Mở rộng sản xuất rau an toàn vùng ngoại thành Hà Nội
- Huyệt vị
- 16:02 - 23/02/2017
Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Hòa Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (TP Hà Nội).
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, diện tích sản xuất RAT được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt 5.044 ha, 224 ha rau VietGAP và gần 50 ha rau hữu cơ. Có thể thấy, việc sản xuất rau trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đánh giá của ngành nông nghiệp thành phố, hiện nay năng suất, hiệu quả trên một đơn vị canh tác sản xuất RAT tại địa bàn đang ngày càng được tăng lên. Theo đó, năm 2008 năng suất rau chỉ đạt 16 tấn/ha/vụ nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 20,5 tấn/ha/vụ; sản lượng rau cũng tăng từ 492.343 tấn lên 658.827 tấn/năm. Trong đó, sản lượng RAT đạt gần 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, giá trị sản xuất đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng tại các vùng che phủ ni-lông, nhà lưới trồng rau trái vụ tăng thêm ba đến năm vụ/năm, hiệu quả kinh tế tăng thêm 600 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất đạt một tỷ đồng/ha/năm, có diện tích đạt hai tỷ đồng/ha/năm và giá trị sản xuất RAT cao hơn sản xuất rau thường từ 10 đến 20%.
Hơn nữa, việc thực hiện nhiều các giải pháp phát triển RAT đã tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của nông dân. Qua thống kê, tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép thấp (hằng năm phân tích 300 đến 1.000 mẫu rau, chỉ có khoảng một đến hai % số mẫu vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép).
Để làm được điều đó, Hà Nội đã xây dựng và ban hành các chính sách, quy định, quy hoạch, đề án, quy trình kỹ thuật để có căn cứ, cơ sở và điều kiện để chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ, thực hiện. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức 889 lớp huấn luyện nông dân về dịch hại tổng hợp (IPM) rau cho 26.670 nông dân, có 100% số nông dân tiếp thu và ứng dụng, lan truyền được 40.000 nông dân khác; 897 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất RAT cho 49.500 người, có 100% số người sản xuất nắm được các quy định về ATTP. Triển khai, thực hiện 410 thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV như: che phủ ni-lông, nhà lưới trồng rau trái vụ triển khai tại 116 xã, nhân rộng với diện tích 1.150,2 ha. Ngoài ra, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn, nông dân có truyền thống sản xuất và được tiếp thu kiến thức quản lý IPM.
Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý sản xuất RAT tại Hà Nội còn gặp khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau tới hơn 200 nghìn hộ. Diện tích 5.044 ha đã chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng vẫn còn khoảng 7.000 ha chưa chứng nhận đủ điều kiện ATTP, tỷ lệ hộ được tham gia lớp học đồng ruộng còn thấp. Trong khi đó, để sản xuất RAT nông dân phải có kiến thức, kỹ năng thông qua các lớp học đồng ruộng về IPM và thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV. Số lượng doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh RAT còn ít do lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Từ đó, người tiêu dùng khó mua được RAT và người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị thực. Ở nhiều nơi, hợp tác xã nông nghiệp hầu như không có vai trò tiêu thụ RAT cho nông dân do không có vốn hoặc vốn thấp; liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân không chặt chẽ, không hài hòa lợi ích giữa các bên, hợp đồng thường bị phá vỡ.
Để sản xuất RAT phát triển mạnh, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới sản xuất RAT; đẩy mạnh ứng dụng IPM trên cây rau; ban hành quy trình kỹ thuật về sản xuất RAT, rau hữu cơ; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm sử dụng thuốc BVTV. Thực hiện phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT truy xuất nguồn gốc đến hộ gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng; tăng cường, siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu, đánh giá sự phù hợp của thuốc BVTV sinh học, thảo mộc, thuốc có thời gian cách ly ngắn để ứng dụng đối với sản xuất rau của Hà Nội.