THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:00

Môn thi Địa lý: Thí sinh hào hứng, phấn khởi vì làm được bài

 

 

Hà Nội: Nhiều câu dễ "ăn điểm"

Lê Thị Huệ - Học sinh Trường THPT Yên Viên – cho biết: Còn thừa đến 60 phút làm bài và trong phòng cũng có rất nhiều bạn hoàn thành bài thi rất sớm.

Nhận định về đề, Huệ cho rằng có hai ý rất dễ ăn điểm, hầu hết thí sinh có thể làm được. Đó là câu vẽ biểu đồ và yêu cầu sử dụng Atlat.

“Năm nay đề yêu cầu luôn thí sinh vẽ biểu đồ hình tròn nên không cần phải tư duy nên dùng loại biểu đồ gì, đó cũng là lý do nhiều bạn chắc chắn đạt điểm tuyệt đối câu này. Riêng ý sử dụng Atlat, nếu làm tốt, các bạn cũng có thể đạt được 2 điểm” – Lê Thị Huệ chia sẻ.

Đến từ Trường THPT Yên Viên (Gia Lâm), thí sinh Nguyễn Phương Thảo cũng nhận định đề thi vừa sức, chắc sẽ ít có trường hợp bị điểm liệt; tuy nhiên vẫn có câu để phân loại thí sinh.

“Trong quá trình ôn tập, em đã tham khảo rất nhiều đề thi, kể cả đề thi THPT năm trước và thấy đề năm nay không khó, không yêu cầu nhiều ghi nhớ và học thuộc máy móc. Em thích nhất một số câu yêu cầu thí sinh phải có kiến thức thực tế tốt như câu về biện pháp bảo vệ sinh học, ngập mặn…

Để làm tốt được những câu này, học sinh chắc chắn sẽ không thể đạt điểm tối đa nếu chỉ học trong sách giáo khoa mà không có hiểu biết về kiến thức thực tế” – Phương Thảo cho hay.

Cũng đến từ Gia Lâm, thí sinh Phạm Thị Lan Anh cho rằng đề thi năm nay bám rất sát kiến thức trong sách giáo khoa, cụ thể là chương trình lớp 12.  Lan Anh làm bài thi khá tốt, kể cả câu 4 liên quan đến vấn đề xâm thực mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là câu để phân loại thí sinh.

TP. Hồ Chí Minh: Đề thi bám sát thực tế

Đó là nhận xét của nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Gia Định ngay sau khi kết thúc môn Địa lý.

Theo quan sát, có khá đông thí sinh rời phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài. Các em tỏ ra rất thoải mái, vui vẻ cùng nhau bàn luận sôi nổi và cho rằng đề thi môn Địa bám sát thực tế và có phần…dễ thở hơn so với 4 môn trước.

Bảo Trâm - học sinh Trường THPT Marie Curie (quận 3) cho hay: Em thấy đề bám sát với vấn đề thời sự đó là sự xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Em cũng không quá bất ngờ với câu hỏi này vì cũng thường xuyên xem tin tức. Còn câu biểu đồ cũng tương đối dễ, các bạn nếu chỉ chọn xét tốt nghiệp theo em điểm 6 là nắm chắc trong tay. Em làm bài khá tốt và em nghĩ được khoảng trên 8 điểm.

 Quốc Khánh - Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) cho hay: Em thấy đề Địa lý tương đối dễ thở so với 4 môn thi trước. Em làm bài khá tốt, được khoảng 90%.

Có câu hỏi về xâm nhập mặn theo em rất sát với thực tế, thời gian qua thông tin trên báo chí cũng nhiều nên em nghĩ các bạn sẽ làm tốt câu này.

Quốc Thái, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11: Em thấy đề cũng tương đối giống năm ngoái và cũng không có gì khó. Em làm khá tốt và em thấy đề năm nay khá là hay, liên hệ đến thực tiễn.

Tại Phú Thọ, theo đánh giá chung đề thi môn địa lý có sự phân hóa rõ ràng giữa kiến thức cơ bản và nâng cao, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng thành thục các kiến thức đã học. Đặc biệt, nhiều câu hỏi mở giúp rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết và khơi gợi rất tốt tư duy, kỹ năng làm bài của thí sinh.

Lào Cai: Đề thi Địa lý vừa sức, có tính phân loại cao

 Trước thời gian hết giờ làm bài môn Địa lý 30 phút, nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi trong tâm trạng phấn khởi. Theo đánh giá chung, đề thi Địa lý năm nay vừa sức nhưng có tính phân loại cao. Học sinh học lực trung bình khá cũng có thể đạt 6 – 7 điểm.

Thí sinh Nguyễn Vân Anh, Trường THPT số 2 Lào Cai cho biết: Đề thi năm nay có 4 câu hỏi thì câu hỏi cuối về đồng bằng sông Cửu Long khó hơn, các câu còn lại khá dễ. Em nghĩ em có thể đạt được 6 điểm.

Thí sinh Hoàng Thị Kim Oanh,  Trường THPT số 1 Bảo Yên ra khỏi phòng thi khi còn 30 phút làm bài. Em tỏ ra hài lòng với bài thi của mình. Oanh phấn khởi cho biết: 4/5 câu hỏi đều đã được thầy cô giáo ôn tập khá kỹ trên lớp nên em nhanh chóng hoàn thành. Câu hỏi cuối cùng hơi khó, nên em không chắc mình đã làm trọn vẹn.

Thanh Hóa: Tự tin đạt điểm khá với bài thi Địa lý

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) - nơi có đông thí sinh đăng ký dự thi khối C - phần đông thí sinh đều đánh giá đề thi năm nay "dễ thở".

Thí sinh Hà Thị Thanh Thủy - Học sinh Trường THPT Cẩm Thủy 1 (huyện Cẩm Thủy) - cho biết: Đề thi môn Địa lý không khó, thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản sẽ làm tốt bài thi. Em hoàn thành bài thi trước 30 phút và chắc chắn sẽ đạt điểm khá bài thi môn Địa lý.

Trịnh Thị Tâm - thí sinh tự do - kết thúc buổi thi với tâm trạng phấn khởi: Đề thi năm nay dễ hơn đề thi năm ngoái. Trong đề thi có sự kết hợp giữa kiến thức cơ bản và kiến thức mở, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức sách vở để kết hợp với kiến thức xã hội, như ý 2, câu I và ý 2 câu IV.

Em cũng đã hoàn thành tốt bài thi môn Địa lý với dự đoán số điểm khoảng từ 7 đến 8 điểm. Trước đó, môn Văn em cũng đã làm rất tốt, vì vậy em thấy tự tin để bước vào môn thi cuối là môn Lịch sử.

Cùng tâm trạng với nhiều thí sinh khác, thí sinh Nguyễn Văn Linh rất phấn khởi khi bước ra khỏi cổng trường thi. Linh tự tin khẳng định sẽ đạt 9 điểm bài thi môn Địa lý…

Theo ghi nhận, thời tiết sáng nay mát mẻ, không còn nóng nực như ngày thi đầu tiên do có mưa to chiều 2/7, phụ huynhh ngồi chờ bên ngoài phòng thi cũng dễ chịu hơn.

Cũng theo báo nhanh tại cụm thi số 34 – Trường ĐH Hồng Đức, buổi thi môn Địa lý 4 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó có 3 thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu, 1 thí sinh bị khiển trách.

Cụm thi do Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức có 116 thí sinh vắng thi, không có thí sinh vi phạm quy chế thi. 

Huế: Đề thi vừa sức, tạo cơ hội "gỡ điểm"

Tại hội đồng thi Trường ĐHSP Huế, thí sinh Nguyễn Ái Vân chia sẻ: "Với thí sinh dự thi tốt nghiệp, đề Địa lý năm nay không khó. Với em tự chấm mình được 8 điểm".

Cùng nhận xét này, thí sinh Đoàn Bích Vân - Trường THPT Phú Bài - chia sẻ: "Đề thi có một câu mang tính thời sự cao, đề cập đến vấn đề xâm nhập mặn và hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, em có theo dõi thời sự thường xuyên làm bài tốt. Em có tham khảo đề thi năm ngoái và thấy rằng đề năm nay dễ hơn, học sinh có lực học trung bình cũng có thể đạt điểm cao, phòng thi của em có rất nhiều bạn làm xong bài sớm, sau khi hoàn thành bài thi em cũng ra về để chuẩn bị cho môn thi chiều nay”.

Môn thi Địa lý được đánh giá là dễ, thí sinh có nhiều cơ hội để “gỡ điểm” cho các môn thi khác. Đặc biệt, với các thí sinh theo khối C, thì đề thi năm nay tạo cho các em cơ hội đạt điểm khá trở lên.

 

 

Đà Nẵng: Đọc đề thi, thêm thông tin về thị trường lao động

Thí sinh Thúy Na - dự thi tại điểm thi trường THPT Trần Phú - cho biết: “Với đề thi môn Địa lý, học sinh trung bình cũng có thể dễ dàng đạt mức điểm từ 4 – 5 điểm.

Nội dung trong đề thi cũng là một kênh giúp cho chúng em thêm thông tin về thị trường lao động, về sự dịch chuyển lao động từ nông – lâm – thủy sản sang dịch vụ và công nghiệp – xây dựng, trong đó số lượng lao động trong lĩnh vực dịch vụ ngày càng tăng để có sự cân nhắc trong lựa chọn ngành nghề sắp tới”.

Thí sinh Đặng Thị Quỳnh Như chia sẻ: “Riêng phần vẽ biểu đồ thì gần như bạn nào cũng đạt điểm tối đa rồi. Phần phân tích cũng không quá khó vì nhìn vào biểu đồ đã dễ dàng có sự so sánh”.

Vừa dự thi để lấy điểm xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH khối C, thí sinh Phạm Thị Thanh Nga - HS trường THPT Quang Trung - rất tâm đắc với câu 4: “Câu 4 đòi hỏi thí sinh phải có sự kết hợp giữa kiến thức sách vở và hiểu biết xã hội mới có thể liên hệ, mở rộng, phân tích để tìm ra giải pháp bền vững và lâu dài để giải quyết tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Em làm câu này khá tốt do đã ôn tập kỹ phần này; ngoài các kiến thức trong sách giáo khoa thì em có tìm hiểu thêm qua báo chí. Tuy nhiên, phần giải pháp lâu dài thì em mới chỉ nói chung chung chứ chưa phân tích sâu; các giải pháp giải quyết tình hình trước mắt thì em làm khá kỹ.

Với câu này, bạn nào không theo dõi thời sự qua các kênh thông tin thì cũng có thể làm được bài nếu biết vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết, tuy nhiên bài làm sẽ không được đủ ý”.

Rất nhiều thí sinh ở điểm thi trường THPT Trần Phú đều cho biết mình không làm câu 4, hoặc chỉ làm hết ý 1 chứ không thể trả lời được ý 2 do không nắm vững kiến thức. Đây hầu hết đều là những thí sinh dự thi môn Địa lý để lấy điểm xét tốt nghiệp.

Đà Nẵng có 5 điểm thi không có thí sinh dự thi môn Địa lý.

Nghệ An: Nhiều thí sinh ra sớm, phấn khởi vì làm được bài

Một trong những thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất tại điểm thi trường THCS Lê Mao (TP Vinh) là em Nguyễn Thúy Hằng (Thanh Chương, Nghệ An), Hằng phấn khởi cho hay, em làm bài khá tốt.

Câu hỏi ở phần đọc hiểu Atlat em làm được hết. Ngoài ra các câu còn lại, đặc biệt là câu về thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm ở nước ta em làm tốt. Với đề thi này em nghĩ mình được khoảng 6 – 7 điểm, mặc dù em không thi khối C”.

Còn em Nguyễn Thu Phương (THPT Diễn Châu 5) cũng phấn khởi cho biết: “Trong phòng thi của em cũng có nhiều bạn hoàn thành xong bài thi và ra sớm. Em lo nhất là câu biểu đồ, nhưng trong đề đã xác định và yêu cầu vẽ biểu đồ tròn nên em làm bài khá tốt.

Theo em, câu hỏi cuối về tình hình xâm nhập mặn và hạn hán ở ĐBSCL là câu hỏi phân loại học sinh. Đây cũng là câu hỏi em thấy rất hay và làm khá tốt.

Các thí sinh đều chung nhận định đề thi môn Địa lý bám sát chương trình sách giáo khoa, đồng thời liên hệ đến nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống từ điều kiện tự nhiên đến kinh tế - xã hội đất nước, không khó để đạt điểm trung bình môn thi này. 

 

Gia Lai: Môn thi làm bài tốt nhất

Tại các điểm thi, dù ra sớm hay ra muộn, rất nhiều thí sinh cho biết đây là môn thi các em làm tốt nhất. 

Thí sinh Nguyễn Vũ Hoàng An - học sinh trường THPT Ialy (huyện Chư Păh) - ra khỏi phòng thi đầu tiên cho biết: “Đề sáng nay sát với sách giáo khoa và được mang Atlat nên không làm khó được em. Với sức học như em, em có thể đạt điểm 7. Trong mấy môn thi, môn Địa lý em làm tốt nhất”.

Cụm thi do Trường ĐH Nông lâm TPHCM chủ trì tại Gia Lai sáng nay có 2.823/2.901 thí sinh dự thi môn Địa lý. Ở môn thi thứ 5 này, tại cụm thi Gia Lai đã có 3 thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi. 

 

Thí sinh Nguyễn Hoàng Thúc rất vui vì làm tốt đề thi Địa lý.


Bạc Liêu: Thêm tự tin cho những buổi thi sau

Là một trong những thí sinh rời phòng thi sớm khoảng 2/3 thời gian làm bài, Nguyễn Hoàng Thúc đánh giá đề thi Địa lý dễ hơn năm ngoái. Học sinh có học lực trung bình làm được hơn 5 điểm, nếu học khá giỏi làm được trên 7 điểm.

Nhiều thí sinh Bạc Liêu làm bài thi xong sớm và dành thời gian để xem lại bài. Đặc biệt, thí sinh rất hào hứng vì đề thi Địa lý nêu bật lên nhiều vấn đề “nóng” của xã hội như: Tài nguyên đất, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL cùng với những biện pháp khắc phục bảo vệ môi trường…

Thí sinh Ngô Mỹ Thuận - học sinh Trường THPT Ngan Dừa - cho biết: Em làm được khoảng 70% đề thi môn Địa. Em thấy đề thi hay, đề cập đến nhiều vấn đề thời sự nổi cộm hiện nay, có ý nghĩa to lớn về khí hậu, môi trường.

Riêng phần bài tập không đánh đố, để kiếm điểm trung bình môn Địa là điều không quá khó. Có nhiều thí sinh cùng phòng thi với Mỹ Thuận hoàn thành bài thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài.

Sóc Trăng: Thí sinh phấn khởi rời trường thi

Hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Địa lý, nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng thoải mái vì đề vừa sức, lại mang tính thời sự.

Thí sinh Võ Thành Cảnh - Học viên TTGTTX Huyện Thạnh Trị, thi tại điểm thi đặt tại trường THPT Trần Văn Bảy - phấn khởi cho biết: "Đề khá dễ, lại rất thiết thực nên em làm phải từ 8-9 điểm".

Còn thí sinh Nguyễn Văn Toàn - học sinh trường THPT Thạnh Tân(huyện Thạnh Trị) - nhận xét: "Đề có 4 câu thì 2 câu đầu dễ nên nhiều bạn làm được, còn 2 câu sau khiến nhiều bạn lúng túng. Em dự thi chỉ để xét tốt nghiệp nên tự chấm chắc được khoảng 6 điểm".

Cũng theo thí sinh Võ Thành Cảnh, đề môn Địa Lý khá hấp dẫn khi đưa ra những vấn đề thời sự, được dư luận quan tâm như ảnh hưởng của đô thị hóa với kinh tế xã hội, tiềm năng về đất ở khu vực ĐBSCL...

Ở điểm thi THPT Trần Văn Bảy, rất nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng thoải mái khi làm bài khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, một số thí sinh lại cho rằng câu vẽ biểu đồ tròn là câu khó đối với các em. 

 

 

Kiên Giang: Vui vì đề Địa “mở”

Ghi nhận tại một số điểm thi, ngay sau khi hết 2/3 thời gian làm bài, nhiều thí sinh đã rời khỏi phòng thi với tâm trạng vui vẻ, phấn khởi.

Thí sinh Hồ Thanh Hòa - học sinh Trường THPT Vĩnh Thuận - nhận định đề Địa lý năm nay không khó, không nặng về lý thuyết mà tập trung vào phần thực hành và vận dụng kiến thức thực tế.

Theo Hòa, đề Địa lý hay và mang tính thời sự, nói về những thế mạnh và hạn chế của tài nguyên đất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời lý giải nguyên nhân tại sao vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra hạn mặn hết sức nghiêm trọng.

Thí sinh Bé Diễm - học sinh Trường THPT An Biên - hào hứng cho biết: Đề Địa lý phần Atlat và vẽ biểu đồ 5 điểm khá dễ. Các câu lý thuyết nói về kinh tế biển, tài nguyên đất là những vấn đề đã được nhắc đến nhiều lần trong quá trình thầy cô ôn tập cho nên chỉ cần học bài, cập nhật kiến thức thực tế là có thể hoàn thành tốt bài làm của mình.

Cần Thơ: Hào hứng vì đề thi đậm tính thời sự

Ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh hào hứng chia sẻ rằng: Đề thi môn Địa rất thời sự!

Trong đó, vấn đề về hạn, mặn ở ĐBSCL và kinh tế biển miền Trung được thí sinh liên hệ thực tế, làm bài rất tốt. Một số thí sinh vui mừng vì bản thân đã học bài và nghiên cứu tài liệu kỹ về các vấn đề này.

“Đề thi môn Địa hay quá, em đã chuẩn bị tốt kiến thức nên làm bài rất khả quan, được khoảng 8 điểm. Điều dễ nhận thấy nhất là đề thi bám sát ‘hơi thở cuộc sống’, với các vấn đề như: Bảo vệ đa dạng sinh học; quá trình đô thị hóa; các khu kinh tế trọng điểm ven biển miền Trung; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL…

Đề thi không hề đặt nặng những phần lý thuyết mà đòi hỏi thí sinh vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề”, thí sinh Trần Lê Bảo Uyên, cụm thi ĐH Cần Thơ - hào hứng cho biết.

Có thể nói, môn Địa lý là môn “chiếm” được nhiều nụ cười của thí sinh nhất trong những ngày qua. Có em vui vì “đoán” trúng đề, có em đã thể hiện kiến thức, tầm hiểu biết của mình trong các câu hỏi dạng mở. Nhờ môn Địa, nhiều thí sinh chọn vào khối C đã yên tâm và hy vọng đề môn Sử sẽ tiếp tục hay, “nóng” và thời sự như đề Địa lý. 

Phú Quốc: môn Địa tự tin lấy 5 điểm

Thí sinh cho biết đề thi Địa lí sáng nay nội dung trong Atlat đã chiếm 2 điểm, 3 điểm liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long. Các em đã ôn khá kỹ phần này nên khi vừa ra khỏi khu vực thi đã rất tự tin tuyên bố mình trên 5 điểm. Ở Phú Quốc, phần lớn thí sinh chỉ chọn môn Địa để xét tốt nghiệp.

Thí sinh Vũ Cao Cường nhận định đề thi môn Địa khá dễ, có những câu không cần phải học bài, chỉ cần có kiến thức xã hội là làm được.

C.H (t/h) / giaoducthoidai.vn / tuyengiao.vn / baophutho.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh