CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:10

Thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016: Đề thi không quá khó, có tính phân hóa cao

Khó đạt điểm cao môn toán

Sau 180 phút làm bài thi môn Toán, đa số TS tại các cụm thi ở Hà Nội cho rằng, đề toán năm nay khó hơn năm ngoái, có tính phân loại cao. “Mặc dù đề thi không quá khó, sát với chương trình học, nhưng em nghĩ môn toán đa số nhiều điểm 7, còn điểm 8, 9 khó đạt được vì hầu hết tụi em bỏ lại 3 câu cuối không làm xong”, Vân Anh tại cụm thi ĐH Thủy Lợi cho hay. Nhiều TS khác cũng cho biết, hai câu 9 và 10 của phần giải phương trình và tìm giá trị ẩn số là khó nhất và đủ sức phân loại TS, đây là 2 câu có thể là điểm mấu chốt để các trường ĐH xét tuyển và lựa chọn những TS xuất sắc nhất.

Tại Nghệ An, nhiều TS cho biết, khó đạt điểm 10 môn toán. “Em làm bài tạm ổn, đề thi cơ bản nằm trong chương trình sách giáo khoa nên không có nhiều bất ngờ, hoặc những câu hỏi đánh đố học sinh. Tuy nhiên, để đạt điểm cao cần học lực khá, giỏi. Em làm được khoảng 60% đề thi”, em Nguyễn Thị Nga, Trường THPT Diễn Châu 5 chia sẻ. Nhiều TS khác cũng có chung nhận định đề thi có khoảng 80% là lý thuyết có ứng dụng tính toán. Các câu hỏi càng về sau càng khó. Đề thi năm nay tính phân loại học sinh cao.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi các vị phụ huynh đưa con đi thi tại điểm thi Trường ĐH Thủy Lợi (Hà Nội).

Còn ở TP. Hồ Chí Minh, sau môn Toán, nhiều TS hồ hởi, vì đề thi không khó, nhưng để lấy được điểm cao thì hầu hết TS đều lắc đầu. “Đề thi tương đối dễ từ câu 1 đến câu 6, tuy nhiên độ khó tăng dần đến câu 7, 8, 9 và câu 10 là khó nhất. 6 câu đầu dễ nên em làm khá nhanh nhưng đến câu 8 thì em không thể nào làm được. Bí quá nên e ra sớm trước giờ thi”, Tuấn Anh tại điểm thi trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận 3 cho biết. Tương tự, Lan Anh, học sinh trường THPT Giồng Ông Tố chia sẻ: “Đề năm nay tương đương với năm trước và đặc biệt là câu 10 em không thể nào giải được”.

Nhiều TS ở Đà Nẵng đánh giá đề toán có tính phân hóa cao. “Em làm được khoảng 80 - 90%, riêng câu 10 em không làm được vì không chú trọng ôn tập phần này. Đây cũng là câu hỏi phân loại dành cho những TS đạt mức điểm 9 - 10 nên không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý thi của em”, Ngô Anh Tuấn chia sẻ. Còn TS Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám, dự thi tại điểm thi trường THPT Trần Phú cho biết, đề thi có tính phân loại cao, em chỉ làm được khoảng từ 5 - 6 điểm. Đối với sức học của em, phần khó tập trung vào nội dung xác suất. Ở phần hình học, nếu đề thi yêu cầu tính thể tích, khoảng cách hình chóp thì em làm được chứ hình lăng trụ như đề ra thì hơi khó.

TS Đặng Vũ Đức, Trường THPT Chu Văn An, huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết, môn toán đề khó đạt điểm cao. Mặc dù ôn thi kỹ nhưng em làm được 7 câu, những câu còn lại em không đủ thời gian để làm.

Trong tâm trạng thoải mái, TS Tô Hoàng Định (Trường Anh Hùng Núp, huyện Kbang) chia sẻ: “Em xác định từ trước, môn toán không phải sở trường nên em dành thời gian ôn kỹ. Em làm được 6 câu mà đề ra sát với sách giáo khoa nhất, những câu còn lại em vẫn chưa hoàn thành. Mục tiêu đề của em với môn toán như vậy là đã đạt, các môn sau em sẽ cố gắng hơn”.

Thiếu thời gian làm bài môn ngoại ngữ

Chiều 1/7, kết thúc môn thi tiếng Anh, nhiều thí sinh nhận xét rằng đề thi môn tiếng Anh quá dài khiến thời gian hoàn thành bài thi không đủ. TS Duy Hải và Đinh Thị Thảo Vân tại điểm thi ĐH Bách Khoa (Hà Nội) cho biết, đề thi quá dài (6 trang), nhất là phần đọc hiểu khiến cho tụi em và nhiều TS khác không đủ thời gian hoàn thành bài thi. “Em làm tốt nhất phần trắc nghiệm trong đề thi tiếng Anh”, Thảo Vân nói.

Theo ghi nhận tại một số điểm thi trên địa bàn TP. Thanh Hóa, nhiều thí sinh kết thúc môn thứ hai tỏ ra không hài lòng với kết quả làm bài. Các thí sinh đánh giá đề thi môn tiếng Anh năm nay hơi dài và khó. Với thời gian 90 phút làm 64 câu hỏi thì không đủ để làm bài. Nhiều câu hỏi có tính chất phân loại học sinh. TS Nguyễn Thị Thu, học sinh trường THPT Hoằng Hóa 2 chia sẻ: "Đề bài có tính chất phân loại học sinh. Đối với học sinh trung bình thì cũng khó lấy được điểm trung bình". Tương tự TS Tô Thị Thu Trang, học sinh trường THPT Hàm Rồng cho hay: "Đối với đề thi tiếng Anh năm nay, chúng em phải gồng mình lắm mới có thể hoàn thành xong bài thi. Để lấy được điểm tối đa cho môn này không hề dễ chút nào”.

Tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm (TP. Hồ Chí Minh) và trường ĐH Sài Gòn, đa phần TS được hỏi cho biết đề thi Anh năm nay khó hơn so với đề năm ngoái. TS Trung Hiếu cho biết, đề thi tiếng Anh năm nay khó hơn năm ngoái nhưng vẫn có thể đạt trên 5 điểm nếu làm cẩn thận. Đặc biệt, phần viết luận khá dễ, có thể "chém gió" được, vấn đề này khá gần gũi và mang tính thời sự. Còn TS Sầm Ngọc Minh Hiền, Trường THPT Lê Minh Xuân chia sẻ: "Hai bài đọc khá dài, em không đủ thời gian làm nên có mấy câu em đành bỏ qua”.

Đề thi tiếng Anh năm nay khó hơn năm 2015, là nhận xét của nhiều TS dự thi tại điểm thi trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). TS Đoàn Như Mẫn cho biết: “Dù ngoại ngữ là môn thế mạnh của em nhưng em cũng không tự tin lắm về bài thi của mình. Ở phần trắc nghiệm, nếu bạn nào nắm chắc phần trọng âm thì sẽ dễ dàng đạt được 2 điểm. Còn nếu sức học trung bình, nếu làm bài thi không cẩn thận thì rất dễ bị điểm liệt”. “Do trong quá trình ôn tập, giáo viên có hướng dẫn cách viết về chủ đề “Lợi ích của việc tập thể dục” nên em cứ vận dụng vào bài làm vì lợi ích của học bơi và thể dục cũng gần giống nhau. Phần ngữ pháp được nhiều thí sinh cho là khó, có câu hỏi "mẹo" nên dễ mất điểm. Em thấy nội dung khó nằm ở phần bài đọc”, TS Nguyễn Minh Thành chia sẻ.

Các giáo viên đánh giá về đề thi

Thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên dạy  toán tại Hà Nội nhận định, đề toán năm nay hay, có tính phân loại rất cao và đạt yêu cầu của đề là vừa để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Theo thầy Cường, đề toán năm nay có lạ một chút ở thứ tự sắp xếp các câu hỏi. Học sinh trung bình dễ dàng đạt điểm 5, học sinh khá dễ đạt điểm 7 nhưng điểm giỏi và tuyệt đối sẽ khó.  Cũng theo thầy Cường, đề toán năm nay sẽ không gây áp lực cho TS vì nếu chỉ xét tốt nghiệp thì nhiều TS chỉ cần làm 7 câu dễ đầu tiên là có thể đỗ tốt nghiệp và không áp lực làm nốt những câu còn lại. Tuy nhiên, những câu hỏi khó năm nay lại đòi hỏi TS có tố chất mới làm được. “Năm nay, phổ điểm rơi nhiều vào điểm 5, 6 ,7 nhưng điểm 8 - 10 sẽ ít hơn: “Với đề toán năm nay sẽ dễ dàng cho các trường đại học chọn được TS như mong muốn”, thầy Cường cho biết thêm”.

Thầy Nguyễn Tấn Kiệt, tổ trưởng chuyên môn tổ toán trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh cho rằng cấu trúc đề thi tương đồng các năm nhưng có sự sắp xếp khoa học hơn. Câu dễ lên đầu để học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp dễ dàng trong việc làm bài. Cũng như mọi năm, phần kiến thức tập trung nhiều vào lớp 12 với khoảng 6, 5 điểm.

 Theo thầy Kiệt, xét toàn diện, học sinh trung bình có thể đạt 5 điểm dễ dàng nếu tính toán chính xác. Mức độ phân loại của đề là rất cao ở mức từ 8 đến 10. Các câu khó này nằm ở câu 8, 9, 10. Các câu dành cho học sinh trung bình khá khoảng 6 đến 7 điểm là câu 6b và câu 7. Như mọi năm câu khó nhất nằm ở câu 10 - bài toán cực trị. Tuy nhiên năm nay cách ra dạng câu hỏi khó này có thay đổi là cho 2 ý, mỗi ý 0,5 điểm, trong đó ý 1 chính là gợi ý cách làm của ý 2.

Nhận xét về đề thi tiếng Anh, cô Nguyễn Khánh Linh, giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho biết: “Đề thi tiếng Anh 2016 tương đối vừa sức với thí sinh. Đề thi có tính phân loại cao. Trong đó, phần trắc nghiệm ngữ pháp và từ vựng tập trung vào kiến thức cơ bản, các cấu trúc câu khá phổ biển, học sinh hầu như đã từng gặp ở trong chương trình cấp 3. Học sinh thi tốt nghiệp có thể hoàn thành tốt được phần này nếu nắm vững chương trình 3 năm”.

Phần phân loại thí sinh thi vào đại học nằm ở phần đọc hiểu, viết câu và viết đoạn văn. Ở những phần này thí sinh không chỉ cần chắc chắn kiến thức cơ bản mà còn cần kỹ năng phân tích, tổng hợp các phần ngữ pháp từ vựng đã học. Học sinh có thể vẫn làm được phần viết lại câu nhưng có một vài câu dễ bị thiếu hoặc bị "bẫy". Theo cô Linh, năm nay, đề luận là lợi ích của việc biết bơi, có thể nhiều em sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai ý mặc dù đã có 3 gợi ý chính trong đề.

Nhìn chung đề thi năm nay không khó hơn năm 2015, vừa tầm với thí sinh. Với đề thi này, đạt được điểm 5 - 6 không khó đối với thí sinh tốt nghiệp; với thí sinh thi đại học, có thể sẽ có điểm 9, 9.5.

Ths. Trương Mi Kim, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): “Đề thi môn tiếng Anh năm nay có độ phân hóa tốt, mỗi dạng câu hỏi đều có sự phân hóa rõ rệt. Mức độ nhận biết và thông hiểu dành cho học sinh đạt điểm tốt nghiệp vừa phải. Đề bám sát chương trình, các câu hỏi đa số rơi vào các dạng bài tập phổ biến; đồng thời có tính hệ thống, phần nhận diện lỗi xoáy vào các dạng bài tập thường gặp. Bên cạnh đó, đề thi cũng mang tính thời sự, có cập nhật các sự kiện nổi bật trong nước gần đây, đặc biệt là có tính giáo dục tầm quan trọng của việc học bơi và dạy bơi cho các em nhỏ”.

Tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng nhưng phải thực sự nghiêm túc

Ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến kiểm tra công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại 2 cụm thi do Trường ĐH Thủy Lợi,   Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì và điểm thi Trường THPT Quang Minh (huyện Mê Linh) do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức thi của các cụm thi và lưu ý:

" Thi cử có chuẩn bị chu đáo đến mấy thì cẩn thận vẫn không thừa trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi. Khâu tổ chức thi là quan trọng bên cạnh những khâu như chấm thi, xét tuyển sau này, làm tốt tất cả các khâu thì kỳ thi mới thành công".

Chia sẻ với phụ huynh chờ con ở cổng trường thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong gia đình đồng hành cùng con, giúp thí sinh có một sức khoẻ và tâm thế tốt nhất cho kỳ thi này. Nghiêm túc nhưng không nên quá căng thẳng, lo lắng để tránh ảnh hưởng đến tâm lý dự thi.

Bộ trưởng cũng mong muốn các cơ quan truyền thông đồng hành cùng Ban chỉ đạo thi, đưa tin tức một cách kịp thời về kỳ thi. Đề nghị Ban chỉ đạo thi chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để có thông tin thực sự minh bạch, từ đó xã hội có những đánh giá công bằng và không bị nặng nề bởi kỳ thi.

Nhóm PV GIÁO DỤC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh