượt chặng đường dài hơn 100km để về phụ giúp mẹ trong công việc hàng ngày.
Tôi và cô giáo trẻ Hoàng Thị Trang chia tay điểm trường Pờ Xì Ngài khi trời đã gần tối. Chúng tôi lại theo con đường cũ để trở về. Một ngày ở đây trôi qua thật nhanh, những tiếng cười giòn giã và khuôn mặt ngây thơ của lũ trẻ là lý do để một cô gái trẻ không muốn rời xa.