Một khúc tâm tình với người làm báo
- Văn hóa - Giải trí
- 12:15 - 21/06/2015
Chính cái sự học bị xem nhẹ nên nhiều nhà báo “tài ba” cứ khăng khăng vấn đề, sự kiện, sự việc, hay một tình tiết nào đó là “của độc” nhưng thực tế lại bị lố. Không những thế còn tự “vạch áo” cho thiên hạ thấy cái kiến thức trống rỗng của mình. Làm thư ký tòa soạn nhiều năm, tôi đã chứng kiến bao chuyện cười…xót xa .
Còn nhớ năm 2013, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập và xuất bản số báo đầu tiên, Lãnh đạo Báo LĐ&XH xuất bản cuốn kỷ yếu về 20 năm hình thành và phát triển, trong đó có kỷ niệm của một số nhà báo đã và đang công tác tại báo. Một hôm nữ nhà báo TH, người được giao trọng trách biên tập cuốn kỷ yếu chạy sang vừa cười, vừa nói với tôi: “Anh Quang ơi, ĐH nó viết bài trêu anh đấy”. TH đưa bài của ĐH cho tôi xem. Lướt qua bài viết tôi thầm cười rồi trả lại, để TH đưa đi trình bày. Bài trên đăng trong kỷ yếu có thể có người còn nhớ, nhiều người đã quên, thậm chí có người chẳng quan tâm. Chi tiết mà TH cho rằng ĐH trêu tôi tóm tắt như sau: Ngày ĐH mới vào công tác ở tòa soạn Báo LĐ&XH, khi vào phòng tôi-thư ký tòa soạn thấy trên bàn có chiếc kính lúp, nhiều năm đã trôi qua, nhưng ĐH vẫn cứ day dứt, suy nghĩ không biết cái ông Quang ấy dùng kính lúp vào công việc gì. Cho đến lúc bước vào tuổi tứ tuần, khi chân chậm, mắt cũng mờ mờ quáng gà, ĐH mới vỡ ra , thì ra cái ông Quang ấy mắt kém phải dùng kính lúp để soi cho rõ chữ khi biên tập. Chỉ là một chi tiết nhỏ, đùa cho bớt cái không khí nghiêm trang của ngày kỷ niệm. Nhưng qua cái sự đùa trên, ĐH lộ ra mình là nhà báo “tay ngang”, hỗng rất nhiều về kiến thức báo chí cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ liên quan đến báo chí qua từng thời kỳ lịch sử.
Sửa bản in ở xưởng in báo Trường Sơn. Ảnh: TL
Lịch sử xa xưa bốn, năm chục năm trước xin khỏi nhắc lại, nhưng nên nhớ ở Việt Nam cách đây 25 năm vẫn còn thợ sắp chữ và 5 năm trước Báo LĐ&XH vẫn còn bình bản ở tòa soạn. Khi đó trên bàn thư ký tòa soạn không chỉ có kính lúp, mà còn có dao kéo, thước kẻ, băng dính,…để phục vụ cho công tác bình bản và kiểm tra chất lượng các bản bình, nhất là kiểm tra các ốc của các bản màu . Tôi còn nhớ ngày dọn kho để sửa lại, thấy mấy chiếc bàn dùng để bình bản hình thù là lạ, nhà báo CL mân mê bàn rồi hỏi: Cái bàn này dùng để làm gì?.Làm báo mà chưa thấu hiểu lịch sử hình thành và phát triển của báo chí thật buồn. Như lấy vợ đến khi cưới mới biết mặt vợ. Muốn hạnh phúc, muốn sống với nhau đến đầu bạc răng long thì hai bên phải tìm hiểu, khám phá, sẻ chia. Nhà báo cũng vậy, dẫu là nhà báo “đi tắt đón đầu” ,tay ngang, hay tay chiêu thì cũng phải học hỏi tìm hiểu cuộc sống thời hiện tại, thời đã qua và cả tương lai. Để gặp ai đó có tò mò hỏi những vấn đề liên quan đến báo chí, còn có vốn mà “chém gió”.
Cách đây không lâu, trong một lần ngồi uống bia cỏ với giáo sư ngôn ngữ Nguyễn Như Ý, Tổng biên tập Tạp chí Dạy và Học ngày nay, tôi có hỏi: “Là một trong những nhà ngôn ngữ hàng đầu của nước ta hiện nay, giáo sư nghĩ gì khi ngôn ngữ báo hình đang lấn sân báo viết?”. Giáo sư cho biết: “Mỗi loại hình báo chí có một ngôn ngữ riêng. Đấy là đặc sản, cái hấp dẫn của báo giấy, báo nói, hay truyền hình. Sự lấn sân của truyền hình trong đời sống hiện nay cũng dễ hiểu, điều quan trọng là các nhà báo ở loại hình nào thì phải làm chủ được ngôn ngữ của riêng mình, phải giữ lấy bản sắc của mình. Ngôn ngữ là niềm tự hào của dân tộc, mất ngôn ngữ là xóa đi một dân tộc. Ngôn ngữ cũng phát triển theo cuộc sống. Có thể một nhiều từ hôm nay nghe lạ tai, có người cho là chướng, nhưng mai sau sẽ là từ phổ biến, thông dụng”.
Giáo sư Nguyễn Như Ý còn cho biết thêm: Lâu nay nhiều người quá lạm dụng các từ như chia sẻ, trải nghiệm, những tính từ, trạng từ phải đặt đúng hoàn cảnh mới tôn thêm giá trị cũng như cái hay, cái ý nghĩa của câu nói. Chứ bạ đâu cũng dùng là thiếu suy nghĩ, thể hiện cái khiếm khuyết, hạn chế của người dùng, người viết. Báo cũng như tình yêu luôn hướng tới cái tuyệt đối, không thể xuề xòa, dễ dãi được.
Đúng như Giáo sư Ý nói làm báo không thể dễ dãi xuề xòa. Chính vì dễ dãi, cẩu thả mà thời gian qua không ít tờ báo phải nhận “trái đắng”. Như chuyện một số báo điện tử, trang thông tin đăng bức thư được cho là của con gái học tiểu học gửi bố công tác ở đảo xa. Dừng lại một vài phút thôi sẽ thấy cái phi lý của hoàn cảnh xuất hiện bức thư vào kỳ nghỉ hè học sinh còn đâu đến trường, hơn nữa chỉ cần đọc lướt qua cũng dễ thấy đó không phải là ngôn ngữ của học sinh tiểu học, chưa bàn đến vấn đề chính trị, chính em.
Sự dễ dãi không chỉ coi thường độc giả, khán giả mà con vi phạm pháp luât, vi phạm chủ quyền quốc gia. Như chương trình “Điệp vụ tuyệt mật” của VTV đã sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia (trên bản đồ đã “di dời” Thủ đô Hà Nội sang vùng đất của Trung Quốc), hay chương trình “Chuyển động 24 giờ” khi đưa tin “Em bé được giải cứu dưới lớp đất đá ở Nepal” song nhà đài lại sử dụng hình ảnh về vụ giải cứu em bé trong đống đổ nát trong vụ đánh bom ở Syria xảy ra cách sự kiện động đất ở Nepal hơn 1 năm. Sai phạm trên không phải do chuyên môn nghiệp vụ, mà là ở thái độ coi thường khán giả, sự xuề xòa, a ma tơ trong khi tác nghiệp của những người làm chương trình. Ai đó bảo sơ suất trên là tai nạn nghề nghiệp chỉ là sự bao biện của con trẻ, bởi qua tivi bé xíu người xem còn nhận ra sai sót.
Người viết bài này từng phải nhận “án phạt” do không thẩm định kỹ chứng cứ cho đăng vụ việc, mà vụ việc đó đã được các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết, nên thấu hiểu nỗi đau, cái giá phải trả cho sự dễ dãi, xuề xòa. Báo chí không phải trò đùa. Sự vô tình, vô tâm của người làm báo nhiều khi phải đổi bằng danh dự, nhân phẩm, thậm chí là máu của mình và của những người khác.
Người dân Thủ đô vui mừng đón đọc tin về ký kết hiệp định Paris. Ảnh: TL
Trong một lần “buôn chuyện” về nghề báo, đời báo, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, đại tá Trần Hồng kể, trước khi vào trường báo chí, ông được quân đội cử đi thực tế ở các đơn vị cơ sở. Một hôm đồng đội cho biết, ở đơn vị bên cạnh có nhà báo, đại úy Khánh Vân đến nói chuyện thời sự. Kỷ luật quân sự rất nghiêm, nhưng ông vẫn tìm mọi cách trốn đơn vị, chạy bộ gần chục cây số để đến với buổi nói chuyện, với mục đích, được tận mắt nhìn thấy nhà báo Khánh Vân bằng xương, bằng thịt. Nhà báo Trần Hồng nói: “Thời ấy thần tượng nhà báo là thế, mấy năm sau về báo Quân đội nhân dân công tác cùng với bác Khánh Vân, nghĩ lại chuyện cũ, đúng là một thời lãng mạn”.
Người xưa có câu: Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Có làm nghề báo, yêu nghề báo mới thấu hiểu sự gian lao vất vả, những ngọt bùi và những đắng cay của nó. Khi bàn về định hướng nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, một đồng nghiệp của người viết bài này buồn bã nói: Con gái nó trách tôi hướng cho vào học báo chí, nay ra trường tìm việc, làm việc vất vả quá. Trong khi nhiều bạn của nó học kinh tế, ra trường vừa dễ tìm việc, vừa có thu nhập cao.
Thực ra không phải nghề báo, mà bất cứ nghề nào trong cơ chế thị trường đều gặp phải cuộc cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn. Báo chí thực dụng hơn, nhà báo thực dụng hơn. Một số nhà báo do hạn chế về đạo đức, nghề nghiệp, đã có những hành vi, việc làm không chỉ tự phá giá mình, mà còn phá giá đồng nghiệp, nghề nghiệp. Đồng lõa với những nhà báo ảo, nhà báo rởm trên là những người vô trách nhiệm không hiểu báo chí, không xem báo chí là một nghề đặc thù. Họ xem báo chí như bao nghề thủ công khác trong xã hội, cứ thả vào sớm hay muộn cũng làm được. Có nhà văn nói: Trên một thửa ruộng người cày lại thứ mười, thứ một trăm, thứ một ngàn vô cùng dễ dàng, còn trong nghề viết cùng một đề tài người viết thứ hai, thứ ba và những người tiếp theo vô vàn khó khăn.
Đừng đùa với nghề báo. Đừng đùa với nghề nghiệp mình lựa chọn và sống chết với nó suốt đời. Nghề nào cũng vậy, mấy ai được trải thảm đỏ, mấy ai tự cao, tự đại vỗ ngực: Ta đây đệ nhất thiên hạ, mà đa phần phải lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt với nghề.